8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào 31/12/2017

Lan Phương| 30/11/2017 15:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo lộ trình Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, 8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2017.

Ngày 29/11/2017, Bộ TTTT đã tổ chức phiên họp của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã chủ trì phiên họp, ngoài ra còn có thành viên của Tổ giúp việc gồm đại các Bộ, ngành liên quan, đại diện một số đài truyền hình, công ty truyền dẫn phát sóng, đại diện các địa phương và một số đơn vị chức năng của Bộ TTTT.

Hoàn thành số hoá truyền hình tại 15 tỉnh

Tại phiên họp, đại diện thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết kết quả triển khai Đề án số hóa theo kết luận tại Phiên họp Ban chỉ đạo lần thứ 13.Theo đó, công tác chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) mặt đất đã được thực hiện tốt tại 15 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang. 15 tỉnh đã hoàn thành ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đối với các trạm phát sóng chính từ ngày 15/8/2017.

Cũng theo Văn phòng Ban Chỉ đạo, các gia đình trên địa bàn nói trên đều phấn khởi khi thu xem được các kênh truyền hình thiết yếu của Trung ương và địa phương như VTV, VTC, AVG với độ phân giải cao.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban chỉ đạo thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất có chậm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp chưa được tích cực. Điều này dẫn đến việc phát sóng truyền hình số tại tỉnh Phú Thọ còn chậm trễ. Một số địa phương chưa khảo sát kỹ nên việc tổng hợp danh sách địa bàn chưa chính xác.

8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng analog vào 31/12/2017

Cũng tại phiên họp, Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, theo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 13, 8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 31/12/2017 bao gồm: Khánh Hòa (thuộc Nhóm II) và 7 tỉnh thuộc Nhóm III gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Về việc triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất tại 8 tỉnh nêu trên, VTV đã triển khai máy phát sóng tại Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Còn tại Cà Mau, Văn phòng Ban Chỉ đạo đề nghị VTV cần sớm triển khai phát sóng DVB-T2.

Trong khi đó, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đã phát sóng DVB-T2 kênh 33 theo mạng đơn tần tại TP. HCM, Cần Thơ, An Giang, Long an, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Thuận, Sóc Trăng; phát sóng DVB-T2 kênh 34 theo mạng đơn tần tại Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Cần Thơ, Bình Phước và Kiên Giang; phát kênh 35 ở huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. SDTV đã triển khai 2 máy phát sóng DVB-T2 tại Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Hòa. Văn phòng Ban chỉ đạo đề nghị SDTV cần phải sớm triển khai phát sóng DVB-T2 tại các tỉnh Cà Mau, Tây Ninh để đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh này trước ngày 31/12/2017. 

Riêng đối với tỉnh Bình Phước, Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa cho biết, Đài PTTH tỉnh Bình Phước và VTV đã tắt sóng analog. Tuy nhiên, trước đây, các máy phát sóng analog của VTV và Đài PTTH Bình Phước được phát sóng từ đỉnh núi Bà Rá nên vùng phủ sóng bao trùm toàn bộ tỉnh. Nay do tỉnh chủ trương phát triển dịch vụ văn hóa, du lịch tại Bà Rá nên VTV đang triển khai máy phát sóng DVB-T2 tại thị xã Đồng Xoài. Do vị trí phát sóng thay đổi, độ cao anten phát thấp hơn nên vùng phủ DVB-T2 nhỏ hơn vùng phủ sóng truyền hình analogue đặt tại núi Bà Rá. Theo số liệu của đại diện tỉnh Bình Phước, khoảng 10 nghìn hộ nghèo, cận nghèo nằm trong vùng lõm sóng truyền hình mặt đất.

Đối với tỉnh Tây Ninh, VTV đang triển khai máy phát sóng DVB-T2 tại thành phố Tây Ninh, vùng phủ sóng DVB-T2 nhỏ hơn vùng phủ sóng analogue khi phát sóng tại núi Bà Đen. SDTV sẽ triển khai thêm hai trạm phát lại truyền hình số mặt đất tại Tân Hòa (Tây Ninh) và Bù Gia Mập (Bình Phước) bên cạnh hai trạm phát sóng chính tại Đồng Xoài và thành phố Tây Ninh để bù lõm vùng phủ sóng tại các tỉnh này. Còn VTV chưa có kế hoạch phủ sóng vùng lõm tại Bình Phước và Tây Ninh.

Để đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình analog tại hai tỉnh này, Văn phòng Ban chỉ đạo đề xuất Tiểu ban giúp việc xem xét hai phương án: Đối với địa bàn thuộc vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất của trạm phát sóng chính sẽ thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện. Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện thí điểm hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện thuộc vùng phủ truyền hình analog trước đây. 

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt cho công tác ngừng phát sóng truyền hình analogue tại 8 tỉnh từ ngày 31/12/2017. Thứ trưởng hoan nghênh SDTV đã triển khai tốt việc lắp đặt thêm 2 trạm phát lại truyền hình số mặt đất để bù lõm vùng phủ sóng tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Đồng thời chỉ đạo VTV cần có kế hoạch phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh trước đây đã được phủ sóng truyền hình analog.

Đối với 8 tỉnh trong lần tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2017, Thứ trưởng cho biết Tây Ninh cần cân nhắc quyết định sẽ tắt sóng analog giống Bình Phước hay tiếp tục phát song song cả analog và truyền hình số mặt đất. Tỉnh ra quyết định và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào 31/12/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO