Theo báo cáo mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, tổng số vốn đăng ký mới đạt 14,56 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký tăng thêm là 6,75 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong thời gian trên, có 3.742 thỏa thuận góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị là 4,16 tỉ USD, tăng 64%. Đặc biệt, giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21% so với năm ngoái, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không kể dầu thô, con số này là 108,5 tỷ USD, tăng 21%.
Trong 18 ngành, lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 9 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 12,64 tỷ USD chiếm 49,6% trong tổng số FDI đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện với 5,34 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn FDI.
Xét về các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,31 tỉ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp đó đến Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,91 tỉ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư và Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,14 tỉ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.
Trong số 59 địa phương có vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 3,74 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn FDI cả nước. Thanh Hoá đứng thứ hai với 3,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn FDI. Sau đó đến tỉnh Bắc Ninh với 3,14 tỷ USD, chiếm 12,3%.
Theo một báo cáo riêng, chỉ trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai cho biết đã gần như đạt được mục tiêu FDI đặt ra cho cả năm. Đây là tỉnh nằm trong danh sách 10 địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Cụ thể tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cho 55 dự án mới, số vốn đăng ký tăng thêm đạt khoảng 955,5 triệu USD, tương đương với 95,5% mục tiêu đặt ra. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, có 339,4 triệu USD được đổ vào các dự án mới và phần còn lại được bổ sung cho các dự án đang hoạt động.
Như vậy, cả vốn cấp mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân trong 9 tháng đầu năm của cả nước đều tăng trưởng hai con số. Kết quả này được cho là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt dòng vốn tăng thêm tăng trưởng mạnh còn thể hiện sự quan tâm dài hạn, nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.