Thu nhập 1-2 USD/ngày
Bà mẹ 38 tuổi, với 4 đứa con, kiếm sống bằng công việc lau dọn nhà cửa, đã bị 2 trong 3 người chủ từ chối. Giống như nhiều người Ấn Độ khác, họ bắt đầu quá trình giãn cách xã hội để chống lại virus đang lây lan nhanh chóng.
Với Devi, người hàng ngày đem về nhà chưa đến 1 USD (0,67 USD), mất việc làm cũng là chuyện đáng lo ngại như hoàn cảnh sống của cô.
Khi Ấn Độ nỗ lực hạn chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19, gia đình Devi - sống trong một căn phòng đơn chật chội, chung phòng tắm và nhà vệ sinh với 2 gia đình khác - là một trong những người có nguy cơ cao nhất.
Tình hình đã trở nên rất khó khăn, Devi nói qua điện thoại từ phía đông thủ đô Delhi. Đi ra ngoài cũng có vấn đề và ở nhà cũng có vấn đề.
Tình trạng khó khăn phải đối mặt với lực lượng lao động phi chính thức của Ấn Độ 450 triệu người là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự bất bình đẳng xã hội đe dọa làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn virus trên toàn thế giới. Người nghèo ở thành thị thường bị hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe do không có bảo hiểm y tế.
Câu chuyện của Devi là câu chuyện của hơn 1/3 số lao động Ấn Độ, một phần của khu vực phi chính thức đóng góp một nửa GDP trong nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á. Khu vực phi chính thức sử dụng hơn 90% tổng lực lượng lao động của Ấn Độ.
Hầu hết những người này làm việc trung bình chỉ khoảng 2 USD/ngày như thợ ống nước, giúp việc nhà, người thu gom rác, người kéo xe và bán hàng rong. Họ không có lựa chọn làm việc tại nhà, dành thời gian nghỉ ngơi hay cũng không thể tránh phương tiện giao thông công cộng để thực hành biện pháp giãn cách xã hội, điều các nước đang áp dụng để tránh lây lan Covid-19 trên toàn cầu.
Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã dưa ra các biện pháp phong tỏa và kiềm chế giao thông trong khu vực đô thị. Tất cả các chuyến tàu chở khách và việc đi lại đã bị ngừng lại đến ít nhất là ngày 31/3. Đầu tuần này, Ấn Độ đã ghi nhận 390 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Nhiều tiểu bang bắt đầu thực hiện các lệnh hạn chế, cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở nơi công cộng.
Những hạn chế này sẽ gây ra sự gián đoạn lớn đối với sinh kế của nhiều lao động, ông Rajmohan Panda, Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ, người đã tư vấn cho chính phủ Ấn Độ cũng như các tổ chức quốc tế như UNICEF và Quỹ Gates. Không có an sinh xã hội và bảo hiểm, việc mất thu nhập ngay cả khi tạm thời cũng sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh và dinh dưỡng, do đó khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn.
Mọi người đều lo sợ
Đối với Mohibul Ansari ở Mumbai, việc nuôi nấng 5 đứa con khó khăn hơn. Nhà máy nhựa mà ông làm việc, ở một góc của một khu ổ chuột trong thành phố, đã đóng cửa và 3 người bạn cùng phòng của anh đã trở về nhà của họ ở các tiểu bang khác.
Mọi người đều lo lắng, có một nỗi lo sợ đang lây lan, ông Ansari, 42 tuổi, nói qua điện thoại từ Dharavi, thị trấn nhỏ trải dài từng được mô tả là khu ổ chuột lớn nhất châu Á.
Cuộc sống chật chội - 120.000 người chia sẻ một km vuông không gian sống ở trung tâm tài chính Ấn Độ, gấp khoảng 12 lần con số ở thành phố New York - khiến người lao động có thu nhập thấp gặp rủi ro. Các chuyến tàu ngoại ô, phương thức vận chuyển chính ở Mumbai, vận chuyển tới 7,5 triệu hành khách mỗi ngày - tương đương với dân số Hồng Kông.
Những người lao động nhập cư như Ansari và gia đình anh ta có rất ít khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng. Quốc gia Nam Á chỉ chi khoảng 62,72 USD cho mỗi người cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2016, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít hơn khoảng 6 lần so với Trung Quốc. Chính phủ liên bang cam kết tăng nguồn tài trợ cho y tế lên ít nhất 2,5% GDP vào năm 2025 nhưng vẫn còn rất xa.