Ấn Độ đứng thứ 3 toàn cầu về số lượng tội phạm mạng

Bảo Bình| 20/12/2021 16:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo của Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet (IC3) và Cục Điều tra Liên bang (FBI), Ấn Độ đứng thứ ba toàn cầu về số lượng tội phạm mạng trong năm 2020.

Đại dịch COVID-19 bùng nổ buộc tất cả mọi người phải làm quen với cuộc sống số. Dù là đọc tin tức, đặt đồ ăn hay mua sắm hàng hóa, mọi người ở mọi lứa tuổi đều phải học cách sử dụng không gian trực tuyến. Theo báo cáo của Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet (IC3) và Cục Điều tra Liên bang (FBI), tội phạm mạng đã tận dụng cơ hội kiếm lợi khi mọi người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.

Tại Ấn Độ, tỷ lệ tội phạm mạng đã có sự gia tăng đáng báo động. Gian lận tài chính và ngân hàng chiếm hơn ⅓ số vụ tội phạm mạng, chủ yếu liên quan đến các thiết bị công nghệ số.

Gian lận ngân hàng trực tuyến phổ biến nhất ở Ấn Độ

Theo báo cáo của IC3, Ấn Độ đứng thứ ba toàn cầu về số lượng tội phạm mạng trong năm 2020, theo đó số vụ gian lận tài chính cũng cao không kém. Báo cáo đề cập rằng mục tiêu chính của bọn tội phạm là lừa đảo kiếm tiền.

Hơn 45% số vụ gian lận tài chính đều nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền trực tuyến, được thực hiện trên các thiết bị di động. Ngoài hình thức này, các hình thức tội phạm khác được báo cáo bao gồm gian lận ATM, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ và OTP. Tại Ấn Độ, cứ 10 trường hợp gian lận chiếm đoạt tiền liên quan đến thiết bị liên lạc thì gần 5 trường hợp là gian lận ngân hàng trực tuyến.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, số lượng các vụ lừa đảo qua ngân hàng trực tuyến đã gia tăng đáng báo động. Cụ thể, số lượng các vụ gian lận ngân hàng trực tuyến ở Ấn Độ đã tăng 162% từ năm 2017 đến năm 2019. Sự bùng phát của dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng lừa đảo này.

Theo thông tin trên trang web của Cảnh sát Delhi, một số vụ lừa đảo ngân hàng trực tuyến chủ yếu bao gồm lừa đảo trực tuyến và Trojan. Lừa đảo liên quan đến việc lấy cắp thông tin cá nhân như ID khách hàng, mã PIN, số thẻ tín dụng / thẻ ghi nợ, ngày hết hạn thẻ, số CVV, v.v. thông qua email, tin nhắn văn bản được gửi đến từ một nguồn “có vẻ hợp pháp” nhưng thực chất là do bọn tội phạm mạng mạo danh hoặc cố tình tạo email, tin nhắn giống với email, tin nhắn của ngân hàng.

Vì sao các vụ gian lận tài chính trực tuyến gia tăng?

Có phải việc mọi người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ đã dẫn đến sự gia tăng các vụ gian lận tài chính trực tuyến? Theo ý kiến các chuyên gia, bối cảnh văn hóa xã hội cũng có thể góp phần gây ra xu hướng này. “Lạm phát cao, thất nghiệp, cơ hội việc làm ít hơn có thể là một số yếu tố chính”, Tiến sĩ Charru Malhotra, người đã làm việc nhiều trong lĩnh vực CNTT, an ninh mạng và chuyển đổi số và hiện là điều phối viên Trung tâm eGovernance, Viện Hành chính công (IIPA), New Delhi, cho biết.

Một nguyên nhân khác là do xu hướng làm việc tại nhà gia tăng. Malhotra nói rằng trong văn phòng, các biện pháp bảo mật được triển khai chặt chẽ hơn trên máy tính xách tay và máy tính để bàn. Nhưng khi các cá nhân làm việc tại nhà, nguy cơ lỗ hổng bảo mật sẽ cao hơn do ít có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Đáng lưu ý, việc mọi người cảm thấy mệt mỏi với các phương tiện số cũng là một yếu tố khác góp phần đẩy số vụ gian lận tài chính trực tuyến gia tăng. “Sự mệt mỏi với các giải pháp số dẫn đến sự bất cẩn. Mọi người thường quên bảo mật hồ sơ và giao dịch của chính họ”, Malhotra cho biết thêm.

Những cảnh báo nghiêm trọng về an ninh tài chính toàn cầu

Vào tháng 2/2020, Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế, cảnh báo sẽ có một cuộc tấn công mạng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Vào tháng 4/2020, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) cảnh báo về "một sự cố mạng lớn, nếu không được ngăn chặn đúng cách, có thể phá vỡ nghiêm trọng các hệ thống tài chính, bao gồm cả cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng, dẫn đến các tác động bất định tài chính rộng lớn hơn", báo cáo về mối đe dọa mạng toàn cầu do IMF công bố vào tháng 3/2021 cho biết.

Trong khi các cuộc tấn công mạng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế, báo cáo của Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet và Cục Điều tra Liên bang cho rằng lĩnh vực tài chính đặc biệt dễ bị tổn thương hơn. “Nhiều tác nhân đe dọa đang tập trung vào việc kiếm tiền, số lượng các cuộc tấn công gây rối và phá hoại ngày càng gia tăng; hơn nữa, tội phạm mạng cũng tìm hiểu về mạng lưới và hoạt động của hệ thống tài chính, cho phép chúng thực hiện các cuộc tấn công phá hoại hoặc gây rối nhiều hơn, tinh vi hơn trong tương lai, hoặc bán kiến thức và khả năng đó cho người khác”, báo cáo cho biết.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ đứng thứ 3 toàn cầu về số lượng tội phạm mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO