Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi và thương mại thế giới có dấu hiệu cải thiện, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) kêu gọi các lãnh đạo APEC cần tạo động lực mới để duy trì sự năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và mang lại lợi ích cho cả khu vực.
Ông David Toua, Chủ tịch ABAC cho biết: “Sau một khoảng thời gian ảm đạm, cuối cùng chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nhưng lực lượng phá hoại của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương là một mối đe dọa thực sự đối với xu hướng đó ”.
Ông Toua nhấn mạnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,9% vào năm 2018, nhưng cũng nhận định sự gia tăng căng thẳng thương mại là một thách thức đáng kể.
“Chúng tôi đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong báo cáo hàng năm của chúng tôi về sự hỗ trợ của chúng tôi đối với hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc và giá trị mà chúng tôi đặt ra để thúc đẩy khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nền tảng để đảm bảo rằng khu vực của chúng ta sẽ liên thông, năng động, phục hồi và bền vững - và là nơi mọi người có thể tận hưởng những cơ hội và lợi ích của hội nhập kinh tế khu vực ”, Chủ tịch ABAC nhấn mạnh.
Những rào cản thương mại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và do đó gây tổn hại cho các cộng đồng và môi trường kinh doanh hiện nay. Theo ông David Toua, các thị trường mở và được kết nối không chỉ tốt hơn cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy tiến bộ, tạo ra các cộng đồng bền vững hơn trên toàn cầu.
Ông Toua cho biết thêm: “Một thông điệp cốt lõi nữa đối với các nhà lãnh đạo là tầm quan trọng của việc tận dụng triệt để kỷ nguyên số”. Điều đó có nghĩa là cần thiết lập lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng và các chính sách sẵn sàng cho tương lai để đảm bảo luồng dữ liệu, tính riêng tư và bảo mật trong khi không để bỏ lại nền kinh tế nào phía sau.
Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC cũng đã gửi thư cho các Bộ trưởng Tài chính APEC, Bộ trưởng Năng lượng APEC và Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.
Về năng lượng, ABAC cam kết giúp đỡ để hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc về cho phép tất cả mọi người tiếp cận với năng lượng giá cả phải chăng, tin cậy, bền vững và hiện đại. Điều đó đòi hỏi phải tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng, chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và carbon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về tài chính, ABAC nhận rõ vai trò trung tâm mà công nghệ tài chính (fintech) nắm giữ trong nền kinh tế số và do đó việc phối hợp các thiết lập về chính sách, quy định và thể chế trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng. “Nhu cầu về cơ sở hạ tầng rộng lớn trong khu vực APEC phải là một trọng tâm cấp bách đối với đầu tư và cải cách quản lý”, Chủ tịch ABAC David Toua nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Toua cho biết việc trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và phụ nữ vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Điều quan trọng là các MSME, kể cả MSME do nữ giới lãnh đạo, có thể nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ - dù hoạt động trong nước hay quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải tiếp cận với tài chính và nền kinh tế số, giảm các trở ngại về cơ cấu và các rào cản thương mại như hàng rào phi thuế quan (NTB- Non Tariff Barrier)”, Toua khẳng định.
Ngoài ra, các nền kinh tế APEC cũng cần chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng trong tương lai như giáo dục STEM và tư duy đúng đắn trong kinh doanh và xã hội, nhằm khuyến khích, cho phép tất cả mọi người tham gia kinh tế bình đẳng. Chủ tịch ABAC David Toua nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết những yêu cầu này, chúng ta sẽ gặp trở ngại lớn để mang lại sự phát triển bao trùm và bền vững thực sự”.