Ngày 4/5, Apple và Google đã chia sẻ một loạt hình ảnh và hướng dẫn để các chính phủ, các cơ quan y tế công cộng tích hợp các ứng dụng truy vết nguồn tiếp xúc, bao gồm cả cách người dùng sẽ nhận được thông báo nếu họ đã tiếp xúc với người bị nhiễm virus corona.
Hai công ty cũng đưa ra một số yêu cầu đối với các ứng dụng sử dụng hệ thống này, bao gồm không chạy quảng cáo nào và thu thập dữ liệu vị trí.
Apple và Google đang phát triển phần mềm nhằm kết hợp các ứng dụng y tế công cộng thay vì phát triển riêng rẽ. Vào tháng trước, hai công ty kiểm soát hai hệ điều hành điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới là iOS và Android, đã tuyên bố sẽ hợp tác để giúp các chính phủ theo dõi sự lây lan của virus corona bằng công nghệ Bluetooth. Đầu tiên, hai công ty sẽ phát triển một API - được triển khai vào cuối tháng này - nhằm giúp các cơ quan y tế công cộng có thể tích hợp với các ứng dụng trên hệ thống iOS hoặc Android.
Cả Apple và Google đang tìm cách để thông báo đến người dùng rằng họ có bị nhiễm virus hay không mà không cần phải sử dụng đến ứng dụng.
Bằng cách đưa khả năng theo dõi bệnh tật vào hầu hết mọi điện thoại thông minh trên toàn thế giới, hai gã khổng lồ công nghệ này hy vọng sẽ tạo ra một hệ thống cảnh báo virus corona toàn cầu. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của cả hai công ty để có chỗ đứng vững chắc hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, các sáng kiến truy vết nguồn tiếp xúc được phát triển tại nhiều quốc gia khác nhau đã làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư.
Trong bản cập nhật hôm 4/5, hai công ty đã chia sẻ mã mẫu chung cho các ứng dụng truy vết nguồn tiếp xúc và hướng dẫn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Những hướng dẫn này bao gồm hệ thống sẽ không thu thập bất kỳ dữ liệu vị trí nào của người dùng, sẽ chỉ được các cơ quan y tế sử dụng mà không vì lợi ích kiếm tiền; sẽ yêu cầu sự đồng ý rõ ràng của người dùng; và sẽ bị vô hiệu hóa khi không cần theo dõi nguồn tiếp xúc.
API chỉ có thể được sử dụng bởi một ứng dụng cho mỗi quốc gia, nhưng hai công ty cho biết sẽ hỗ trợ các chính phủ muốn triển khai hệ thống ở cấp khu vực hoặc cấp quốc gia.
Vẫn còn những lo ngại về hiệu quả của các ứng dụng truy vết nguồn tiếp xúc, bao gồm cả việc có đủ lượng người sẽ tham gia và việc sử dụng smartphone còn hạn chế tại nhiều nước đang phát triển.
Nhưng đại diện của Google và Apple tin tưởng công nghệ này sẽ là một tùy chọn hiệu quả hơn để theo dõi sự lây nhiễm virus so với các phương pháp truy vết nguồn tiếp xúc truyền thống, bao gồm việc ghi lại thủ công những người đã dương tính với virus và những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm.