ASEAN cần tiếp tục tăng cường nỗ lực chung để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực

03/11/2015 20:21
Theo dõi ICTVietnam trên

ASEAN đang hướng tới hình thành Cộng đồng chung vào cuối năm 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực bên cạnh những thuận lợi còn xuất hiện nhiều biến động phức tạp. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh về tình hình nội khối ASEAN cũng như những định hướng lớn của ASEAN trong thời kỳ phát triển tiếp theo của Hiệp hội. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký, ASEAN đang hướng tới hình thành Cộng đồng chung vào cuối năm 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều biến động phức tạp. Đề nghị Tổng Thư ký cho biết các nước ASEAN đã thực hiện lộ trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay?

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh: Các nước thành viên đang nỗ lực nhiều hơn để hướng tới đích hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, nhằm đánh dấu bước chuyển mới trong quá trình phát triển của ASEAN sau gần nửa thập kỷ hình thành và phát triển. Hiện ASEAN đã thực hiện hơn 90% các biện pháp đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng và đang đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp còn lại trên cả ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Với quyết tâm và kế hoạch, những ưu tiên cụ thể đã được đề ra cho đến cuối năm 2015, chắc chắn những biện pháp quan trọng nhất, có tác dụng lan tỏa nhất đối với quá trình hội nhập của ASEAN sẽ được thực hiện đúng thời hạn.

ASEAN đang hướng đến một cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Người dân thông qua các cơ chế tham vấn có thể đóng góp ý kiến, ủng hộ và tham gia rộng rãi vào việc xây dựng, triển khai các biện pháp có tác động trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của họ. Đây phải tiếp tục là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN. Thành tựu của ASEAN là rất quan trọng, không chỉ đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà còn đối với quá trình tiếp tục hội nhập của ASEAN sau năm 2015.

Phóng viên: Xin Tổng Thư ký đánh giá, việc duy trì đoàn kết nội khối ASEAN có ý nghĩa như thế nào khi ASEAN phát triển từ Hiệp hội thành Cộng đồng trong thời gian tới?

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh: Đoàn kết, hợp tác cùng phát triển luôn là xu thế chủ đạo gắn kết các quốc gia thành viên cua Hiệp hội. Ngày nay, hợp tác và liên kết ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những bước chuyển mạnh mẽ về chất, hướng đến mục tiêu trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, đùm bọc và chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên vào cuối năm nay.

Nhân tố quan trọng hàng đầu để ASEAN tiếp tục thành công là Hiệp hội cần tăng cường những nỗ lực chung để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã được ghi nhận trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC), Hiến chương ASEAN và lập trường nguyên tắc sáu điểm về vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình địa chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những dịch chuyển quyền lực sâu rộng cùng với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và nguy cơ căng thẳng từ các điểm nóng trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông, ASEAN càng phải hết sức củng cố sự đoàn kết và thống nhất nội khối, duy trì vai trò trung tâm tại các cơ chế khu vực, hài hoà giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của Hiệp hội.

Phóng viên: Tổng Thư ký hãy chia sẻ những nội dung chính của Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 mà các nước trong Hiệp hội đã dày công xây dựng trong thời gian qua?

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh: ASEAN đang tích cực xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. Theo kế hoạch, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 cùng với Kế hoạch Tổng thể mới cho ba trụ cột sẽ được lãnh đạo ASEAN thông qua vào cuối năm nay, định hướng hoạt động ASEAN nhằm đẩy mạnh liên kết ASEAN sâu rộng hơn trên cả ba trụ cột, gồm an ninh -chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Xây dựng và củng cố Cộng đồng là một quá trình liên tục.

Việc thành lập Cộng đồng ASEAN cuối năm nay chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài hơi. Tầm nhìn ASEAN 2025 đang được xây dựng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả của tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng trong những năm qua. Tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ ưu tiên tăng cường thể chế, văn hoá thực thi, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ba trụ cột.

Nội dung xuyên suốt của Tầm nhìn ASEAN năm 2025 là củng cố Cộng đồng theo hướng Cộng đồng ASEAN sẽ là một Cộng đồng thực sự hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Nội dung chủ đạo này sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ba trụ cột cua Cộng đồng, theo đó người dân sẽ được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp; được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng trong một không gian kinh tế mở, có khả năng cạnh tranh cao; được tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội toàn diện, với các giá trị và bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ và tôn trọng. Để biến Tầm nhìn ASEAN năm 2025 trở thành hiện thực, các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột sẽ bao gồm những biện pháp cụ thể, thiết thực và khả thi. Những biện pháp này sẽ có thời hạn thực hiện rõ ràng nhằm tạo ra những tác động tích cực và thực chất đến đời sống của người dân.

Giữ vững hòa bình, ổn định và an ninh khu vực tiếp tục là một ưu tiên quan trọng trong Tầm nhìn ASEAN năm 2025. ASEAN sẽ tiếp tục đề ra các biện pháp tăng cường đoàn kết, thống nhất và nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực, tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Phóng viên: Tình hình tại Biển Đông đang có những diễn biến rất phức tạp, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận khu vực và thế giới. Tổng Thư ký hãy cho biết lập trường chung của các nước ASEAN đối với tình hình Biển Đông hiện nay ra sao? Theo Ngài, ASEAN và Trung Quốc cần làm gì để thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)?

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh: Chiếm một phần lớn diện tích biển của Đông - Nam Á và nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với trữ lượng tài nguyên phong phú và vị trí địa lý chiến lược đặc biệt, Biển Đông có tầm quan trọng to lớn về an ninh và kinh tế đối với các nước cả trong và ngoài khu vực. Việc xử lý tranh chấp Biển Đông, bên cạnh các bên liên quan trực tiếp, cần được đặt trong bối cảnh tổng thể hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là lợi ích chung chính đáng của mọi quốc gia. Đặc biệt, ASEAN có lợi ích và vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông do mối liên hệ tương hỗ giữa một Đông - Nam Á hòa bình và một ASEAN thịnh vượng. Không có hòa bình được bảo đảm, Cộng đồng ASEAN sẽ không thể phát triển bền vững. Xử lý vấn đề Biển Đông cũng là phép thử đối với vai trò trung tâm của ASEAN do có ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của các cơ chế và chuẩn mực của ASEAN, nòng cốt của cấu trúc an ninh khu vực.

Trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ASEAN kiên định lập trường Nguyên tắc sáu điểm thông qua năm 2012 yêu cầu thực hiện đầy đủ DOC ký năm 2002, Hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011; sớm kết thúc COC; hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực giữa tất cả các bên; giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp, theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Tuyên bố DOC là văn kiện điều chỉnh quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc đã đạt được DOC từ 13 năm nay và đã tham vấn về COC được ba năm nhưng tình hình Biển Đông chưa bao giờ thực sự yên ổn, nhất là trong những năm gần đây khi ASEAN liên tục chứng kiến các vụ việc đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải như việc Trung Quốc đặt dàn khoan dầu tại vùng biển mà chiểu theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không thể có bất cứ sự biện minh nào cho các đòi hỏi chủ quyền và quyền tài phán, cũng như các hoat động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn trên các đảo tranh chấp làm thay đổi nguyên trạng, đi ngược lại tinh thần thoả thuận tại Điều 5 của DOC, làm xói mòn lòng tin và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc là những đối tác chiến lược quan trọng chia sẻ lợi ích chung về hoà bình, ổn định ở khu vực. Để khôi phục lòng tin, góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, đồng thời với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, ASEAN và Trung Quốc cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán nhằm sớm thông qua hoàn tất COC. COC cần phải là một công cụ pháp lý ràng buộc điều chỉnh ứng xử của các bên ở Biển Đông, không chỉ nhằm ngăn ngừa, mà còn quản lý và giải quyết các vụ việc xảy ra và góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc giải quyết toàn diện và lâu dài các tranh chấp trên Biển Đông.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký!

HỒNG HẠNH thực hiện

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
ASEAN cần tiếp tục tăng cường nỗ lực chung để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO