Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện nay bao gồm chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và buôn bán ma túy.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã đề cập đến vấn đề chống khủng bố và an ninh khu vực. Ông cho rằng sự bành trướng mạnh mẽ của các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đòi hỏi các nước phải hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo, nhằm đối phó tốt hơn với các đối tượng cực đoan. Các Lãnh đạo ASEAN đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Australia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chống khủng bố, trong đó có cam kết dành hơn 100 triệu USD trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm tăng cường hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân và chương trình “Đầu tư cho phụ nữ” trị giá 46 triệu USD. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia đã thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác chống khủng bố quốc tế.
Tuyên bố chung đề cập tới việc phát triển Trung tâm Hợp tác Thực thi Pháp luật Jakarta (JCLEC) về chống khủng bố và các kế hoạch tăng cường hợp tác về chống khủng bố. JCLEC là ngôi trường đặc biệt tại Học viện Cảnh sát Semarang, Indonesia, chuyên huấn luyện lực lượng chống khủng bố cho cả vùng Đông Nam Á. Chính phủ Australia cũng tham gia tài trợ cho ngôi trường này.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN - Indonesia, Malaysia và Philippines - đã từng là các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố lớn trong thời gian rất gần đây, các quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức từ các thế lực thù địch nước ngoài và các phần tử cực đoan đoan trong nước. “Sự hợp tác của các bên trong việc chống khủng bố là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”, Thủ tướng khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Indonesia đã kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia hiện thực hóa tầm nhìn về an ninh khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Indonesia Jokowi đã nhấn mạnh sự cần thiết về một cơ chế hợp tác chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) bằng cách đi đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết “Chúng tôi có một sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề ma túy, bởi vì chúng tôi không muốn các bạn trẻ của Indonesia hay ASEAN phá hủy tương lai của mình do lạm dụng ma túy. Đó là lý do tại sao cần tăng cường giám sát tại biên giới lãnh thổ của mỗi quốc gia đối tác, cũng như việc chia sẻ thông tin tình báo”.
Một vấn đề khác cũng được đề cập đến tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia là hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực. Ông Retno cho biết thêm Indonesia và Australia sẽ trở thành những quốc gia đầu tiên thực hiện cơ chế hợp tác an ninh hàng hải từ tháng 11 tới.
Đây là năm đầu tiên Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia được tổ chức kể từ khi hai bên ký kết nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2014. Tại Hội nghị, ông Turnbull cũng thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao tiếp theo giữa Australia và ASEAN tại Canberra vào năm 2018. Dự kiến, hội nghị sẽ thảo luận một loạt vấn đề khu vực, trong đó có mối đe dọa khủng bố và tương lai thương mại giữa Australia và ASEAN.