Điều này đã được nhấn mạnh tại Hội thảo ASEAN - Hàn Quốc về Thương mại điện tử "Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng" diễn ra hồi đầu tháng 9 vừa qua.tại Đà Nẵng.
Hội thảo đề cập đến các vấn đề nằm trong các khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch điện tử từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C), cũng như chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất về hàng loạt các vấn đề nổi cộm trong việc bảo vệ người tiêu dùng điện tử (e-cónumer). Một số thách thức như: bán lẻ trực tuyến và thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh, sự gia tăng các tranh chấp của người tiêu dùng trong thương mại điện tử xuyên biên giới và sự cần thiết của các cơ chế hợp tác khu vực trong việc bảo vệ người tiêu dùng là những chủ đề nóng trong Họi thảo.
Thêm vào đó, Hội thảo cũng thảo luận về nhu cầu áp dụng các công cụ tốt hơn để phát hiện gian lận thương mại điện tử như các dấu hiệu tin cậy (trust marks), đăng ký kinh doanh điện tử, nhận dạng IP, phần mềm rà quét trang web; cũng như cải thiện các khung pháp lý để xử lý gian lận, bồi thường người tiêu dùng và quyền riêng tư của dữ liệu; đồng thời nâng cao năng lực thể chế để tăng cường thực thi pháp luật.
Cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của công nghệ, Internet của vạn vật, thay đổi lối sống và một dân số trẻ đang làm bùng nổ thương mại điện tử giữa Hàn Quốc và ASEAN. Ông Penn Sovicheat , Cục trưởng thuộc Bộ Thương mại Campuchia và là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN cho biết: "ASEAN đang có sự bùng nổ dân số và số lượng lớn người tiêu dùng trẻ, những người rất hiểu biết về công nghệ và internet. Họ đang tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tiêu thụ ở cả hai lĩnh vực bán lẻ truyền thống cũng như thông qua các nền tảng thương mại điện tử ".
Tiến sĩ Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, nêu bật những tiềm năng to lớn của thương mại điện tử trong khu vực, qua những con số ấn tượng: thương mại điện tử B2C ở châu Á - Thái Bình Dương tăng từ 27,9 % trong năm 2011 lên 40% trong năm 2016 trong tổng doanh thu toàn cầu. Ông Gu Kyung - tae, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, nhấn mạnh về sự cần thiết phải hợp tác quốc tế nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và các khiếu nại của người tiêu dùng xuyên biên giới.
Cả ASEAN và Hàn Quốc đã đồng ý xem xét các khuyến nghị để hợp tác hơn nữa trong việc bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, bao gồm cả hợp tác chính thức và không chính thức.
Hội thảo ASEAN - Hàn Quốc được tổ chức bởi Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam (VCA) và Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA), với sự hỗ trợ của Quỹ Hợp tác kinh tế ASEAN - Hàn Quốc. Quỹ này được Hàn Quốc thiết lập vào năm 2008 nhằm hỗ trợ việc thực thi các dự án của Hiệp định tương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA). Từ đó, hằng năm, Hàn Quốc đóng góp 500.000 đô-la Mỹ cho Quỹ.