Tuần qua, ASEAN đã tổ chức hội thảo thẩm định xây dựng các công cụ đào tạo trong 6 lĩnh vực ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng với sự tham dự của các chuyên gia từ các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chính phủ liên quan tại Manila, Philippines. Hội thảo được hỗ trợ bởi Chương trình hợp tác phát triển ASEAN - Australia giai đoạn II (AADCP II) và được tổ chức bởi Ban Thư ký ASEAN cùng với một nhóm Tư vấn Đào tạo từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Đại học De La Salle, Manila, Philippines.
Cụ thể 6 lĩnh vực này bao gồm: dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tín dụng tiêu dùng và ngân hàng; môi trường; điện thoại, Internet và thương mại điện tử; an toàn sản phẩm và dán nhãn; và các dịch vụ chuyên nghiệp.
Trong phát biểu tại Hội thảo, TS. Divina M Edralin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Đại học San Beda, Manila, Phillipines cho biết hội thảo nhằm mục đích “đánh giá sự hữu ích các tài liệu trong việc phát triển năng lực của các cán bộ ở các Bộ liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng”.
Hội thảo hướng tới đảm bảo rằng việc xây dựng các tài liệu dễ hiểu, hữu ích để đào tạo các cán bộ liên quan về các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và giải quyết được các cơ chế. Các tài liệu có thể dễ dàng được các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước thành viên ASEAN nhân rộng hoặc biên dịch.
Ngoài ra, hội thảo cũng trao đổi việc đào tạo thông qua cách kết hợp các kỹ thuật giảng dạy bao gồm trình diễn video, bài giảng, phân tích các trường hợp, tìm hiểu cơ cấu, đóng vai và thảo luận mở mang tính định hướng. Những người tham gia, cũng trải qua một phiên đào tạo nâng cao kỹ năng, theo đó các năng lực của giảng viên được nhấn mạnh.
Việc xây dựng các công cụ đào tạo là một phần của sáng kiến theo Kế hoạch hành động bảo vệ người tiêu dùng ASEAN chiến lược 2025 (Strategic ASEAN Consumer Protection Action Plan 2025) để phát triển các công cụ và năng lực kỹ thuật để áp dụng luật bảo vệ người tiêu dùng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Bảo vệ người tiêu dùng là một lĩnh vực có tác động mạnh mẽ và thiết thực nhất đến cuộc sống hàng ngày của 600 triệu công dân ASEAN. Khu vực này có dân số trẻ và ngày càng đông hơn. Cuộc sống, trình độ giáo dục cũng như khả năng kết nối với công nghệ của cư dân thành phố ngày càng được nâng lên. Nhóm dân số trẻ chiếm một nửa dân số ASEAN và trong những năm tới sẽ tạo nên một thị trường người tiêu dùng có trình độ, yêu cầu cao và một sức mua lớn mạnh mẽ. Mặt khác, ACCP cũng nhận thức được các nhóm tiêu dùng khác như người già, người khuyết tật cần phải được tính đến.
Theo Kế hoạch hành động chiến lược 10 năm về bảo vệ người tiêu dùng (10-year Strategic Action Plan for Consumer Protection - ASAPCP), mục tiêu của ASEAN là xây dựng và trang bị đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng để họ có thể đưa ra các quyết định phù hợp, đồng thời nhận thức được các quyền lợi của mình dựa trên một khuôn khổ các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng ASEAN chung mang tính hỗ trợ.