ATM thu mua lông ngan lông vịt dép hỏng

Điệp Lưu| 23/04/2021 10:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Những chiếc máy thu đổi điện thoại cũ, ứng dụng thua mua ve chai là các giải pháp phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và “sống xanh” hiện nay.

ATM thu mua lông ngan lông vịt  dép hỏng - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, cô Ngân lên TPHCM sinh sống bằng nghề nhặt ve chai. Cô cùng trọ với 3 người đồng hương khác, họ phân chia khu vực thu gom theo từng quận thể thu gom lông gà lông vịt dép hỏng, có người còn phải đến những điểm xa hơn, dù vậy thu nhập cũng chẳng nhỉnh hơn là mấy.

Theo cô kể, có những ngày mưa gió, mấy chị em đạp xe đi rao khản cả cổ cũng không mua bán được gì. “Biết vậy, nhưng không đi thì lấy gì mà nuôi con”, giọng nói của người phụ nữ khắc khổ càng lúc càng chậm nhưng những giọt nước mắt trên gò má gầy gò mỗi lúc lại một nhanh hơn.

Đó gần như là hoàn cảnh chung của những người thu mua đồng nát phế liệu như cô, nguồn sống phụ thuộc tất cả vào sự may mắn, ngày nào mua bán được nhiều cũng có chút dằn túi, đứa lớn sẽ không phải thức khuya làm thêm, còn 2 đứa bé sẽ không phải lo bữa no, bữa đói. Nhưng với cô Ngân, ốm đau bệnh tật là thứ cô không dám nghĩ tới…

Xuất phát từ mong muốn giúp kết nối những người thu mua phế liệu để họ có cơ hội tăng thêm thu nhập, còn người bán có thể chủ động thời gian, ứng dụng VECA của hai bạn trẻ Đỗ Trang và Bùi Bảo đã ra đời sau hơn 1 năm thai nghén.

Ý tưởng từ những chiếc máy bán điện thoại tự động 24/7 ở Hàn Quốc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng các cửa hàng điện thoại di động tại Hàn Quốc đã giảm mạnh. Điều này tác động trực tiếp đến khả năng sinh tồn của các nhà sản xuất smartphone vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Một trong những cách tháo gỡ khó khăn là các cửa hàng truyền thống đã được tổ hợp thành hệ thống ATM bán hàng tự động tại cửa hàng trí tuệ nhân tạo 24/7. Với máy bán hàng điện thoại di động tự động vừa được triển khai tại Seoul, người mua có thể tự kiểm tra mẫu máy, chọn màu, dung lượng, thời gian trả góp và các gói cước hàng tháng.

Kết quả lựa chọn cuối cùng sẽ được hiển thị trên giao diện của máy bán hàng. Người dùng chỉ cần nhấn nút và lấy chiếc điện thoại đã mua sau khi tất toán thẻ. Toàn bộ quá trình này chỉ mất vài phút. Không chỉ có mặt trong hệ thống cửa hàng trí tuệ nhân tạo 24/7, nhiều máy bán điện thoại tự động cũng được lên kế hoạch triển khai tại các điểm trên đường phố, giúp giải quyết nhu cầu mua sắm của người dân mà không cần tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch.

Số lượng cửa hàng điện thoại di động ở Hàn Quốc đã giảm từ hơn 20.000 ở thời kỳ hoàng kim vào năm 2014 xuống còn khoảng 12.000, số lượng nhân viên giảm hơn một nửa. Để đảo ngược sự suy giảm của các cửa hàng thực, ba nhà khai thác viễn thông lớn của Hàn Quốc đã đi đầu trong việc triển khai các cửa hàng thông minh phục vụ 24h hàng ngày này.

Tất nhiên, bán ra các mặt hàng, sản phẩm là mục đích của các nhà sản xuất và kinh doanh. Nhưng những giải pháp mà các nhà phát triển Hàn Quốc đưa ra không chỉ dừng lại ở các máy bán hàng tự động. Trước đó, chiếc máy thu mua điện thoại cũ có tên gọi Mintit ATMS do Kumkang Systems, hợp tác với SK Networks phát triển đã nhanh chóng tạo nên một cơn sốt thực sự tại Hàn Quốc.

Đến ATM thu mua điện thoại đã qua sử dụng

Là một thương hiệu tái chế các thiết bị ICT, Mintit đã phát triển thành công máy mua lại điện thoại cũ sử dụng công nghệ AI và nhận được phản ứng tích cực của người dùng. Trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 điện thoại thông minh đã qua sử dụng được thu gom kể từ khi đưa máy ATMS vào các siêu thị hồi tháng 8 năm ngoái.

.

ATM thu mua lông ngan lông vịt  dép hỏng - Ảnh 2.

Những chiếc máy bán điện thoại và máy thu đổi điện thoại cũ tại Hàn Quốc

Quá trình thu mua chỉ mất dưới 3 phút. Người dùng chỉ cần thực hiện những bước cơ bản như đặt điện thoại cũ vào máy ATM và chờ hệ thống tự động kiểm tra vỏ ngoài cũng như các chức năng khác. Sau đó, máy ATM sẽ đưa ra đánh giá tổng quát và giá đề nghị mua vào. Nếu đồng ý bán, người dùng có thể lựa chọn nhận tiền ngay lập tức hoặc chuyển quyên góp cho tổ chức cứu trợ trẻ em.

Những chiếc điện thoại đã qua sử dụng sẽ được làm sạch hoàn toàn dữ liệu bởi trung tâm tái chế chuyên dụng do Kumkang Systems điều hành và người bán sẽ được cấp giấy chứng nhận nếu tiến hành quyên góp số tiền bán sản phẩm. Theo Kumkang Systems, các khoản quyên góp sẽ được sử dụng cho giáo dục và mua các sản phẩm cho trẻ em bị hạn chế tiếp cận với CNTT. Tỷ giá thị trường dùng để áp giá mua vào điện thoại cũ được công khai trên trang chủ và chứng nhận quyên góp cũng được hiển thị minh bạch tại đây.

Một cuộc khảo sát với 2.000 người đã bán hoặc quyên góp điện thoại cũ bằng máy ATM Mintit cho thấy 78,1% người dùng “chưa bao giờ tham gia vào một giao dịch điện thoại di động đã qua sử dụng trước đây”. Trong bối cảnh những chiếc điện thoại cũ hỏng thường bị vứt bỏ tại Hàn Quốc khi người dùng có nhu cầu đổi mẫu mới, chỉ số xếp hạng hài lòng 83,5% là khá cao.

Theo công bố của infostock Hàn Quốc, đã có hơn 187.000 điện thoại qua sử dụng được thu thập từ các máy ATM này trong vòng 7 tháng ra mắt. Số tiền lên tới 40 triệu won cũng đã được chuyển cho tổ chức cứu trợ trẻ em. Chính quyền đánh giá rất cao vì không chỉ mở ra một hướng đi mới mà còn tạo ra giá trị xã hội trong qua tính năng quyên góp.

Ứng dụng ve chai giải nỗi đau người nghèo Việt Nam

Những tiếng vang “Ai lông gà, lông vịt dép dựa (nhựa) hỏng bán đê”, “Đồng nát, nhôm nát dép nhựa hỏng bán đê” hay “Có ai bán ve chai không...” như cô Ngân hàng ngày vẫn rao giữa trưa hè nóng bức, đã trở thành nỗi ám ảnh và cũng là kỷ niệm gắn liền với biết bao thế hệ người Việt Nam. Đằng sau mỗi tiếng rao ấy là một mảnh đời, một số phận nhọc nhằn với vòng xoáy của cuộc mưu sinh thường nhật như bao người.

Xuất phát từ mong muốn giúp kết nối những người thu mua phế liệu để họ có cơ hội tăng thêm thu nhập, còn người bán có thể chủ động thời gian, ứng dụng VECA của hai bạn trẻ Đỗ Trang và Bùi Bảo đã ra đời sau hơn 1 năm thai nghén. Đây là 1 trong 15 start-up được lựa chọn tham gia chương trình “NINJA Accelerator tại TP.HCM” hồi đầu năm 2021.

Thay vì phải đi rao khắp hàng cùng ngõ hẻm như trước đây, những người thu mua phế liệu có thể tìm được người bán chỉ sau vài thao tác trên một chiếc smartphone bình dân. VECA có 2 phiên bản, dành cho người thu gom và người bán. Với ứng dụng dành cho người thu gom, họ có thể định vị được người bán trong một khu vực và tiến hành thu gom với các thông tin thuận tiện, minh bạch trên ứng dụng.

ATM thu mua lông ngan lông vịt  dép hỏng - Ảnh 3.

Ứng dụng VECA - Mua bán ve chai thời công nghệ

Giá cả của các loại phế liệu đều được công khai, người bán cũng chủ động hơn về mặt thời gian khi có nhu cầu bằng cách thiết lập hoạt động trong ứng dụng, hoặc lên lịch hẹn cụ thể với những người thu gom. Dù mới đi vào hoạt động khoảng 10 ngày trở lại đây nhưng VECA đã có khoảng 6.000 lượt cài đặt và đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Hiện ứng dụng này đang được triển khai thử nghiệm tại khu vực Quận Phú Nhuận - TP.HCM và sẽ mở rộng trong thời gian tới. Không chỉ kết nối các bên thu mua phế liệu thông qua nền tảng công nghệ, những người sáng lập ứng dụng này còn đặt kỳ vọng sẽ xây dựng VECA trở thành hệ sinh thái tái chế, từ đó tạo ra lợi ích cho các bên, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề phân lọai rác tại Việt Nam.

Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày. Tại Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 – 8.000 tấn, trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những vấn đề nóng cần được giải quyết nhanh chóng.

Là một trong những giải pháp công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tế, máy thu mua điện thoại cũ hay ứng dụng thu mua ve chai sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc thay đổi thói quen tích cực của người dùng. Đồng thời, tái khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số với đời sống xã hội, góp phần kiến tạo những nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường và mang lại cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong thời đại công nghệ.

Có rất nhiều cách chúng ta thay đổi Việt Nam, làm cho đất nước bứt phá vươn lên và người dân hạnh phúc hơn. Việt Nam còn nhiều nỗi đau (pain point), cuộc sống cần rất nhiều điều đơn giản mà các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải được.

Mỗi doanh nghiệp, người dân hãy nhìn ra những nỗi đau đó và giải nó bằng công nghệ. Những nỗi đau đó thường có rủi ro rất nhỏ bởi đó là nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người. Nếu giải được nỗi đau đó sẽ không bao giờ thất bại.

Các doanh nghiệp hãy xuất phát từ nỗi đau đó để đi lên, lúc này doanh nghiệp và đất nước sẽ phát triển. 80% những nỗi đau này là nỗi đau toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phát triển cũng có những nỗi đau này giống như Việt Nam. (xem nội dung tại đây)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ATM thu mua lông ngan lông vịt dép hỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO