Bắc Giang từng bước chuyển đổi hạ tầng CNTT, phục vụ chính quyền số

Linh Đan| 14/12/2021 11:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Định hướng năm 2022, Bắc Giang quyết tâm hoàn thiện và vận hành tốt cơ sở dữ liệu, chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống hạ tầng thông tin, phần mềm dùng chung. Tỉnh sẽ từng bước chuyển đổi hạ tầng CNTT, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phục vụ Chính quyền số.

Công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính công Bắc Giang

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bắc Giang đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành trung ương thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Đến nay, có 9 dịch vụ của Bắc Giang đã kết nối đến Nền tảng NGSP, bao gồm Bảo hiểm xã hội; Đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hộ tịch; Lý lịch tư pháp; Cấp mã số quan hệ ngân sách; Văn bản quy phạm pháp luật; Bưu chính công ích (VNPost); Danh mục dùng chung.

Ngoài ra, có 3 dịch vụ đã kết nối nội tỉnh thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP), bao gồm dịch vụ Tra cứu văn bản trên Quản lý văn bản; Kết nối quản lý văn bản và Một cửa điện tử và ngược lại; Hệ thống thông tin báo cáo. 

Năm 2021, Sở TT&TT tiếp tục xây dựng, phát triển phần mềm số hóa, bản đồ hóa hệ thống thông tin cơ bản của tỉnh gồm các nội dung xây dựng phần mềm đánh giá chỉ số chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang (chính quyền số, xã hội số, kinh tế số) tích hợp với hệ thống bản đồ nền của tỉnh; tạo lập cơ sở dữ liệu hiện trạng hạ tầng mạng thông tin di động BTS trên địa bàn của tỉnh.

Về hoạt động ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung, Bắc Giang đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, liên thông bốn cấp, bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Chính phủ. Báo cáo Tổng kết công tác thông tin, truyền thông năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, cho biết Bắc Giang là tỉnh duy nhất toàn quốc đã thống nhất, liên thông Hệ thống này đến 100%  cơ quan Đảng và Nhà nước, với gần 15.000 tài khoản. Hệ thống được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, tích hợp chữ ký số trên phần mềm với 6.890 chứng thư số; trong đó có 4.924 chứng thư số cho cá nhân, 1.964 chứng thư số cho tổ chức, 02 chứng thư số cho thiết bị.

Cho đến nay, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Bắc Giang với tên miền https://mail.bacgiang.gov.vn đã cấp được trên 15.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan Đảng, nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, với dung lượng hộp thư là 3Gb/tài khoản. 

Hệ thống Cổng TTĐT của tỉnh đã được chuẩn hóa, nâng cấp và tích hợp, liên thông từ tỉnh đến 100% các sở, ngành và UBND huyện, thành phố với cổng chính duy nhất và 52 cổng thành phần, 13 chuyên trang luôn được quản trị, duy trì vận hành tốt. Hệ thống Cổng TTĐT cấp xã đã được UBND Thành phố Bắc Giang, UBND huyện Tân Yên triển khai cho 100% đơn vị cấp xã. Qua đó từng bước đáp ứng các yêu cầu phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành tại cơ sở. Một số huyện như Việt Yên, Lục Nam đang tiến hành xây dựng cổng cấp xã.

Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG đạt 25%

Năm 2021, Bắc Giang đã quyết liệt đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích cực triển khai, phát triển Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang. Theo thông tin từ Sở TT&TT, toàn tỉnh đang cung cấp 1.380 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh, hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. 

Đến nay, Bắc Giang đã tích hợp tổng số 504 dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ 3 là 202 dịch vụ công, mức độ 4 là 302 dịch vụ công, được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia và đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ. 

Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 25%; tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 50%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện công khai trên Cổng dịch vụ cổng Quốc gia đạt 100%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 100%; 100% hồ sơ của hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bắc Giang được đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá.  

Để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Sở TT&TT đã hoàn thành tích hợp chức năng thanh toán với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên Cổng dịch vụ công tỉnh và quốc gia; phối hợp với đầu mối Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục thuế Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế Bắc Giang triển khai kết nối kỹ thuật, tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và phần mềm của Tổng Cục thuế. 

Bắc Giang từng bước chuyển đổi hạ tầng CNTT, phục vụ chính quyền số - Ảnh 1.

Giao diện Cổng Dịch vụ công tỉnh Bắc Giang. Toàn tỉnh đang cung cấp 1.380 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh

Từng bước chuyển đổi hạ tầng CNTT, ứng dụng công nghệ đám mây, phục vụ Chính quyền số

Mặc dù Bắc Giang đã nỗ lực lớn trong công tác thu thập số liệu, tuy vậy do mỗi cơ quan chỉ quản lý dữ liệu riêng của mình, nên công tác trích xuất dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung còn khó khăn, số liệu đôi khi không đầy đủ, thiếu tính liên kết giữa các nguồn dữ liệu. 

Sở TT&TT Bắc Giang cho biết nguyên nhân của vấn đề phần lớn nằm ở dữ liệu hệ thống Cổng TTĐT và hệ thống QLVB&ĐHCV ngày càng tăng, hệ thống tài nguyên máy chủ không đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng của một số người dùng chưa thuần thục, thao tác sai. Cùng với đó, Hệ thống còn có những hạn chế nhất định về mặt công nghệ.

Trong định hướng năm 2022, Bắc Giang quyết tâm làm tốt công tác quản lý, quản trị vận hành hạ tầng, ứng dụng, CSDL tại Trung tâm THDL. Tỉnh sẽ thường xuyên đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo hướng áp dụng công nghệ mới để từng bước tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại Trung tâm THDL. Bắc Giang sẽ chỉ đạo thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho hệ thống hạ tầng thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh; đồng thời xây dựng Kế hoạch và từng bước thực hiện chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ Chính quyền số.

Hiện nay, Bắc Giang vẫn đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu (THDL) của tỉnh để đáp ứng nhu cầu vận hành, khai thác các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Hạ tầng viễn thông được phát triển rộng khắp và tương đối hoàn chỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động. Tỉnh Bắc Giang là địa phương sớm thực hiện kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia từ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), nhờ vậy kiến trúc, nền tảng chính quyền điện tử tỉnh được hình thành... Qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang từng bước chuyển đổi hạ tầng CNTT, phục vụ chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO