Bài 2: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP

T.H| 15/12/2020 16:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 23/4/2020, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến.

Những chính sách mới

Dự thảo Nghị định có những chính sách mới liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin trên mạng, đặc biệt trong các lĩnh vực cụ thể như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng... Đây là những chính sách được xây dựng trên cơ sở thực tế rà soát, kiểm tra hoạt động thông tin điện tử trên mạng và trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của một số nước, với mục tiêu vừa giải quyết được những bất cập trong công tác quản lý, vừa đảm bảo hài hòa với lợi ích,  nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường dịch vụ.        

Bài 2:

Bổ sung quy định về mạng xã hội đa nền tảng dịch vụ, cho phép livestream thu phí

Khắc phục tình trạng các doanh nghiệp trong nước bị ”quản quá chặt” dẫn đến việc khó phát triển và tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng, phát triển mạng xã hội Việt Nam, giảm dần sự lệ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài là hai mục tiêu đặt ra trong việc soạn thảo những quy định liên quan đến cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013 NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP.

Tính đầu năm 2020, Việt Nam có 624 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên, khoảng 90% mạng xã hội trong nước được cấp phép chỉ có lượng thành viên dao động trong khoảng vài nghìn người. Các quy định hiện hành về quản lý mạng xã hội đang áp dụng chung cho tất cả các mạng xã hội, từ mạng xã hội mới ra đời chỉ có vài thành viên, đến các mạng xã hội có hàng triệu thành viên, dẫn đến một số bất cập như:

Các quy định hiện hành về cấp phép mạng xã hội được cho là quá siết chặt với mạng xã hội mới xuất hiện, đang phát hành thử nghiệm, khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn để hoạt động và phát triển.

Trong khi đó, quy định về quản lý nội dung trên mạng xã hội, nhất là với các mạng xã hội lớn có ảnh hưởng đến xã hội còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, chưa điều chỉnh được một số hành vi, dịch vụ mới xuất hiện như: Tin giả, livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, thu phí và trả phí xem và đưa nội dung lên mạng xã hội...

Đó là tiền đề dẫn đến những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi.

Mạng xã hội trong nước có 10.000 thành viên thường xuyên hoặc có từ 1 triệu lượt người dùng hàng tháng mới phải cấp phép

Hiện nay, tất cả các mạng xã hội khi hoạt động đều phải cấp phép, tuy nhiên dự thảo Nghị đỉnh sửa đổi quy định mạng xã hội trong nước đạt đến một trong hai mốc: Có 10.000 thành viên thường xuyên hàng tháng trở lên, hoặc có 01 triệu lượt người sử dụng tương tác trong 01 thángtrở lên (thông qua kết quả đo của cơ quan quản lý) thì mới phải thực hiện thủ tục cấp phép, vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội.

Đối với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng thành viên ít, lượng truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định (có quy định trách nhiệm cụ thể với các mạng xã hội), nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượt tương tác và số thành viên thường xuyên của trang.

Bổ sung quy định để quản lý hiệu quả các mạng xã hội đa nền tảng dịch vụ.

Một trong những điểm ”đột phá” của dự thảo Nghị định là bổ sung các quy định về thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và quy định cụ thể đối với việc cung cấp dịch vụ livestream trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có các quyền này. Đối với hoạt động livestream của thành viên mạng xã hội, dự thảo Nghị định quy định: Chỉ những nội dung về hoạt động văn hóa, giải trí, quảng cáo, khoa học công nghệ, thưởng thức mới được phép sử dụng livestream. Cũng chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà; nếu không chỉ được xem tin, bài.

Đối với mạng xã hội đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dự thảo quy định tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

Trước thực tế hiện nay nhiều mạng xã hội cung cấp đa dịch vụ có nội dung vi phạm pháp luật tại một trong những dịch vụ cung cấp trên nền tảng, dự thảo quy định: Nhà cung cấp mạng xã hội cung cấp đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động của mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội này này thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Ngoài ra, đối với tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian gần đây, dự thảo cũng bổ sung các quy định nhằm khắc phục tình trạng này, như quy định về điều kiện cấp phép, hoạt động, quy chuẩn đảm bảo an toàn thông tin; quy định có kiểm tra hoạt động thực tế trước khi cấp phép, bổ sung quy định về giao diện trang chủ mạng xã hội.

(còn tiếp)

BBT

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO