Băng rộng và cơ hội phát triển giáo dục tại châu Á

03/11/2015 21:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng CNTT, đặc biệt là kết nối Internet băng rộng và các thiết bị cầm tay, đã thúc đẩy ngành giáo dục và đào tạo phát triển nhiều phương pháp dạy học mới như m-Learning.

GIỚI THIỆU

Truy cập băng rộng đang tạo ra một cuộc cách mạng toàn cầu, góp phần thay đổi phương thức con người sống và làm việc. Nó không chỉ giúp chúng ta truy cập thông tin kinh doanh mà còn dễ dàng giải trí với âm nhạc và video trực tuyến. Theo nghiên cứu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), mức độ thâm nhập băng rộng tăng 10% có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 1,38%. Băng rộng có thể tạo ra những thay đổi to lớn đối với một quốc gia đang khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và cân bằng ngân sách. Băng rộng di động còn có thể hỗ trợ các chương trình giáo dục chất lượng cao thông qua các thiết bị di động ở bất kỳ đâu, do đó mLearning đặc biệt có vai trò to lớn đối với các quốc gia đang phát triển, nơi tình trạng thiếu giáo viên đang trở nên trầm trọng, trong khi hạ tầng còn thiếu thốn, tài nguyên lại hạn chế không đủ đáp ứng các nhu cầu giáo dục ngày càng tăng. Đối với thách thức dân số ngày càng tăng trên toàn thế giới, truy cập băng rộng có nghĩa là một cơ hội mới trong cuộc sống; những cơ hội giáo dục sẽ có tác động to lớn sâu sắc đến cuộc sống. Yếu tố giúp người dân có thể thể tiếp cận cơ hội hay các chương trình giáo dục này là truy cập dễ dàng và giá cước phải chăng. Do đó mLearning, một hình thức học tập mà bản thân người học có thể thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi hoặc người học được tạo cơ hội học tập thông qua các thiết bị di động, sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu giáo dục ngày càng tăng hiện nay.

mLEARNING – ĐÁP ỨNG CÁC NHU CẦU CẦN THIẾT TRONG GIÁO DỤC

Số liệu hiện nay cho thấy rằng ngay cả khi mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho giáo dục đạt được vào năm 2015, thì vẫn có 69 triệu trẻ em vẫn chưa được tiếp cận các chương trình giáo dục chính quy và khoảng 774 triệu người lớn trên toàn thế giới vẫn mù chữ. Phần lớn những người này là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy nhiều người trẻ phản ánh “giáo dục” thực tế gặp nhiều vấn đề về chất lượng giáo dục. Điều này thường xuyên xảy ra đối với những người nghèo, những người thường học tại các trường với các tiêu chuẩn giảng dạy thấp và không đủ nguồn lực.

Có thể nói, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành giáo dục hiện nay là sự thiếu hụt giáo viên trên toàn cầu: theo Báo cáo giáo dục 2011 (Education for All Report) thế giới sẽ cần hơn hai triệu giáo viên mới vào năm 2015 để duy trì các mô hình giáo dục hiện nay. Thực tế trên khiến cho việc đẩy mạnh triển khai mLearning tại các quốc gia đang phát triển càng trở nên có ý nghĩa thiết thực hơn, bởi nơi đây có tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng tăng gặp nhiều hạn chế. Phổ cập truy cập băng rộng góp phần thúc đẩy mLearning phát triển, do đó giúp mọi người có cơ hội tham gia học tập tại bất kỳ đâu, thậm chí tại các khu vực nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Sự phổ biến rộng rãi của điện thoại di động cùng với các chương trình mLearning đã góp phần hỗ trợ và nâng cao chất lượng đào tạo tại các lớp học cũng như đào tạo nghề.

Tuy nhiên, để triển khai thành công một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng đó là chi phí. Theo một báo cáo của ITU công bố năm 2011, ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, một kết nối băng rộng chi phí thấp sẽ tương đương với 1% thu nhập trung bình hàng tháng, trong khi ở các nước phát triển, kết nối băng rộng có chi phí lớn hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một người. Giảm chi phí các kết nối băng rộng sẽ rất quan trọng để phổ biến mLearning.

Giáo dục có một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Với sự tiến bộ của công nghệ, mLearning là một giải pháp hợp lý để rút ngắn khoảng cách số. 

TRIỂN KHAI mLEARNING DIỆN RỘNG –NHỮNG THÁCH THỨC

Làm sao để chuyển đổi các chương trình thí điểm mLearning đầy hứa hẹn thành những triển khai thực tế có quy mô lớn? Có một số thách thức cần vượt qua để phát triển và mở rộng quy mô của mLearning. Đầu tiên cần nâng cao nhận thức cộng đồng và tầm nhìn về những lợi ích mà mLearning mang lại. Bên cạnh đó, chính phủ và các cơ quan công quyền cần phát triển các chính sách hỗ trợ phù hợp, nâng cao trình độ và kỹ năng về ICT cũng như năng lực của giáo viên để nắm bắt và tận dụng lợi thế của các công nghệ mới cũng như các công cụ hỗ trợ giáo dục sẵn có.

Nhìn chung, để phát triển một hệ sinh thái mLearning với quy mô rộng cần có sự đầu tư chiến lược cho băng rộng, công nghệ di động, phần mềm và đào tạo. Những mô hình hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân để cung cấp các chương trình mLearning thông qua các dịch vụ mạng băng rộng cũng cần được khuyến khích phát triển.

BĂNG RỘNG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

Châu Á đẩy mạnh đầu tư mạng băng rộng và 4G quốc gia

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức tầm quan trọng của việc phổ cập băng rộng. Hơn 90 quốc gia đã bắt tay vào xây dựng các chương trình băng rộng quốc gia. Châu Á là khu vực có 12 dự án băng rộng quốc gia với mục tiêu phổ cập các dịch vụ vô tuyến và băng rộng tốc độ cao với mức giá phù hợp. Những đầu tư chiến lược này được mong đợi sẽ giúp kết nối con người với nền kinh tế kỹ thuật số, góp phần tạo điều kiện cho các dịch vụ như ngân hàng, y tế, thương mại và mLearning phát triển.

Châu Á hiện đang đẩy mạnh triển khai công nghệ cáp quang tới nhà (FTTH) với phạm vi rộng nhất trên thế giới. Điều này tạo điều kiện cung cấp cho người dân kết nối băng rộng siêu nhanh và thúc đẩy chia sẻ kết nối quang toàn cầu của châu Á. Châu Á hiện chiếm 74% tổng số người dùng trên thế giới.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc (2011-2015), Bắc Kinh đã dành 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 252 tỷ USD) để triển khai mạng băng rộng quốc gia vào năm 2015. Đằng sau kế hoạch đầy tham vọng này, Trung Quốc mong muốn đáp ứng nhu cầu truy cập băng rộng di động tăng vọt của người dân. Nhu cầu này tăng cao do bởi truy cập video, chơi game và các ứng dụng băng thông cao khác. Trung Quốc hiện là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, trong quý đầu tiên của năm 2012, 22% số đơn hàng điện thoại thông minh toàn cầu là từ Trung Quốc.

Châu Á hiện cũng là khu vực dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng hạ tầng LTE. Ba thị trường lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông đã nhanh chóng triển khai các mạng LTE. Trong chưa đầy hai năm, Hàn Quốc dự kiến số thuê bao LTE của mình sẽ chiếm 30% dân số. NTT DoCoMo của Nhật Bản cũng tạo được một dấu ấn khi phát triển thêm hơn 1 triệu thuê bao LTE trong vòng chưa đầy ba tháng. Tại Hồng Kông, lưu lượng 4G được dự báo sẽ vượt qua lưu lượng 3G vào cuối năm 2013.

Với khoảng 700 triệu khách hàng thuê bao, China Mobile, Trung Quốc, hiện là nhà mạng không dây lớn nhất thế giới. Trong tháng 10/2012, nhà mạng này đã công bố kế hoạch triển khai mạng TD-LTE rộng khắp với mục tiêu phủ sóng TD-LTE cho 13 thành phố lớn nhất Trung Quốc trong giai đoạn đầu triển khai. Con số này sẽ tăng lên 100 thành phố vào cuối năm 2013.

Băng rộng đáp ứng các nhu cầu về giáo dục

Trong chiến lược phát triển của mình, Trung Quốc đang kết hợp giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với một kế hoạch giáo dục số trong vòng 10 năm. Theo đó quốc gia này sẽ triển khai “đám mây giáo dục” bao gồm hơn 20.000 bài giảng chất lượng cao và các tài nguyên khác có thể được truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng và các thiết bị di động khác. Bằng cách đó, người dân sẽ có thêm một cơ hội mới để tham gia học tập, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là nền tảng giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tại nhiều quốc gia khác, các chương trình băng rộng quốc gia cũng được triển khai, góp phần giúp người dân tiếp cận các dịch vụ viễn thông với mức cước phù hợp. Số liệu thống kê của ITU cho thấy trong năm 2008 và 2009, 125 quốc gia đã cắt giảm chi phí cho các dịch vụ này với con số lên tới 80%; trong khi các sản phẩm máy tính bảng giá rẻ cũng ngày càng phong phú hơn (ví dụ máy tính bảng Aakash ở Ấn Độ có giá khoảng 60 USD). Sự kết hợp này đang tạo ra một cuộc cách mạng thực sự cho ngành giáo dục.

Nhu cầu về các máy tính bảng giá rẻ phục vụ cho giáo dục sẽ lên tới con số 10.000.000 thiết bị trong vài năm tiếp theo. Tại một số thị trường châu Á còn đang phát triển các chương trình e-backpack cho sinh viên. Điều đó sẽ đẩy mLearning tiến thêm một bước phát triển mới, mang lại những lợi ích to lớn từ một hệ thống giáo dục được kết nối.

Mặc dù, mLearning không bao giờ thay thế được hoàn toàn các hệ thống giáo dục truyền thống cũng như vai trò của giáo viên, nhưng nó sẽ tạo ra một tác động to lớn, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình giáo dục hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và cũng không kém phần thú vị.

KẾT LUẬN

Châu Á được coi là khu vực sớm triển khai các ứng dụng chạy trên nền mạng băng rộng. Có thể thấy băng rộng đang làm thay đổi xã hội, đặc biệt là băng rộng di động. Khi chúng ta được kết nối, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận các cơ hội học tập và đào tạo một cách hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo

[1]. http://www.itu.int.

[2]. UNESCO, Education for all report 2011.

[3]. Connect-World Magazine: Asia-Pacific I (2013).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Băng rộng và cơ hội phát triển giáo dục tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO