Báo chí giữ vai trò là tuyến đầu tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong thời đại công nghệ và mạng xã hội (MXH) lên ngôi, báo chí vẫn khẳng định vững chắc vị trí của mình, là kênh thông tin chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ thông tin sai lệch của các thế lực chống phá.
Cách đây 99 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh công nghiệp số ngày càng phát triển, MXH đã trở thành kênh thông tin có tác động vào khả năng định hướng xã hội rất lớn, cạnh tranh gắt gao với báo chí. Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, có thói quen đọc tin tức trên mạng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.
Cách đây hơn 10 năm trở về trước, khi mà Internet và MXH chưa phát triển thì hệ thống các cơ quan báo chí là kênh thông tin chính thống được Đảng, Nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội tập trung tuyên truyền. Đến nay, theo xu thế của thời đại mới, hầu hết các cơ quan, tổ chức đều sở hữu cho riêng mình Cổng thông tin điện tử, website, facebook,… để truyền tải thông tin chính thức đến cán bộ, nhân dân một cách nhanh nhất.
Lợi dụng Internet và MXH, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn website, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt (như “Tiếng nói thống nhất dân chủ”, “Hồn Việt”…), tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc, nói xấu chế độ, xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Thế lực phản động chủ yếu tập trung xuyên tạc và phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc các chính sách liên quan về tôn giáo; xuyên tạc các vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng như các vấn đề về dân tộc.
Chúng lợi dụng một số sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành của một số cơ quan quản lý, để phủ định đường lối, chính sách của Đảng và vai trò điều hành của Nhà nước. Chúng giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận và bịa đặt, tung tin giả gây chia rẽ nội bộ, mất ổn định xã hội.
Trước tình hình đó, báo chí đã khẳng định vị trí của mình, giữ vai trò là tuyến đầu tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội có tính bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.
Bên cạnh đó, báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Theo kết quả tổng hợp của Thông tấn xã Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí.
Đây là lực lượng đông đảo, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái trên mặt trận thông tin - tuyên truyền.
Trên thực tế, các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đều phát hành báo hoặc tạp chí. Nhiều đơn vị báo chí đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường Internet.
Các loại hình báo chí di động, báo chí MXH, báo chí AI... xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe - nhìn - đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng.
Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực xã hội...
Nhiều năm qua, nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tờ báo thuộc hệ thống báo Đảng và cơ quan báo chí lớn như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhiều báo Đảng địa phương, nhiều tạp chí khoa học đã đăng tải những bài viết phản ánh, phân tích, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chế độ cũng như chống phá nền báo chí cách mạng của các thế lực thù địch.
Nhiều báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục như: “Bình luận-phê phán” của Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân; “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” của Tạp chí Cộng sản; “Chống diễn biến hòa bình” của báo Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân…. Các chuyên mục này đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái.
Ở các kênh truyền hình, các nhà báo đã sản xuất nhiều chương trình chính luận nhằm chống luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc. Từ 2019, VTV1 cho ra mắt chương trình chính luận “Đối diện”, ANTV có chuyên mục “Xây dựng Đảng”, “Góc nhìn và sự thật”, “An ninh mạng”; Truyền hình Thông tấn có chuyên mục “Nhận diện”...
Các chương trình đều nhằm trực diện đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những nội dung được nghiên cứu, chắt lọc kỹ càng và có sự tham gia của các chuyên gia phân tích sâu sắc, thấu đáo. Đội ngũ các nhà báo đang từng bước nắm thế chủ động trong việc đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc.
Các cơ quan báo chí hiện nay cũng chủ động ứng dụng lợi thế của công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), các mô hình ngôn ngữ lớn (ChatGPT)… để hỗ trợ sản xuất tin bài, tuyên truyền thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể khẳng định, báo chí nắm vai trò quan trọng trong việc nắm bắt dư luận xã hội và định hướng thông tin, tạo sự ổn định trên cộng đồng trên mặt trận thông tin. Các phóng viên, nhà báo cần phát huy hơn nữa vai trò là người chiến sĩ trong cuộc cách mạng đấu tranh thời kỳ mới của dân tộc, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin./.