Đưa nội dung số vào chương trình đào tạo sinh viên báo chí
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí - truyền thông không ngừng nỗ lực thích nghi và làm chủ quá trình chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo báo chí cũng đang chủ động đổi mới tư duy, phương pháp và mô hình giảng dạy. Mục tiêu là đào tạo thế hệ những người làm báo chí trẻ chính quy, bài bản và đa kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của nền báo chí hiện đại.
Bài toán giữa nhu cầu thị trường và nhu cầu tuyển dụng
Ngành báo chí luôn giữ sức hút mạnh mẽ, thu hút đông đảo thí sinh dự tuyển, đặc biệt là các học sinh xuất sắc. Theo thống kê nguyện vọng và chỉ tiêu năm 2021 do Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố ngày 18/5, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành Báo chí và Thông tin đạt 311,65% xếp thứ 2, cao gấp hơn 3 lần tổng chỉ tiêu và chỉ xếp sau khối ngành An ninh, Quốc phòng về mức độ “hot”.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong năm học 2021-2022, ngành Báo chí ghi nhận tỷ lệ chọi 1/52. Con số này phản ánh rõ sức hút mạnh mẽ và tiềm năng lớn của nhóm ngành này trên thị trường lao động.
Ngành báo chí - truyền thông cũng nằm trong nhóm các ngành có điểm đầu vào cao tại các cơ sở đào tạo công lập. Trong năm học 2023-2024, trên thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có điểm chuẩn lên đến 28,68, trong khi ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đạt mức 28.
Tuy nhiên, một thực tế đáng chú ý là mặc dù ngành báo chí luôn thu hút đông đảo thí sinh nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành lại không cao. Điều này cho thấy vẫn còn những khoảng cách nhất định giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Không phải tất cả sinh viên học báo đều làm việc trong ngành báo chí sau khi ra trường. Theo TS. Đỗ Anh Đức (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp làm đúng nghề phải là những bạn đam mê và yêu nghề lắm; mặt khác, số lượng tuyển dụng vào các cơ quan báo chí hàng năm lại có hạn, Trong khi mảng truyền thông thì đang rất "hot" và nhiều nơi cần. Đơn vị tổ chức, doanh nghiệp nào cũng cần truyền thông; họ đến tận nơi đào tạo để tuyển người, sinh viên chưa ra trường đã có việc làm. Thêm nữa làm truyền thông đỡ vất vả hơn làm nghề báo và thu nhập cũng cao hơn... Có lẽ đó là những lý do ngành báo chí - truyền thông được các em lựa chọn.
Ví dụ điển hình là tại trường Đại học Văn hoá Hà Nội, tỷ lệ sinh viên báo chí làm đúng nghề trong 3 năm gần đây chỉ dao động ở mức trên dưới 40% (trên tỉ lệ >90% sinh viên có việc làm). Tỷ lệ này tại một số trường khác cũng đã giảm so với trước đây. Điều này phản ánh rằng, nhiều sinh viên báo chí khi ra trường đều tìm được các công việc trong lĩnh vực truyền thông và một số lĩnh vực ngành nghề khác.
Trong bối cảnh mô hình tòa soạn “hội tụ”, với việc phân phối nội dung trên đa nền tảng và đa phương thức ngày càng trở thành xu hướng, các cơ quan báo chí yêu cầu nhà báo phải có khả năng làm việc đa năng - “n in 1”. Đòi hỏi nhà báo không chỉ nắm vững kỹ năng của nhiều loại hình báo chí mà còn phải thành thạo công nghệ, kỹ thuật, và các phương pháp làm báo phù hợp trên nhiều nền tảng khác nhau.
Chính vì vậy, các cơ quan báo chí đặt ra yêu cầu rất cao đối với sinh viên khi tuyển dụng. Sau khi tốt nghiệp đại học, không ít tân cử nhân báo chí đã phải “vỡ mộng” khi nhận ra rằng tấm bằng đại học không đủ để đáp ứng yêu cầu của các tòa soạn.
Dù có đam mê và nhiệt huyết, nhiều sinh viên vẫn gặp khó khăn trong việc trụ vững trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh và khắc nghiệt, khi phải thử việc ở nhiều nơi mà vẫn không tìm được cơ hội ổn định để phát triển khả năng của bản thân.
Từ một góc nhìn khác, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), đã chia sẻ về những khó khăn mà các cơ sở đào tạo báo chí phải đối mặt: “Cũng như các tòa soạn, các trường đào tạo sinh viên báo chí cũng phải giải quyết bài toán khó về nghiệp vụ cần đào tạo và tương lai nghề nghiệp của các em”.
Việc thực hiện đào tạo cho ngành báo chí - truyền thông
Sinh viên theo học ngành Báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) được tiếp cận với nền tảng và công cụ công nghệ số trong báo chí qua một chương trình học có nhiều điểm khác biệt; được trải nghiệm mô hình báo chí truyền thông hội tụ hiện đại ngay tại Học viện.
Chương trình học tại PTIT chú trọng “học đi đôi với hành”, trang bị kiến thức và kỹ năng thuộc ba nhóm ngành: báo chí, công nghệ và thiết kế. Trong đó, công nghệ được xác định là trụ cột của đào tạo báo chí. Các học phần như Báo chí dữ liệu, công cụ xử lý hiệu ứng trong báo chí số, thu thập và xử lý dữ liệu báo chí số, công nghệ AI trong phân tích dữ liệu báo chí, thiết kế UX/UI, Data Visualization, Data storytelling, và quản trị tòa soạn số sẽ lần đầu tiên được đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Việt Nam.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí tại PTIT được trang bị đầy đủ kỹ năng số, giúp các bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm (All-in-One) như: Phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn, đài phát thanh - truyền hình, nhà xuất bản; thiết kế sản phẩm, phân tích dữ liệu báo chí số, quản lý các dự án báo chí thông tấn trong các tòa soạn, quan hệ báo chí cho các tập đoàn, công ty; cũng như làm việc trong các lĩnh vực quảng cáo, quan hệ công chúng và truyền thông cho các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí còn có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi, bổ sung kiến thức chuyên ngành để theo học các chương trình đào tạo văn bằng kép hoặc tiếp tục học lên các bậc học cao hơn.
Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), bên cạnh việc kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng cho các nhà báo tương lai, chương trình đào tạo đại học của Viện đã tích hợp các kiến thức và kỹ năng hiện đại như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ… vào giảng dạy cho sinh viên.
Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo gần đây nhất, đã bổ sung thêm môn học “Công nghệ truyền thông số”, nhằm cập nhật những kiến thức và kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông mới nhất để giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Big Data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, cũng như công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường.
Bên cạnh đó, khóa học ngắn hạn “Kỹ năng chuyển đổi số báo chí” cũng đã kịp thời được thiết kế và đưa vào ban hành để phục vụ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, cơ quan báo chí cũng như những ai quan tâm.
Theo thống kê, đào tạo báo chí truyền thông trong những năm qua ở Việt Nam đã không ngừng mở rộng. Bên cạnh các cơ sở công lập như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội và TP. HCM), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện Phụ nữ Viêt Nam, còn phải kể đến các trường ngoài công lập như Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Đại Nam và trường Đại học RMIT.
Nhìn chung, các cơ sở đào tạo báo chí ở Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và xây dựng chương trình, đề cương bài giảng một cách công phu và bài bản. Tại PTIT, chương trình đào tạo đã được cập nhật theo hướng báo chí - truyền thông số, với nhiều môn học mới như Tổ chức sản xuất podcast/video, Báo chí dữ liệu, và Công nghệ AI/Báo chí số.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hay Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. HCM), các đơn vị đào tạo báo chí đã tích hợp các môn học theo xu hướng số như sản xuất audio và video, truyền thông xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành báo chí trong kỷ nguyên số.
Khoảng 70% sinh viên nhóm ngành báo chí, truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tìm được việc làm đúng với lĩnh vực được đào tạo, trong khi 80% sinh viên có việc làm ở các lĩnh vực liên quan.
Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình đào tạo báo chí hiện nay vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của truyền thông đa phương tiện. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiến hành cải tổ toàn diện và sâu sắc nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành báo chí hiện đại.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trước hết cần xác định rõ yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông; đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số.
Theo đó, cần thực hiện tái cấu trúc mô hình đào tạo, định hình lại triết lý giáo dục, đồng thời xác định rõ các tiêu chí đầu vào, đầu ra cùng toàn bộ các yếu tố trong quá trình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác và liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí với các tổ chức truyền thông nhằm xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế. Đồng thời, cần thúc đẩy mô hình liên kết 4 nhà trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số, bao gồm nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, cùng nhà sáng chế công nghệ. Ngoài ra, cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại để phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo.
Tiếp đến là cần tập trung vào việc tạo điều kiện để sinh viên thực hành và rèn luyện kỹ năng báo chí số, đồng thời khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và học tập suốt đời. Nâng cao hơn nữa chất lượng liên kết giữa nhà trường và nhà tuyển dụng, đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn; xây dựng các chính sách đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo báo chí số.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định rằng Hội Nhà báo Việt Nam luôn sẵn sàng liên kết với các đơn vị đào tạo báo chí để cùng xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số cho người học ở các bậc học, cũng như đội ngũ hội viên và nhà báo trên toàn quốc. Điều này nhằm đáp ứng hiệu quả các yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí hiện nay./.