Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành công bước đầu trong ứng dụng CNTT

Lan Phương| 18/08/2017 16:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã nhấn mạnh: “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) bước đầu đã đạt được những kết quả rất tích cực trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, quản lý BHXH Việt Nam, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

Ngày 17/8/2017 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã có buổi làm việc với BHXH VN về tình hình ứng dụng CNTT tại cơ quan nhà nước. Tham dự có ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và đại diện các cục vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT và BHXH VN.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo BHXH VN, tính đến nay, BHXH VN ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp đáp ứng cung cấp 14 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3 và 4 với lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh rất lớn, trong đó nhiều nhất là hơn 18,5 triệu hồ sơ của TTHC cho đơn vị tham gia lần đầu, điều chỉnh đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số lượng hồ sơ trực tuyến ít nhất thuộc về TTHC cấp lại sổ BHXH do điều chỉnh nội dung ghi trên sổ cũng ở mức 6.000 hồ sơ.

Kết quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của BHXH là “rất ấn tượng”, số lượng thủ tục hành chính  (TTHC) từ 115 năm 2015 giảm xuống còn 28 TTHC (tính đến 1/7/2017) với nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn như: giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính… Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH VN đã giúp các đơn vị tham gia BHXH chủ động thời gian nộp hồ sơ (có thể nộp hồ sơ 24/24 kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí đi lại, chuyển phát, in ấn. Đặc biệt, đã giúp giảm thời gian thực hiện TTHC của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH, BHYT từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm.

Về tình hình triển khai các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL), ngành BHXH VN đang xây dựng và sở hữu những HTTT lớn như: Hệ thống giao dịch BHXH điện tử, HTTT giám định BHYT, Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. .. Theo đó, Hệ thống giao dịch BHXH điện tử chính thức vận hành từ năm 2015 hiện đã có gần 500.000 đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc sử dụng với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và xử lý lên tới hơn 28,6 triệu hồ sơ.

HTTT giám định BHYT được triển khai từ năm 2016 đã kết nối với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, thực hiện chuẩn hóa gần 12 triệu dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật. Nhờ có hệ thống tự động phát hiện, BHXH VN đã từ chối thanh toán trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền lên tới 3.800 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp… Cá biệt có trường hợp một bệnh nhân đi khám bệnh hơn 300 lần trong 3 tháng. Đây là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT của một số đơn vị khám chữa bệnh, người chữa bệnh.

Cũng theo BHXH VN, đến nay BHXH đã tạo lập xong CSDL cho các hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân, tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. CSDL này đã được chia sẻ cho Bộ Y tế để sử dụng trong việc lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về tình hình ứng dụng CNTT trong nội bộ, BHXH VN đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành tại BHXH VN và các đơn vị trực thuộc, đã kết nối với Văn phòng Chính phủ. 100% văn bản nội bộ được gửi và xử lý điện tử. 100% các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song với văn bản giấy). BHXH Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo ATTT trên cả 4 yếu tố: nhận thức, nguồn nhân lực, quy trình và trang thiết bị.

Tại buổi làm việc, đại diện của Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đều đánh giá cao và bày tỏ sự ấn tượng với sự ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của BHXH VN.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa nhận định, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh từ dịch vụ công trực tuyến do BHXH VN cung cấp ở mức rất lớn, chỉ đứng sau Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Việc triển khai HTTT giám định BHYT tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng do từ chối thanh toán những hồ sơ y tế không hợp lệ là “bước đột phá khi chuyển từ phương pháp giám định thủ công sang phương pháp điện tử”.

Về bảo đảm ATTT, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết BHXH VN đang sở hữu những HTTT quan trọng, phù hợp với những yêu cầu phân loại cấp độ HTTT theo quy định của Nghị định 85/2016 NĐ-CP nên cần triển khai làm sớm việc phân loại này. Đồng thời, một số CSDL về bảo hiểm, hộ gia đình của BHXH VN có liên quan đến các thông tin cá nhân nên BHXH VN cần lưu ý tuân thủ Luật ATTT mạng trong đó có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao hoạt động ứng dụng CNTT của ngành BHXH, đặc biệt là trong 3 năm gần đây. CNTT đã được triển khai ứng dụng trong hầu hết các hoạt động của BHXH, từ xây dựng, ban hành kế hoạch, quy chế, quy định, nhân lực, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật vào công tác. Các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ BHXH, giám định BHYT đã được triển khai đồng bộ, thông suốt trong toàn ngành BHXH.

Thứ trưởng nhận định, BHXH VN đã xây dựng được nhiều HTTT phục vụ hoạt động của ngành, trong đó đa số đều được triển khai tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương và đánh giá CSDL hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế với 92 triệu người tham gia tương ứng với 24 triệu hộ gia đình là kho dữ liệu hết sức quý giá, cần được chia sẻ với các Bộ ngành địa phương để khai thác, sử dụng hiệu quả. Ứng dụng CNTT của BHXH trong điều hành trên môi trường điện tử, ước tính tiết kiệm chi phí quản trị hàng năm, từ việc in ấn tài liệu phục vụ Hội nghị, các cuộc họp, in ấn chuyển phát giấy tờ mời họp và giảm 50% thời gian xử lý văn bản bình quân truyền thông trên môi trường mạng.

Để phát huy hiệu quả giá trị của CSDL của ngành BHXH, Thứ trưởng đề nghị BHXH chia sẻ tập tin trong CSDL hộ gia đình tham gia BHXH với các Bộ ngành, địa phương để không phải thu thập lại dữ liệu liên quan. Thứ trưởng cũng chỉ đạo, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng của BHXH báo cáo đầy đủ, sớm nhất các công việc cần làm để CSDL của BHXH có thể chia sẻ với các Bộ ngành, địa phương. Đồng thời cần giải quyết các vấn đề về kết nối liên thông, phát huy trục liên thông Bộ TT&TT đã xây dựng để phục vụ công tác kết nối liên thông với các CSDL quốc gia.

Về triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng ngành BHXH VN cần quan tâm các vấn đề cụ thể như: Cần sớm ban hành khung Kiến trúc chính phủ điện tử theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Về công tác đảm bảo ATTT, BHXH VN khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sớm hoàn thành việc xây dựng, bảo vệ HTTT theo cấp độ, tổ chức triển khai công tác bảo đảm ATTT phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bộ TT&TT nhất trí giúp đỡ BHXH nếu có yêu cầu về đào tạo nhân lực ATTT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành công bước đầu trong ứng dụng CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO