Bảo tồn di sản văn hóa và dệt may trong Cộng đồng ASEAN
“Thắt chặt mối quan hệ Cộng đồng ASEAN thông qua di sản văn hóa và dệt may” là chủ đề của Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9 diễn ra từ ngày 3 - 6/11 tại Lào.
Nhận lời mời của bà Naly Sisoulith, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, đại diện Việt Nam bà Ngô Phương Ly, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm Lào và dự hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN.
Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN là hoạt động được tổ chức hai năm một lần. Đây là năm đầu tiên Lào đăng cai tổ chức sự kiện này. Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội Dệt may các nước ASEAN, các nhà nghiên cứu, giảng viên tại các Viện nghiên cứu về ngành dệt may của một số nước.
Dệt may truyền thống là một trong những nghề thủ công lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Nghề dệt may tạo nên văn hóa mặc - một trong ba thành tố chính của văn hóa vật chất. Sản phẩm của nghề dệt cũng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất về một tộc người, để phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Không những thế, sản phẩm dệt còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của tộc người đó, là lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ, phong tục, tập quán của họ. Tuy nhiên hiện nay dệt may hiện đại xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, nghề dệt may truyền thống dần dần bị lép vế do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự chuyển đổi về thị hiếu của giới trẻ trong các cộng đồng tộc người và bởi các chính sách kinh tế, văn hóa của quốc gia.
Tại hội thảo Phu nhân Ngô Phương Ly đánh giá cao tính chất, ý nghĩa của Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9 cũng như nét đẹp, sự độc đáo của các sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo lần này. Phu nhân chúc mừng Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã tổ chức thành công các hoạt động, đặc biệt là các Hội nghị cấp cao của ASEAN, khẳng định việc tổ chức thành công Hội thảo Dệt may truyền thống sẽ góp phần vào thành công của năm Chủ tịch ASEAN, tạo điều kiện tăng cường giao lưu, hợp tác giữa nhân dân các nước ASEAN, đồng thời phát huy và bảo tồn ngành dệt may truyền thống của các nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào, Phu nhân Ngô Phương Ly đã cùng Phu nhân Naly Sisoulith thăm không gian trưng bày sản phẩm lụa truyền thống và một số cơ sở văn hóa, lịch sử của Lào. Phu nhân Ngô Phương Ly đã thăm và tặng quà Hội Phụ nữ khuyết tật Lào tại Thủ đô Viêng Chăn. Tại đây, Phu nhân chia sẻ và bày tỏ xúc động trước những nỗ lực, cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ khuyết tật Lào, đánh giá cao kết quả hoạt động của hội trong việc đào tạo nghề và tạo sinh kế cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Phu nhân bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Lào và toàn xã hội, cùng với tâm huyết và nỗ lực vươn lên, Hội Phụ nữ khuyết tật Lào sẽ tiếp tục là “địa chỉ đỏ” giúp những phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội.
Thăm làng nghề dệt may truyền thống tại tỉnh Viêng Chăn, Phu nhân Ngô Phương Ly đã chia sẻ thông tin về ngành nghề truyền thống và chính sách của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển các ngành nghề truyền thống, đặc biệt là chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phu nhân Tổng Bí thư Ngô Phương Ly đã thăm chùa Phật Tích, gặp gỡ, động viên con em kiều bào có hoàn cảnh khó khăn và tặng sách, truyện bằng tiếng Việt cho lớp học tiếng Việt miễn phí tại chùa. Nhân dịp này, nhóm thiện nguyện Từ Phúc đã tặng những phần quà thiết thực, có ý nghĩa cho Hội Phụ nữ khuyết tật Lào và cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Phu nhân Naly Sisoulith dành tình cảm đặc biệt và chân thành cảm ơn Phu nhân Ngô Phương Ly đã nhận lời mời thăm Lào và dự các hoạt động của Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9, khẳng định chuyến thăm đã tăng cường tình cảm gắn bó giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.