Bắt đầu từ ngày 1/12/2020, phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật

T.H| 01/12/2020 14:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 07/10/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, vi phạm về cải chính trên báo chí sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2020.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP gồm 5 chương và 44 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung; Chương II - Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III - Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương IV - Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; Chương V - Điều khoản thi hành.

Nghị định 119/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Một trong những điểm mới của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là việc điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tăng mức phạt lên đến 70 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích

Thời gian qua, vẫn có tình trạng một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, gây mất uy tín, hình ảnh của báo chí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP được ban hành đã đáp ứng nhu cầu thực tế, nhằm hạn chế, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí.

Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP trước đây, việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, hành vi này được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các hành vi. Theo quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 8 của Nghị định 119 quy địnhphạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng;tại Điểm d, Khoản 5, Điều 8 của Nghị định, phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng nếu hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tăng mức phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật

Tin giả, thông tin sai sự đang là vấn nạn nghiêm trọng làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội. Khi các nền tảng số càng phát triển, thực trạng này càng diễn biến phức tạp. Nhiều nguồn tin thiếu kiểm soát trên mạng xã hội đã được báo chí khai thác và đưa tin nghiễm nhiên không kiểm chứng. Cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp, tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm, tuy nhiên các chế tài trước đây vẫn chưa đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe. Nói một cách khác, cái khó, cái vướng mắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu tập trung vào mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi còn quá thấp, thiếu tính răn đe.

Do vậy, nếu trước đây, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hai hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ 5 đến 10 triệu đồng và đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ 20 đến 30 triệu đồng, thì tại Nghị định 119, các mức phạt này được điều chỉnh tăng từ 03 đến 07 lần (từ 50 đến 70 triệu đồng và từ 70 đến 100 triệu đồng).

Ngoài ra, đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đối tượng sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sungtước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 đến 12 tháng thay vì từ 01 đến 03 tháng theo Nghị định 159 trước đây.

Tăng chế tài xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm khác

Trong hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP chỉ cho phép phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định trong giấy phép trong hoạt động truyền hình trả tiền, song tại Nghị định 119, nếu thực hiện không đúng quy định tại giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ phải chịu mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Đối với liên kết trong hoạt động báo chí, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền là từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động liên kết đối với chương trình phát thanh, truyền hình thời sự, chính trị, thay vì mức phạt từ10 đến 20 triệu đồng theo quy định của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP trước đây.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm khác được quy định tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền như: Đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Đăng phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; Thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; Đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Đăng phát thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy; Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi; …

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ ngày 1/12/2020, phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO