Bình Phước: Chuyển đổi số nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã hình thành nền tảng dữ liệu số, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp...
Hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Bước đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số (CĐS).
Tại Hội thảo thúc đẩy CĐS ngành NN&PTNT được Sở TT&TT Bình Phước phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức vào chiều 27/4, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết toàn ngành nông nghiệp của Bình Phước đã đẩy mạnh CĐS trong các hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai; tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về CĐS cho cán bộ, nông dân, hợp tác xã…
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu, định hướng, triển khai các giải pháp CĐS cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương trong tỉnh sẽ có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng cho nông dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, CĐS vào quản trị, sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất, tạo đột phá phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá, nông sản Bình Phước.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp... Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn tỉnh về các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trồng trọt và bảo vệ thực vật, dịch hại và phân bón; triển khai cập nhật thường xuyên mã 5 số vùng trồng.
Lĩnh vực chăn nuôi và thú ý đang tiến hành báo cáo dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tuyến qua Hệ thống VAHIS do Cục Thú y xây dựng; sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ, lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis), báo cáo tình hình dịch bệnh động vật (Vahis).
Lĩnh vực lâm nghiệp đang triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm: Quản lý động vật hoang dã (http://wl.globits.net); theo dõi, cập nhật diễn biến rừng (FORMIS); thống kê ngành lâm nghiệp (http://giamsatdanhgia.com/cms....); theo dõi cháy rừng trực tuyến (http://watch.pcccr.vn/DiemChay).
Hiện nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1997,8 ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm; Nhiều hộ nông dân đã được hỗ trợ để đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Năm 2022, Bình Phước có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, RA, Organic; nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao…
Năm 2023 sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn
Theo Giám đốc Sở TT&TT, tỉnh Bình Phước đã xác định rõ tầm quan trọng của CĐS và đang tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã nêu rõ đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, DN với khoảng 5 - 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Tỉnh cũng sẽ thực hiện thí điểm CĐS toàn diện mô hình HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) và hợp tác xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp).
Trong Kế hoạch CĐS năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Để việc CĐS ngành NN&PTNT mang lại hiệu quả, Sở NN&PTNT đề nghị, các cấp ngành đầu tư nâng cấp trang bị máy chủ, máy tính cá nhân, hệ thống kết nối, phòng điều hành, phòng họp trực tuyến cho ngành nông nghiệp để đáp ứng được yêu cầu về công việc; Nâng cấp đường truyền, hệ thống mạng, WiFi cơ quan; đầu tư máy chiếu, màn hình LED hoặc màn hình chiếu, đặc biệt xây dựng phòng họp trực tuyến để phục vụ họp trực tuyến với Bộ và địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu cho ngành NN&PTNT để kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân nhấn mạnh về việc thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp, và để thành công thì người đứng đầu phải tiên phong, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm và tiến hành thường xuyên, liên tục.
“CĐS không phải là phong trào, mà là xu thế phát triển tất yếu, do đó ngành nông nghiệp tỉnh không thể đứng ngoài cuộc”, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân nói và tin tưởng rằng, sau hội thảo này, toàn ngành sẽ bước vào công cuộc số hóa, CĐS mạnh mẽ, thực chất./.