Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sự khác biệt là vẻ đẹp lớn nhất của con người”

Hoàng Linh 18/07/2024 08:46

Nói chuyện với những bạn trẻ là con em cán bộ nhân viên VNPost, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyên “hãy thử và thử đến tận cùng để tìm ra khác biệt”. Bởi lẽ “sự khác biệt là vẻ đẹp lớn nhất của con người và cũng tạo ra sự khó khăn nhất cho chúng ta nhưng vẻ đẹp nằm ở đó”.

Chuyển đổi số là cơ hội cho thế hệ trẻ định nghĩa lại nghề nghiệp

Gặp mặt hơn 40 thanh niên tiêu biểu là học sinh, sinh viên đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện trong năm học vừa qua là con cán bộ, nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) chiều tối ngày 17/7/2024, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi chia sẻ những hiểu biết, tích luỹ, trải nghiệm từ những năm tháng tuổi trẻ học tập ở nước ngoài, làm việc tại cơ sở nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và hiện tại trên cương vị là người đứng đầu Bộ TT&TT, cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực TT&TT, công nghệ số, chuyển đổi số.

psx_20240717_185237.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Thế hệ hôm nay có cơ hội định nghĩa lại tất cả mọi thứ, trong đó có nghề nghiệp khi cuộc sống của mỗi người đang lên không gian số nhiều hơn.

Trước sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ về định hướng bản thân, lựa chọn nghề nghiệp để phát triển trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ bất kỳ nghề gì trong thời chuyển đổi số (CĐS) đều đang thay đổi, đều đang có không gian mới.

Theo Bộ trưởng, mỗi người hôm nay đang lên không gian số nhiều hơn. Trên không gian số, bất kỳ ngành nào cũng đều có cơ hội, kể cả các ngành, nghề cũ. Theo đó, “thế hệ trẻ đang có một cơ hội vô cùng lớn mà trong lịch sử nhân loại gần như chưa lần nào có, ngàn năm xảy ra một lần, là dịp để thế hệ trẻ thay đổi, định nghĩa lại tất cả các ngành, nghề”.

Bộ trưởng mong muốn thế hệ trẻ hôm nay thay đổi đất nước, thế giới thông qua câu chuyện CĐS. Việc định nghĩa lại nghề nghiệp mang lại nhiều không gian để sống, sáng tạo và phát triển. Đặc biệt, không gì bằng chính mình định nghĩa cho chính mình, cũng giống như mỗi người sống cuộc sống của chính mình.

Nghề phân tích dữ liệu sẽ có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống

Chia sẻ với Đỗ Huy Hoàng, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội đang theo học ngành phân tích dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dữ liệu là một tài loại tài nguyên mới, giống như tư liệu sản xuất, giống như tài nguyên đất đai và phân tích tài nguyên đất đai được gọi là phân tích dữ liệu để trồng trọt, tạo ra nhiều của cải vật chất.

Bộ trưởng nhận định phân tích dữ liệu là một nghề hoàn toàn mới khi toàn bộ nền kinh tế số cơ bản là dựa trên dữ liệu, phân tích dữ liệu. Nền kinh tế số của Việt Nam hiện nay đã đóng góp khoảng 20% vào nền kinh tế nói chung. Nền kinh tế số của Trung Quốc đóng góp khoảng 50%. Nền kinh tế số của Việt Nam phấn đấu vào năm 2030 đóng góp 30 - 35% vào nền kinh tế.

Theo phân tích của Bộ trưởng, tài nguyên dữ liệu rất đặc biệt khi trong lịch sử phát triển của nhân loại, con người thường tiêu xài, làm cạn kiệt tài nguyên và rồi sẽ hết. Còn bây giờ, lần đầu tiên con người càng phát triển thì càng tạo ra dữ liệu, là tài nguyên đặc biệt có thể cứu sống loài người. Có thể dự báo rằng không có dữ liệu thì con người không tồn tại lâu dài.

Từ đó, Bộ trưởng khẳng định: “Nghề phân tích dữ liệu sẽ có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong các ngành từ y tế, nông nghiệp, giáo dục... đến thông tin và truyền thông - ngành lõi của kinh tế số. Kinh tế số gồm 2 thành phần: (1) ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông và (2) kinh tế số các ngành".

Học nghề này thì “hot” và “hot” dài dài. Ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, nghề phân tích dữ liệu là một trong những nghề được trả lương cao nhất, có thể lên tới 200.000 USD/năm”, Bộ trưởng cho hay.

Ngành công nghệ sẽ hội tụ với các ngành nghề khác

Trước các câu hỏi của các học sinh, sinh viên quan tâm đến việc làm trong ngành công nghệ, TT&TT, Bộ trưởng cho biết ngành công nghệ sẽ hội tụ với các ngành khác và biến đổi ngành khác, làm xuất hiện mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới gọi là kinh tế số. Một số ngành đã bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ như là truyền thông, tài chính - ngân hàng...

Nói một cách rộng hơn, theo Bộ trưởng, hiện nay CĐS đang diễn ra mạnh mẽ và câu chuyện chuyển đổi phải kéo dài ít nhất là phải 50 năm nữa. Công nghệ đang đi vào các ngành nghề khác như tài chính - ngân hàng nên giờ có ngành đào tạo công nghệ tài chính (fintech), đang có rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ vào vào ngành tài chính - ngân hàng còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới như ví điện tử, mobile money.

Chia sẻ với Lưu Việt Anh, học sinh lớp 9 mong muốn theo đuổi lĩnh vực vật lý, Bộ trưởng Nguyền Mạnh Hùng cho biết một nghề "hot" nhất hiện nay là nghề bán dẫn mà trong đó vật lý là ngành gốc, ngành nền tảng.

Theo Bộ trưởng, CĐS là chuyển đổi thế giới thực sang thế giới số mà công cuộc này phải vài chục năm. Trong đó, lõi của CĐS là chip bán dẫn, chip IoT. CĐS xong thì công việc xử lý vẫn là chip bán dẫn. "Vật liệu làm ra chip bán dẫn là phụ thuộc ngành vật lý và có thể nói vật lý vẫn là ngành gốc, ngành nền tảng".

Trước băn khoăn về việc AI có làm mất việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng AI nên hiểu là một trợ lý giúp việc nên không bao giờ thay thế được con người. Người giúp việc thì chỉ giúp việc của mỗi người tốt hơn nên Việt Nam phát triển AI theo hướng hẹp, hướng khác chatGPT, mà cơ bản là thuật toán.

Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển AI hẹp theo hướng để mỗi người dân có một trợ lý ảo, được phát triển dựa trên tri thức của cá nhân nên sẽ tôn vinh cá nhân. Con người chỉ được tôn vinh bởi sự khác biệt.

psx_20240717_181535.jpg
Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tới thế hệ trẻ.

Học tập, làm việc đến mức xuất sắc

Đối với các thanh niên còn băn khoăn trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp tương lai, Bộ trưởng đã chia sẻ lý thuyết 3 vòng tròn dựa trên ba yếu tố chính đó là “Thứ mình thích”, “Thứ mình giỏi” và “Thứ tạo ra giá trị xã hội cần”. Điểm giao thoa giữa ba vòng tròn này sẽ là nghề nghiệp lý tưởng cho thanh niên.

Nếu vẫn còn đắn đo, Bộ trưởng cho biết hãy thử tung đồng xu lựa chọn nhưng lựa chọn rồi thì phải theo đuổi cho đến cùng. “Làm một việc bất kỳ phải làm đến xuất sắc thì các việc tiếp theo khác sẽ xuất sắc như thế”.

“Làm việc trung bình thì việc nào cũng như nhau. Làm việc xuất sắc thì ở đâu cũng tốt dù là làm việc cho doanh nghiệp nhỏ mới tinh, đang ngổn ngang mọi việc… Ngổn ngang thì làm được nhiều việc. Doanh nghiệp không có quy trình thì tạo ra quy trình, không có thương hiệu thì tạo ra thương hiệu... Đã chọn rồi thì hãy làm đến tận cùng. Người tài do việc tạo ra. Việc tạo ra người vĩ đại”.

Bộ trưởng cũng chia sẻ: “Việc khó hơn mới tạo trải nghiệm, kinh nghiệm. Chọn càng nhiều việc khó, không ngại việc khó, xung phong nhận việc khó, thậm chí xin việc khó đó là cách để trở thành người tài. Một quốc gia, dân tộc trở nên thịnh vượng, giàu có là tìm ra tài năng của mỗi người”.

_storage_emulated_0_pictures_photoshop-express_psx_20240717_202837.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu, lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu thanh niên tiêu biểu.

Tìm ra chính mình là điều tuyệt vời nhất

Trước tương lai rộng mở phía trước của thanh niên, Bộ trưởng chia sẻ mỗi người sinh ra đều có một tài năng và mỗi người phải tìm ra chính mình. Tìm được chính mình sẽ thấy hạnh phúc và để cống hiến, tạo giá trị và yêu quý cái khác biệt của người khác hơn. “Yêu cái giỏi giang của mình thì cũng yêu cái giỏi giang của người khác. Hãy thử và thử đến tận cùng để tìm ra khác biệt”.

Bộ trưởng chia sẻ: "Cuộc sống phong phú bởi mỗi người có một sự khác biệt. Quý nhất, giá trị nhất là sự khác biệt. Sự khác biệt là vẻ đẹp lớn nhất của con người và cũng tạo ra sự khó khăn nhất cho chúng ta nhưng vẻ đẹp nằm ở đó”.

Bộ trưởng mong muốn tuổi trẻ thì đừng ngại thử nhưng phải học để có cái nền. “Học phổ thông, đại học là để có cái nền. Có cái nền mới đi xa được".

Là thanh niên, Bộ trưởng cho rằng phải lưu ý 4 điểm: (1) Thể thao; (2) Tri thức (học tốt ở trường, ở thư viện và tận hưởng môi trường học tập mang lại); (3) Văn hoá; (4) Tuổi thanh niên”.

psx_20240717_202637.jpg
psx_20240717_202717.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi" cho từng học sinh, sinh viên tham dự buổi gặp mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyến khích thanh niên hãy thay đổi bởi "đời thay đổi khi chúng ta thay đổi" như bộ sách cùng tên được Bộ trưởng ký và trao tặng đến từng bạn trẻ trong buổi gặp mặt./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sự khác biệt là vẻ đẹp lớn nhất của con người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO