Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin

TH| 18/04/2017 16:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng ngày 18/4/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền tiếp cận thông tin cho cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và một số doanh nghiệp trong ngành TT&TT.

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

Tại Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 6/4/2016; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trình bày tại Hội nghị, bà Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết: “Quá trình xây dựng Luật Tiếp cận thông tin là một con đường đầy khó khăn, gập ghềnh, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và nhà nước ta. Luật được khởi động soạn thảo từ năm 2008 tới thời điểm có hiệu lực là 10 năm, trong đó có 2 lần phải tạm dừng để xin ý kiến của Bộ Chính trị”. Theo bà, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin là rất cần thiết bởi: thứ nhất, về mặt thể chế, pháp luật hiện hành quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa thống nhất về đảm bảo quyền được thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 1992 và quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thứ hai, về mặt thực tiễn, việc tiếp cận thông tin của công dân còn hạn chế, “cung” không theo kịp “cầu”; thứ ba là một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực hiện đúng theo cam kết, mặc dù chúng ta đã nội luật hóa các quy định liên quan tới quyền tiếp cận thông tin của các điều ước này trong một số Luật nhưng vẫn chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính tương thích với cam kết quốc tế này.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin

Về nội dung, Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 Điều, cụ thể như sau:

- Chương I - Những quy định chung (16 điều, từ Điều 1 đến Điều 16) gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận, thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin; cách thức tiếp cận thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; chi phí tiếp cận thông tin; giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; xử lý vi phạm; áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.

- Chương II - Công khai thông tin (6 điều, từ Điều 17 đến Điều 22) gồm các quy định về thông tin phải được công khai, hình thức, thời điểm công khai thông tin, việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết và xử lý thông tin không chính xác.

- Chương III- Cung cấp thông tin theo yêu cầu (10 điều, từ Điều 23 đến Điều 32) gồm các quy định về loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin; hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu; tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin và từ chối yêu cầu cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin, trình tự cung cấp thông tin thông qua mạng điện tử, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax và xử lý thông tin cung cấp theo yêu cầu không chính xác.

- Chương IV - Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân (3 điều, từ Điều 33 đến Điều 35) gồm các quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Chương V - Điều khoản thi hành (2 điều, Điều 36 và Điều 37) gồm quy định về điều khoản áp dụng và hiệu lực thi hành.
Như vậy, trong khi các Luật được thông qua khác thường mất nửa năm để thi hành thì đối với Luật tiếp cận thông tin, Quốc hội đã quyết định dành hơn 2 năm để các cơ quan có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt thực tiễn và pháp lý. Trong đó, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ quan trọng là thực hiện hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin cũng như bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin.

Ngày 24/1/2017, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-BTTTT về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trong lĩnh TT&TT. Nội dung của kế hoạch bao gồm: Tổ chức quá triệt việc thi hành, phổ biến và tập huấn về các nội dung của Luật; Tổ chức ra soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin; Xây dựng Quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị để thực hiện việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật; Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu thông tin; Đồng thời, rà soát, kiện toàn, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin. Như vậy, theo kế hoạch ban hành, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm sau ngày 1/7/2018, Luật Tiếp cận thông tin được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Việc tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin là hoạt động đầu tiên khởi động Kế hoạch triển khai thực hiện Luật của Bộ TT&TT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO