Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội (tiếp theo và hết)

Lê Hải| 09/11/2018 09:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Kỳ 1 của bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 9-2018 (số 911) đã nhận diện và bóc trần thủ đoạn ngụy tuyên truyền và đề cập tới ba nội dung chủ yếu về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thường bị các thế lực thù địch bóp méo, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Ảnh minh họa - Nguồn: kinhtedothi.vn

Kỳ 2 của bài viết đề xuất hệ giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào giải pháp phản tuyên truyền về nội dung, xây dựng lực lượng “tác chiến” tuyên truyền, cơ chế phối hợp giữa các “binh chủng” thông tin của ta, giải pháp về kỹ thuật, điều chỉnh môi trường pháp lý, đạo đức và văn hóa trên không gian mạng... (Tiếp theo và hết)

... Ngoài những nội dung ngụy tuyên truyền trên (xem kỳ 1 - tác giả), các thế lực thù địch còn xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ, bịa đặt lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta tham nhũng; quy kết tham nhũng ở nước ta là do bản chất chế độ sở hữu toàn dân; gây tâm lý nghi ngại về tính khả thi, chất lượng và hiệu lực thi hành của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp được Quốc hội thông qua; bịa đặt chống tham nhũng ở Việt Nam chính là “vạch áo cho người xem lưng”, càng chống càng làm lộ rõ tình trạng tham nhũng và các nhóm lợi ích cấu kết thành các hệ thống siêu quyền lực (?!)...

Để bủa vây thông tin, nhân lên gấp bội tốc độ, mở rộng không gian việc khuếch tán những nội dung ngụy tuyên truyền trên, các thế lực thù địch sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn trên không gian mạng, trong đó nổi bật là lợi dụng triệt để chính những đặc điểm, trong đó có nhiều đặc tính vốn là ưu thế nổi trội, của các phương tiện truyền thông xã hội, biến chúng thành công cụ đắc lực chống phá trên mặt trận tư tưởng, gây nhiều hệ lụy tiêu cực hơn so với cách thức chống phá trước đây trên các phương tiện truyền thông, báo chí truyền thống.

Thứ nhất, chúng lợi dụng đặc điểm về cơ chế đa giao tiếp và liên kết vô hướng của các phương tiện truyền thông xã hội. Khác với tác động của các phương tiện truyền thông truyền thống theo trật tự tuyến tính, các phương tiện truyền thông xã hội có cơ chế đa giao tiếp. Nền tảng công nghệ hiện nay cho phép quá trình truyền thông giữa một số chủ thể ban đầu sẽ ngay lập tức theo cấp số nhân tạo thành quá trình giao tiếp của vô vàn chủ thể truyền thông khác; đồng thời, thông tin lan tỏa đa chiều, đa tầng, khó định vị được hướng phát tán khi đã ra khỏi nguồn, tạo nên đặc tính liên kết vô hướng, từ đó hình thành những mối quan hệ xã hội hết sức đa dạng, chằng chịt, phức tạp, tạo khái niệm mới về tính siêu liên kết xã hội của các phương tiện truyền thông xã hội. Đây đều là những đặc điểm mà các phương tiện truyền thông, báo chí truyền thống không có.

Lợi dụng đặc tính về liên kết vô hướng và siêu liên kết xã hội, các thế lực thù địch khuếch tán với tốc độ vô cùng nhanh chóng tới đông đảo người dùng các phương tiện truyền thông xã hội những thông tin bẩn, xấu độc về chống tham nhũng, hòng lấy số đông áp đảo thông tin chính thống, âm mưu thao túng, chiếm thế thượng phong ở các mức độ, thời điểm khác nhau trên không gian mạng. Hiện nay, các tổ chức truyền thông đầu sỏ chống phá ta, như RFI (đài phát thanh quốc tế - Pháp) đều có các phiên bản trên Facebook, Twitter, Google , Instagram, Dailymotion, YouTube, Soundcloud - nội dung được truyền tải bằng 14 ngôn ngữ, với 34,5 triệu thính giả mỗi tuần và hàng triệu độc giả truy cập hằng tháng vào các phương tiện truyền thông xã xội trên; RFA (đài phát thanh quốc tế Hoa Kỳ) có các phiên bản trên Blog, Facebook, Twitter, Google , Wordpress với hơn 10 ngôn ngữ; VOA (đài tiếng nói Hoa Kỳ) có các phiên bản trên Facebook, Twitter, Google , Instagram, YouTube, Soundcloud, Podcast... Họ thậm chí đầu tư thiết kế riêng các phần mềm (như RFA app, VOA app...) để người nghe, người xem có thể tải xuống, cập nhật tự động, thường xuyên những thông tin mới nhất bằng điện thoại di động và các thiết bị cầm tay; tiếp tay cho các đối tượng phản động chính trị cộm cán nhân danh các bloggers “phản biện dân chủ”, bằng cách có riêng các trang điểm tin tổng hợp về blog (như RFA blog) hoặc dành không gian riêng, tạo đường link liên kết tích hợp trên web chính cho các đối tượng này, cũng như hàng chục các diễn đàn phản động khác; hướng dẫn rộng rãi cách “vượt tường lửa” để phát tán các thông tin bẩn, xấu độc vào Việt Nam. Một số tổ chức phản động, khủng bố lưu vong, như Việt Tân, không chỉ sử dụng cái gọi là cơ quan tuyên truyền truyền thống, như báo “Kháng chiến”; đài “Việt Nam kháng chiến”, “Chân trời mới” như cũ, mà còn đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, Google , Blog, Viettan app để liên tục cập nhật và phát tán thông tin phản động, trong đó có những thông tin xuyên tạc về chống tham nhũng. Các thông tin phản động từ bên ngoài được hệ thống chân rết của chúng ở trong nước tiếp tay, “nội công, ngoại kích”, hình thành những mạng lưới thông tin dầy đặc để hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng.

Cũng lợi dụng khả năng kết nối xã hội nhanh chóng, chúng tập hợp lực lượng trên môi trường in-tơ-nét, tạo hiệu ứng và phản ứng đám đông, thậm chí có thể tập dượt vũ trang ảo trên môi trường mạng trước khi hiện thực hóa trong thực tiễn, bằng biểu tình, gây rối, chống phá, khủng bố, nhất là sử dụng các mạng xã hội (đặc biệt là Facebook), các forum, trang chia sẻ hình ảnh, video (đặc biệt là YouTube), các tiểu blog (đặc biệt là Twitter), ứng dụng OTT (như Zalo, Viber)...

Thứ hai, chúng lợi dụng môi trường tự do thông tin (tính mở) và thông tin khó kiểm soát, tính nặc danh và tính đa dạng của người dùng. Truyền thông xã hội thường gắn liền với các hoạt động truyền thông không chính thức trong một xã hội mở, cho phép dễ dàng chuyển tải bất kỳ thông tin nào lên cộng đồng mạng, bao gồm cả những thông tin chưa được kiểm chứng. Người dùng tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, bình phẩm, nhận xét, chia sẻ về bất cứ vấn đề nào thích hoặc quan tâm. Môi trường tự do trên là sức hút của các phương tiện truyền thông xã hội, cũng chính là công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm tự do reo rắc những thông tin xuyên tạc, phản động về chống tham nhũng. Chiêu trò mới là không chỉ vào hùa bình luận theo kiểu “kẻ tung người hứng” đối với các nội dung chống tham nhũng bịa đặt trên các web phản động, mà còn đồng loạt chia sẻ, bình luận (comment) với ý đồ kích động, ẩn ý xuyên tạc các báo điện tử chính thống, nhất là đối với những bài viết về các vấn đề đang là “điểm nóng”, nhạy cảm hay có những sơ hở, từ đó âm mưu điều khiển dư luận xã hội khi lợi dụng chính không gian báo chí của ta, nếu các cơ quan báo chí này không tỉnh táo, kiểm soát được các nội dung bài viết, bình luận. Các thông tin bẩn, xấu độc về chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội càng khó kiểm soát hơn khi người dùng hay máy chủ đặt ở nước ngoài, sử dụng các thuật toán ẩn địa chỉ IP, vượt “tường lửa”, thay đổi Proxy tinh vi.

Mặt khác, tính nặc danh cũng là một đặc trưng của các phương tiện truyền thông xã hội, cho phép người dùng có thể ẩn nhân thân hay giả danh. Đặc tính này vô hình trung tiếp tay cho những hành vi, thủ đoạn tiêu cực dễ dàng được thực hiện và nở rộ trên môi trường mạng. Nhiều người lợi dụng và nhân danh chống tham nhũng để ngụy tạo thành lập các hội, nhóm với những tên gọi mỹ miều trên không gian mạng, nhưng thực chất lại là những diễn đàn chống đối, như “hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng”, “hội chống tham nhũng”, “hội những người cầm bút can đảm”, “hội những người ghét bọn phản động và quan tham nhũng”... Người dùng các phương tiện truyền thông xã hội là một cộng đồng rất rộng lớn, đa dạng, nhưng cũng không đồng nhất về lợi ích, quan điểm chính trị... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch xảo quyệt dùng các phương tiện truyền thông xã hội để vừa tập hợp người dùng ngày càng đông đảo thuộc mọi tầng lớp, thành phần xã hội, vừa dễ dàng phân rẽ, ly khai những nhánh không còn phù hợp mà không ảnh hưởng tới toàn cục lực lượng.

Thứ ba, lợi dụng sự đồng đẳng giữa nguồn phát (source) và người nhận (receiver). Quá trình truyền thông truyền thống có sự thụ động khá cao của người nhận. Trong khi đó, truyền thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, giữa nguồn phát và nhận có quan hệ, vai trò bình đẳng ngang nhau, thậm chí chuyển hóa lẫn nhau tức thời. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch cổ xúy tính “chủ động” và kêu gọi mọi người dùng đều trở thành những “phóng viên”, “nhà báo công dân”, nhà “bất đồng chính kiến”, “đấu tranh ôn hòa” trên các phương tiện truyền thông xã hội để lên tiếng đấu tranh chống tham nhũng (nhưng theo sự dẫn dắt, điều khiển thông tin của chúng), khuấy động các làn sóng công kích, phẫn nộ, biểu tình. Thực chất, đây là chiêu trò “mượn gió bẻ măng”, xúi giục phát tán những thông tin bịa đặt, vu cáo về cuộc chiến chống tham nhũng, tạo hiệu ứng “vết dầu loang” về truyền thông trên không gian mạng, âm mưu gây nên tình trạng khủng hoảng và hỗn loạn thông tin, tạo những hiệu ứng dư luận giả, thậm chí âm mưu quốc tế hóa những vấn đề nội bộ của Việt Nam, gây sức ép lớn lên các cơ quan chức năng của ta.

Nhiều tổ chức truyền thông đặt ở nước ngoài có riêng những hướng dẫn công chúng báo chí các kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để trở thành “nhà báo công dân”, như RFA hướng dẫn cách áp dụng công cụ StoryMaker để công chúng tự thực hiện các bản tin và phóng sự... Trong vô vàn các “nhà báo công dân” đó, họ chiêu dụ, cung tiền, gây dựng những “ngọn cờ” nòng cốt, làm bút nô viết bài xuyên tạc, điên cuồng chống phá ta trên các phương tiện truyền thông xã hội, như Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phạm Chí Dũng, Nguyễn Hữu Vinh (anh Ba Sàm), Nguyễn Vũ Bình,... Thay vì chỉ những bài viết thô tục, sặc mùi chợ búa trước đây, chúng còn chuyển sang khoác áo “trí thức cấp tiến” để viết bài xảo biện ngày càng tinh vi, lắt léo hơn, mượn danh nghĩa “phản biện khoa học”, thậm chí thành lập hẳn những tạp chí giả khoa học, dân chủ, như “Luật khoa Tạp chí” của Trịnh Hội, Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long - những đối tượng công khai chống đối ta, đứng đằng sau là Việt Tân, VOICE - để đánh lừa độc giả, tạo diễn đàn dụ dỗ cả những đối tượng bất mãn chính trị hay non nớt chính trị tham gia, nhất là nhắm vào những đối tượng thường dao động, nghiêng ngả lập trường. Những bài viết này được chúng ngụy trang bằng bày tỏ các “tư tưởng cấp tiến”, nhưng bản chất là lấy quan điểm, tiêu chuẩn phương Tây để phủ nhận, công kích thẳng vào hệ thống luật pháp và hệ tư tưởng của ta; cố tình bịa đặt hòng gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa Việt Nam và các nước khác. Nguy hiểm hơn, mang mặt nạ trao đổi, dịch thuật khoa học, chúng còn sử dụng những trang web có các bài viết chứa nội dung chống phá ta được cài ẩn rất kín, thậm chí nhiều tờ báo của ta còn trích dẫn lại hay ngộ nhận ca ngợi. Các web này đều tích hợp mạng xã hội và fanpage trên Facebook để kết nối với độc giả và tăng khả năng tập hợp lực lượng ủng hộ. Những dẫn chứng trên cho thấy, sự chống phá trên các phương tiện truyền thông xã hội của các thế lực thù địch có thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Thứ tư, lợi dụng khả năng số hóa thông tin, tính đa phương tiện và đa tiện ích. Các thông tin giao tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội thường được số hóa và lưu trữ với dung lượng lớn. Thông tin có sự tích hợp đa phương tiện: văn bản ký tự truyền thống, hình ảnh, âm thanh, đồ họa..., dễ dàng được cắt xén, thêm bớt, chỉnh sửa nhờ các ứng dụng, phần mềm rất sẵn có. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có thể thực hiện tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào khi thiết bị kết nối in-tơ-nét. Lợi dụng đặc điểm này, hiện nay, các thế lực thù địch ngụy tạo rất nhiều các sản phẩm truyền thông bẩn, độc về tham nhũng, phát tán với tần suất, cường độ rất lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là trên YouTube, Facebook, Google , Blog, Wikipedia... Nhiều tổ chức, cá nhân phản động tạo hẳn các kênh riêng trên YouTube để chống phá; không ít nội dung trên trang tìm kiếm tri thức nổi tiếng Wikipedia núp bóng tự do học thuật để đưa ra thông tin thiếu khách quan, sai lệch, bày tỏ thái độ chính trị thiếu thiện chí với ta... Đặc biệt, chúng ngụy tạo bối cảnh, tình tiết giả và lợi dụng khả năng quay phát trực tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là tính năng Livestream của Facebook) để truyền trực tiếp tới cộng đồng mạng nhằm “tăng tính thuyết phục” của những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang, nhất là nhằm vào những địa bàn vốn đang là “điểm nóng”, có những xung đột nhất định giữa người dân và chính quyền, từ đó đẩy lên cao tâm trạng bất bình, đi liền với kích động các hành vi chống đối...

Đấu tranh chống các thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng

Trước sự chống phá ngày càng điên cuồng và tinh vi trên không gian mạng, các phương tiện truyền thông xã hội của các thế lực thù địch và những hậu quả khôn lường mà nó có thể gây ra, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII thẳng thắn đánh giá, chúng ta “chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”(5). Do đó, hiện nay, công tác đấu tranh trên môi trường mạng cần được coi trọng đặc biệt, trong đó có đấu tranh phản bác những luận điệu ngụy tuyên truyền về tham nhũng, trên cơ sở một số quan điểm mang tính nguyên tắc sau:

Những ưu điểm và mặt trái của các phương tiện truyền thông xã hội luôn luôn tồn tại song hành, do đó công tác tuyên truyền phản bác các luận điệu ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch trên không gian mạng là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài, cần chủ động, có chiến lược bài bản, khoa học và phương pháp linh hoạt. Không cường điệu hóa, nhưng cũng không được chủ quan trước những tác động tiêu cực từ sự chống phá bằng các phương tiện truyền thông xã hội của các thế lực thù địch. Lấy việc tận dụng những ưu thế của các phương tiện truyền thông xã hội làm chủ đạo, thay vì phiến diện chỉ thấy các yếu tố tiêu cực, mặt trái của nó. Từ đó, sử dụng các phương tiện này để thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của truyền thông đại chúng trong phòng, chống tham nhũng; lan tỏa nhanh chóng thông tin chính thống của ta tới đông đảo người dân; là công cụ hữu hiệu để các tổ chức đảng, chính quyền và người dân gia tăng sự tương tác, lắng nghe, sẻ chia, thấu cảm, đồng thuận; là cơ hội để thực hiện mô hình chính quyền mở, minh bạch, thân thiện và phục vụ. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông xã hội là kênh thông tin tổng hợp quan trọng để đánh giá, đo lường, nắm bắt và giải quyết các cuộc khủng hoảng thông tin nhằm bình ổn, điều hòa các xung đột, mâu thuẫn, “điểm nóng” xã hội nảy sinh do tác động từ việc ban hành các chính sách.

Lấy chính các phương tiện truyền thông xã hội nhằm khắc chế thủ đoạn dùng các phương tiện truyền thông xã hội hòng chống phá ta của các thế lực thù địch, theo phương châm “lấy độc trị độc”. Trong đấu tranh tư tưởng hiện nay, tuyệt đối không bỏ trống, coi nhẹ không gian mạng hay lảng tránh việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, vô tình “nhường” trận địa cho thế lực thù địch. Cần phá thế lan truyền thông tin của các thế lực thù địch bằng số lượng, chất lượng thông tin tích cực. Để áp đảo được đối phương, cần xây dựng đội ngũ “chiến sĩ thông tin mạng” đủ số lượng, vừa hồng, vừa chuyên để chủ động tham gia đấu tranh phản bác trên không gian mạng.

Đồng thời, thay vì tư duy cứng nhắc và cách làm cơ học thiên về “chặn”, “xóa” thông tin khi sự vụ đã xảy ra, cần chuyển đổi thành tư duy chủ động “làm loãng” thông tin và chú trọng các giải pháp “mềm”, nhất là trang bị kỹ năng, khả năng tự miễn dịch thông tin cho người dùng các phương tiện truyền thông xã hội. Sử dụng đồng bộ các giải pháp trong đấu tranh với các thế lực thù địch trên môi trường mạng, lấy giải pháp về nghiệp vụ phản tuyên truyền là chính. Kết quả thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng của ta là yếu tố quyết định tới hiệu quả công tác tuyên truyền, là cơ sở thuyết phục nhất phản bác lại những luận điệu ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch.

Từ một số quan điểm mang tính nguyên tắc trên, xét riêng từ góc độ tuyên truyền, công tác đấu tranh chống ngụy tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng “tác chiến” tuyên truyền trên không gian mạng, là hiệp đồng của nhiều “binh chủng” tuyên truyền, với vai trò tổ chức, lĩnh xướng, chủ lực của cơ quan tuyên giáo, báo chí chính thống của ta, cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp khác trong hệ thống chính trị, kết thành mạng lưới thông tín viên rộng khắp, có khả năng hiện diện và góp tiếng nói ở mọi không gian truyền thông xã hội, từ đó lan tỏa sự ủng hộ, đồng tình tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan báo chí của ta phải luôn giữ vững vai trò, nhịp độ chủ đạo trong định hướng thông tin, thực hiện kết nối, tích hợp một cách hợp lý các ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến vào sản phẩm báo chí của mình hoặc tạo dựng những kênh truyền thông xã hội riêng nhằm tận dụng lợi thế của các phương tiện này để lan tỏa thông tin chính thức, chính thống tới đông đảo công chúng.

Đặc biệt, có chính sách xây dựng, bồi dưỡng, trọng dụng những “thủ lĩnh thông tin” là cây bút chủ lực có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (key opinion leader) từ các nhà báo, nhà khoa học của ta. Đây là những người có tài năng, bút lực, tâm huyết, dần tạo vị thế, thẩm quyền, uy lực ngày càng lớn trên hệ thống báo chí chính thống và các phương tiện truyền thông xã hội, có số lượng lớn người theo dõi, đối trọng với lực lượng phản động, bằng hệ thống bài viết có chất lượng, bút chiến mạnh mẽ, kịp thời và đanh thép chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, có sức hấp dẫn và thuyết phục công chúng, từ đó có khả năng tham gia dẫn dắt, định hướng, định hình dư luận xã hội, tránh để rơi vào thế bị động.

Thứ hai, công tác thông tin và định hướng thông tin, tuyên truyền cần nhanh nhạy, chủ động hơn, không bị động, theo đuôi sự việc; đặc biệt cần công khai sớm, đầy đủ các thông tin về xử lý tham nhũng cho công luận, nhất là các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ, việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện rõ sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Lấy tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để lấn át cái xấu, tiêu cực...

Thời gian tới, bên cạnh việc chống phá hệ tư tưởng, các thế lực thù địch sẽ ngày càng đẩy mạnh việc công kích vào hệ thống pháp luật của ta, nhất là với các chính sách quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước và có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, hướng lái dư luận hiểu sai, hiểu ngược, tạo nhiễu loạn thông tin, biến những chính sách cần thiết ra đời vì sự phát triển của đất nước và sự ổn định của xã hội thành những “vấn đề nhạy cảm”, từ đó nham hiểm ngăn cản việc ban hành những đạo luật này. Đồng thời, chúng tiếp tục lợi dụng những vấn đề dân chủ, nhân quyền, cái gọi là “tương thích với luật pháp quốc tế” để ra sức thúc đẩy ra đời những đạo luật liên quan về hội, biểu tình..., nhưng với ý đồ xấu, cài cắm thông tin sai lệch một cách tinh vi, mưu toan tạo “cơ sở pháp lý” dễ bề chống phá. Do đó, công tác tuyên truyền và định hướng tuyên truyền về sự cần thiết ban hành các chính sách, đạo luật quan trọng, như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)..., cũng như phản bác các luận điệu xuyên tạc, cả trên báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội, cần đi trước một bước để tạo sự đồng thuận xã hội, tránh đi sau, bị động, có những khoảng trống hay tuyên truyền thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan báo chí, để lọt các bài viết chất lượng thấp, có nhiều sở hở, thậm chí thông tin sai lệch, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng...

Cần coi trọng đúng mức việc đánh giá những tác động, rủi ro của việc ban hành các chính sách; quy định chặt chẽ quy trình lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách; lắng nghe dư luận xã hội. Quá trình giải quyết các mâu thuẫn xã hội phát sinh phải dựa trên giá trị quan hoặc sự giao tiếp, đối thoại, thay cho sự áp đặt hay lối thỏa hiệp tùy tiện; trang bị kỹ năng xử lý, ứng biến với khủng hoảng thông tin cho cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thứ ba, khoanh vùng các tổ chức, đối tượng đầu sỏ chống phá ta để chặn, xóa thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội theo từ khóa, theo tuyến vật lý, vị trí địa lý, cụm máy chủ, tên miền...; điều tra, truy tìm dấu vết phát tán thông tin, lưu trữ lịch sử thông tin để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật những đối tượng cầm đầu nhằm răn đe và ngăn chặn từ gốc các thông tin bẩn, xấu độc. Đây là giải pháp ngăn chặn cần thiết được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm bảo vệ an toàn, an ninh mạng và đã được quy định rõ tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng của nước ta.

Mặt khác, hiện nay, các công ty như Google, Facebook thực tế đã có rất nhiều máy chủ đặt ở Việt Nam; thông tin được lưu trữ, chia sẻ, sao lưu, khôi phục, nhân bản tự động hoặc tự động tạo tài khoản nhờ công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo..., nên khó lòng chặn, lọc được. Mặc dù chúng ta tích cực làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội về yêu cầu gỡ bỏ những thông tin xấu độc, nhưng do lượng thông tin quá lớn, nên thường thông tin đã phát tán mới đề nghị lọc, chặn. Hơn nữa, những ràng buộc của các điều ước quốc tế, sự khác nhau về quan điểm chính trị... cũng khiến việc gỡ bỏ chưa đạt được mong muốn.

Do đó, cần chủ động, tích cực và thường xuyên làm loãng thông tin xấu độc bằng các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ. Khi có thông tin xấu độc, ta cần tạo dựng cơ số những thông tin tương tự, nhưng có nội dung tích cực, để làm chìm đi thông tin xấu độc. Về mặt kỹ thuật, có thể tận dụng ngay công cụ tìm kiếm Google, tối ưu hóa tìm kiếm (SEO) để làm nổi thông tin phản bác lên trên thông tin xấu độc. Công việc trên cần một bộ phận trực “tác chiến” liên tục trên không gian mạng. Lực lượng này đưa thông tin tích cực tới cộng đồng, thúc đẩy việc chia sẻ (like, share) để phủ thông tin tốt lên các phương tiện truyền thông xã hội.

Thứ tư, xây dựng các “thiết chế ảo” trên các phương tiện truyền thông xã hội, như các diễn đàn, hội nhóm, fanpage, câu lạc bộ... theo tâm lý, sở thích, nhu cầu cá nhân, có chất lượng, thu hút được nhiều hội viên, thành viên, tạo thành những cộng đồng mạng rộng lớn, từ đó khéo léo điểm xuyết việc xen ghép những định hướng tuyên truyền của ta trong các nội dung trao đổi, thảo luận, sinh hoạt trên không gian trực tuyến. Đây là cách thức thu hút người dùng một cách tự nhiên và tuyên truyền hiệu quả hơn so với việc tạo lập ngay từ đầu các kênh, diễn đàn, sản phẩm truyền thông xã hội mang tính chính trị, có phần khô cứng, ít thành viên tham gia; cũng phù hợp với quan điểm sử dụng chính nền tảng các kênh truyền thông xã hội phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam để phản tuyên truyền đối với các thế lực thù địch. Chính những “thiết chế ảo” này sẽ là những nguồn phát và lan tỏa thông tin chính xác của ta trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Thiết lập và sử dụng hệ thống lắng nghe và phân tích truyền thông xã hội (social listening) để tự động dò quét, theo dõi, tổng hợp, phân tích các dòng thông tin chủ lưu hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc nắm bắt, bao quát những diễn biến chính trên không gian mạng là rất cần thiết để các cơ quan chức năng của ta có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống, nhất là với những diễn biến, khủng hoảng nghiêm trọng. Đẩy mạnh hợp tác và đấu tranh với các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét trong và ngoài nước phải lưu trữ những dữ liệu do người sử dụng dịch vụ trong nước tạo ra tại Việt Nam, là cơ sở, hệ thống chứng cứ để xử lý theo luật định khi có tình huống, sự việc phát sinh. Có chiến lược xây dựng nền tảng các ứng dụng phương tiện truyền thông xã hội trọng điểm mang thương hiệu Việt Nam, có chất lượng, sức cạnh tranh, tính hấp dẫn, tính giáo dục và phù hợp với văn hóa dân tộc, từ đó góp phần gia tăng năng lực tự chủ thông tin quốc gia, từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào các tập đoàn truyền thông lớn của nước ngoài. Đây cũng là chiến lược phát triển dài hạn được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.

Xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam, quy định cụ thể những thái độ, hành vi nên, không nên thực hiện, góp phần làm lành mạnh hóa và hướng tới một môi trường mạng văn minh hơn. Đây là sự bổ trợ cần thiết cho các giải pháp kỹ thuật và pháp lý khác, lấy quy chuẩn đạo đức và sức ép đánh giá từ dư luận xã hội để điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng một cách tự giác. Coi trọng việc trang bị kỹ năng sử dụng, ứng xử trên các phương tiện truyền thông xã hội cho người dùng, trong đó có khả năng tự sàng lọc thông tin và chối bỏ các thông tin bẩn, xấu độc, không chia sẻ (like, share) một cách vô ý thức. Tuy nhiên, hiện nay, việc trang bị những kỹ năng này vẫn còn bị bỏ ngỏ trong cộng đồng, nhất là trong các môi trường giáo dục ở Việt Nam. Cần thiết xây dựng và ban hành cẩm nang về kỹ năng sử dụng và ứng xử trên các phương tiện truyền thông xã hội để phổ biến rộng rãi, giúp người dùng học cách làm chủ, tự bảo vệ mình trước những rủi ro truyền thông.

Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục giữ vững nhịp độ, được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Dựa trên hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng cùng việc giải quyết những vấn đề nổi cộm khác mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, như lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; các vấn đề an sinh xã hội..., công tác phản tuyên truyền sẽ có cơ sở vững chắc và thêm sức nặng để đập tan từ gốc dã tâm chống phá và những luận điệu ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch./.

----------------------------------------

(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 27

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO