Bưu điện - Truyền thông: Kế thừa quá khứ, tiến bước tương lai

03/11/2015 20:24
Theo dõi ICTVietnam trên

“Kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, tiếp bước cha anh, xây dựng và phát triển Ngành ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”, là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son với CBCNV toàn Ngành nhân dịp 70 năm Ngày Truyền thống ngành Bưu điện

Dũng cảm, sáng tạo và chủ động trong suốt chặng đường phát triển

“Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Việc liên lạc là quan trọng nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Thực hiện lời dạy của Người, trong quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Bưu điện đã đem hết sức lực, trí tuệ và cả máu xương của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay…

Ngành Bưu điện Việt Nam đã lập nên những thành tựu rất đáng tự hào, xây dựng nên truyền thống và phương châm hành động cao đẹp của ngành, đó là: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và “Nhanh chóng, Chính xác, An toàn, Tiện lợi, Văn minh”, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhận xét tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Bưu điện, 68 năm Thành lập Công đoàn TT&TT Việt Nam diễn ra sáng ngày 14/8/2015,thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của ngành TTTT.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng 70 năm ngày Truyền thống ngành TTTT

Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào đã quyết định thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”, tổ chức tiền thân của Ngành Bưu điện Việt Nam. Đây là mốc son lịch sử và ngày 15/8 trở thành ngày truyền thống của Ngành Bưu điện Việt Nam.

Sinh ra vì nhu cầu của Cách mạng, trưởng thành để phục vụ Cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt, lực lượng cán bộ ngành Bưu điện ở cả hai miền Nam - Bắc đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin, đảm bảo vận chuyển công văn, tài liệu của Đảng và Nhà nước an toàn, bí mật. Gần một vạn cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. “Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các bậc tiền bối, các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì đất nước và vì sự phát triển Ngành. Chúng ta thân ái gửi tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ, cưu mang đùm bọc, nuôi dưỡng cán bộ, công nhân viên ngành trong suốt 2 cuộc kháng chiến; xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, hơn 400 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của Ngành lòng biết ơn vô hạn và những tình cảm thắm thiết nhất”, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son xúc động chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son điểm lại bước phát triển trong lịch sử 70 năm của Ngành

Trong quá trình xây dựng đất nước, Bưu điện Việt Nam đã dũng cảm đi đầu trong công cuộc đổi mới với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”. Tiếp đó, ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” cho giai đoạn 1993 – 2000. Kết quả là, mạng lưới viễn thông đã được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mới được cung cấp cho xã hội, mở rộng vùng phục vụ, bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp mới.

Trong giai đoạn “Hội nhập và phát triển”, Ngành chủ động tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định: “Thành tựu về công nghệ chính là nền tảng để Ngành hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ thông tin, truyền thông trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cung cấp cho xã hội đa dịch vụ tiện ích với giá cả phù hợp; Ứng dụng thành tựu viễn thông – công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thuế, hải quan, các dịch vụ hành chính công... hình thành chính phủ điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc thụ hưởng tiện ích mà còn góp phần quan trọng trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với sự phát triển vượt bậc của viễn thông, công nghệ thông tin, Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông như Đề án đã được Chính phủ phê duyệt”.

Lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng không ngừng phát triển cả nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm báo, xuất bản ngày càng được nâng cao, qua đó đã góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên, thông tin, giải thích rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin đầy đủ, kịp thời về các sự kiện chính trị, thời sự của đất nước và quốc tế; quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam với các nước trên thế giới; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin, văn hóa đa dạng, phong phú của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp quan trọng vào việc tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Công đoàn Ngành góp phần đoàn kết và tăng cường sức mạnh tập thể

Song hành cùng ngành Thông tin và Truyền thông, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tiền thân là Công đoàn Bưu điện Việt Nam, được thành lập ngày 30/8/1947, với 1.460 đoàn viên thuộc 17 tổ chức công đoàn trực thuộc.

Trải qua 68 năm, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng sự phát triển của Ngành và đất nước. Hiện nay, Công đoàn Ngành có hơn 8 vạn đoàn viên với 8 công đoàn cấp trên cơ sở, 223 công đoàn trực thuộc công đoàn cấp trên cơ sở đóng trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.  Công đoàn Ngành đã triển khai và phát huy có hiệu quả vị trí, vai trò của mình, bám sát sự chỉ đạo của Đảng và của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để vận động cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong toàn Ngành; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, xây dựng công đoàn cơ sở ngày càng vững mạnh.

Được sự phối hợp, ủng hộ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tháng 3/2015, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn và đổi tên Công đoàn Bưu điện Việt Nam, thống nhất các tổ chức công đoàn các đơn vị thuộc Ngành thành một tổ chức công đoàn phù hợp với quy mô quản lý và tên gọi của Bộ chủ quản để đáp ứng nhiệm vụ mới.

Với những kết quả đã đạt được trong 68 năm qua, Công đoàn Ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao qu‎‎ý  như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bức trướng 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”.

Kế thừa truyền thống, tạo sức mạnh cho bước phát triển tiếp theo

Bên cạnh những thành tựu to lớn, trong quá trình phát triển của mình, Ngành TTTT gặp không ít những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiện nay, toàn Ngành đang thực hiện quá trình tái cấu trúc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó việc chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là bưu chính và viễn thông đã tạo cơ hội cho cả hai lĩnh vực cùng phát triển đồng đều.

Lĩnh vực viễn thông vừa duy trì sản xuất, kinh doanh vừa tiến hành quá trình tái cấu trúc thành công với những bước chuyển biến ấn tượng: tái cấu trúc VNPT; thành lập Tổng công ty Mobifone; điều chuyển các đơn vị thuộc VNPT để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, toàn ngành TTTT đang tập trung triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, và các đề án CNTT-TT đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng TT&TT theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển CNTT-TT, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong khu vực và trên thế giới.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua trên chặng đường phía trước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo: “Với những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát triển Ngành trong 70 năm qua, toàn Ngành cần nỗ lực vươn lên, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và phát triển, với quyết tâm thực hiện thành công chiến lược tăng tốc “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Để đạt mục tiêu trên, toàn Ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau đây:

-Thứ nhất: phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, coi đây là ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm, đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP của đất nước.

-Thứ hai: phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, coi đây là yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược.

- Thứ ba: ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội.

- Thứ tư: hoàn thành tái cấu trúc lĩnh vực bưu chính – viễn thông, tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

- Thứ năm: tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

- Thứ sáu: tiếp tục kiện toàn hệ thống công đoàn trong ngành TTTT phù hợp với mô hình tổ chức mới của Công đoàn TTTT Việt Nam và tình hình thực tế. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua”.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn Ngành: “Đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình”, kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, tiếp bước cha anh, xây dựng và phát triển Ngành ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”.

Bài và ảnh: Minh Thiện

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện - Truyền thông: Kế thừa quá khứ, tiến bước tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO