Các bộ trưởng kinh tế ASEAN đẩy mạnh quan hệ đối tác thương mại

TH| 09/09/2017 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN đang thúc đẩy các quốc gia khác liên quan giải quyết những khác biệt về thuế quan.

Với nội dung xuyên suốt là tìm kiếm các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thúc đẩy hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực Đông Nam Á, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 49 đã khai mạc sáng 7/9/2017 tại Philippines. Đây là sự kiện kinh tế quan trong của ASEAN, nhằm thảo luận về các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự kinh tế, dịch vụ, thương mại và đổi mới không chỉ trong các nước thành viên ASEAN, mà còn với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Philippines Ramon Lopez cho biết Hội nghị đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định thông điệp thành công của ASEAN, đồng thời nâng tầm vị thế của ASEAN trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang phát triển với tốc độ nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.

Một nội dung quan trọng được thảo luận là thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership) giữa ASEAN và các nước đối tác nhằm đi đến những thỏa thuận quan trọng năm 2017. Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN kêu gọi các nước khác tham gia đàm phán giải quyết những bất đồng liên quan tới thuế và các điều kiện khác.

Theo Bộ trưởng Lopez, ASEAN sẽ duy trì quan điểm mở và hướng ngoại thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Ông cho biết: “Chúng tôi đều nhất trí để sớm đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận RCEP. Theo ông, 99% những người tham gia đàm phán đã đưa ra mức mong muốn hoặc mức độ tự do hóa cần thiết.

RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được thiết kế nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và sáu đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012. Mặc dù, RCEP có thể không đạt được mức độ tham vọng như TPP, nó đại diện cho một cơ hội tự do hóa khác cho các nước trong khu vực châu Á . RCEP đề xuất tự do hóa 80% thuế quan trong khu vực, loại bỏ các hạn chế về đầu tư nước ngoài và cung cấp truy cập lớn hơn vào thị trường dịch vụ.

Nếu được thông qua, Hiệp định thương mại tự do này sẽ tác động tới gần 3,5 tỷ người, và làm cho nó trở thành khối thương mại lớn nhất về dân số và thứ ba thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng giá trị thương mại. Các đàm phán RCEP liên quan tới một loạt các vấn đề, bao gồm thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

Ông Lopez cho biết: “Ông hy vọng Hiệp định có thể được thông qua trong năm nay”. Tuy nhiên, hiện nay 16 quốc gia tham gia đàm phán mới chỉ đạt được thỏa thuận về hai trong số 15 lĩnh vực. Đó là hai lĩnh vực ít gây tranh cãi nhất: các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác kinh tế. Ấn Độ và Trung Quốc đang miễn cưỡng mở cửa các ngành công nghiệp then chốt, trong khi Nhật Bản và Australia đang thúc đẩy thương mại tự do hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các bộ trưởng kinh tế ASEAN đẩy mạnh quan hệ đối tác thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO