Chính sách đầu tư không chỉ là tối đa hoá số lượng FDI, mà còn quản lý chất lượng của FDI cũng như đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành cụ thể, vùng hoặc các nhóm mục tiêu khác phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế của từng quốc gia. Chính sách ưu đãi đầu tư là một công cụ quan trọng để chính phủ quản lý FDI của mình. Các AMS thường xuyên ban hành và cập nhật các chương trình khuyến khích của họ, chủ yếu là ưu đãi về thuế, nhưng cũng có các ưu đãi khác ngoài thuế nhằm thu hút dòng vốn FDI để hỗ trợ các ưu tiên kinh tế của họ. Hiện đang có sự gia tăng mạnh trong các AMS về việc ưu tiên các ngành dịch vụ, có tính đến tầm quan trọng ngày càng tăng và sự phức tạp của các ngành dịch vụ trong sự phát triển toàn cầu, bao gồm cả sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông.
Brunei đã đưa ra các ưu đãi thuế khác nhau trong nỗ lực thúc đẩy các ngành khác ngoài dầu mỏ, chẳng hạn như miễn thuế 5 năm đối với thuế doanh nghiệp đối với các ngành như kinh doanh nông nghiệp, xây dựng, hàng tiêu dùng, công nghệ môi trường, vận tải, truyền thông và giáo dục. Thuế doanh nghiệp đã được cắt giảm xuống còn 18,5% kể từ năm 2014, đứng ở mức thấp thứ hai trong ASEAN.
Campuchia cung cấp các chương trình khuyến khích đầu tư khác nhau thuộc các lĩnh vực sau: giao dịch an toàn, sản xuất và cung cấp điện, sản xuất và cung cấp nước sạch, nông nghiệp, các cơ sở giáo dục, và Dự án đầu tư đạt tiêu chuẩn (QIP). Các nhà đầu tư Campuchia và nước ngoài thực hiện các dự án đáp ứng các tiêu chí QIP có thể được hưởng một loạt các bảo đảm bao gồm đối xử bình đẳng (trừ quyền sở hữu đất đai), không quốc hữu hoá, không kiểm soát giá cả sản phẩm và dịch vụ của nhà đầu tư, và chuyển tiền tự do ra nước ngoài.
Inđônêxia thường xuyên cập nhật chương trình khuyến khích tài chính khác nhau, nhất là Quy định Chính phủ số 9 năm 2016, có hiệu lực từ ngày 22 tháng 4 năm 2016. Quy định này cung cấp trợ cấp thuế thu nhập đối với việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh trong cả hai lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác bao gồm cả ở khu vực và trong nước Indonesia. Nhìn chung, chính sách thuế này tập trung nhiều hơn vào những khoản đầu tư mà có thể thuê nhiều lao động địa phương, tiến hành nghiên cứu và phát triển trong nước, tái đầu tư vào lợi nhuận và định hướng xuất khẩu.
Luật Khuyến khích xúc tiến đầu tư của Lào đã được sửa đổi, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2016 quy định các ưu đãi về thuế và phi thuế nhằm thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ngoài ưu đãi về thuế lợi tức, các nhà đầu tư cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận chuyển trực tiếp sử dụng vào sản xuất theo quy định cụ thể. Luật sửa đổi đặc biệt khuyến khích đầu tư vào các cộng đồng vùng nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp
Malaysia đã và đang đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ xanh từ năm 2014. Theo ngân sách năm 2015, bốn ưu đãi đã được đưa ra nhằm: (a) thúc đẩy các khu vực kém phát triển hơn; (b) thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi hơn với việc quản lý các cơ sở vật chất/cơ sở hạ tầng công cộng tốt hơn tại các khu công nghiệp; (c) khuyến khích việc áp dụng nhanh chóng tự động hóa đặc biệt đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; và (d) biến Malaysia thành trung tâm chính để thực hiện các hoạt động kinh doanh của khu vực và toàn cầu. Theo ngân sách năm 2016, các gói khuyến khích về dịch vụ của Malaysia bao gồm những mục tiêu nhằm (a) khuyến khích phát triển cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng với các hoạt động quản lý chất thải toàn diện trong các khu rác thải sinh thái; (b) đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu; (c) mở rộng gói đầu tư năm 2014 cho nhiều lĩnh vực dịch vụ.
Luật Đầu tư Myanmar (MIL) ban hành vào tháng 10 năm 2016 đưa ra các chương trình miễn thuế thu nhập mới dựa trên vị trí địa lý và các ngành đang được ưu tiên, thay vì áp dụng thồi gian miễn thuế thu nhập 5 năm trước đó. Hiện tại có 3 vùng ở Myanmar với 3 thời hạn miễn thuế khác nhau là 3, 5, và 7 năm.
Singapore có một loạt các chương trình khuyến khích về thuế và phi thuế. Có các ưu đãi theo hàng ngang như Tín dụng năng suất và sáng tạo (PIC) cung cấp khấu trừ thuế lên đến 400% hoặc khoản thanh toán không phải trả tiền mặt để đầu tư vào bất kỳ hoạt động nào trong số 6 hoạt động có đủ điều kiện và cũng là ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển hoặc đặt trụ sở tại Singapore. Ngoài ra còn có các chương trình khuyến khích dành cho các hoạt động hoặc lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là Khuyến khích lĩnh vực tài chính (FSI) và Các Chương trình khuyến khích hàng hải (MSI).
Thái Lan có ưu tiên cao về đầu tư nhằm giúp nâng cao tính cạnh tranh và đổi mới quốc gia, làm thân thiện với môi trường, tăng cường chuỗi giá trị khu vực và thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Nam của nước này. Thông báo của Ủy ban đầu tư (BOI) số 2/2557 vào ngày 3 tháng 12 năm 2014 cho thấy sự chuyển đổi chính sách đầu tư của Thái Lan sang các ngành công nghiệp có giá trị cao, sản xuất sinh thái thân thiện và các dự án thúc đẩy việc tạo ra cụm kinh tế. Thái Lan sau đó đã đưa Chiến lược siêu cụm vào tháng 9 năm 2015, với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng, nhằm ổn định và phân cấp tăng trưởng kinh tế trong nước. Chiến lược tập trung vào 6 ngành chính được coi là các chuỗi giá trị cạnh tranh ở Thái Lan, cụ thể là: thiết bị điện, thiết bị điện tử và viễn thông, ô tô, hoá dầu, chế biến thực phẩm, dịch vụ y tế và kỹ thuật số, bao gồm ưu đãi thuế và phi thuế, được ưu tiên tại 9 tỉnh Nakorn, Ayutthya, Patumthaini, Prachinburi, Chacheongsao, Chonburi, Rayong, Chiang Mai và Phuket. Các công ty đủ điều kiện sẽ được miễn thuế trong 13 năm đầu và chỉ phải trả 2% thuế trong 10 năm tiếp theo. Đối với các công ty bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2017, chính phủ sẽ kéo dài thời gian miễn thuế thêm hai năm nữa.
Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 103/ NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 về định hướng nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng và quản lý FDI. Mục tiêu của Nghị quyết này nhằm thu hút FDI vào các dự án có chất lượng cao và giá trị gia tăng sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, và các dịch vụ hiện đại. Nghị quyết cũng nhằm mục đích sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư thông qua việc đảm bảo tính chặt chẽ của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu đối với các ưu đãi về tài chính và phi tài chính; kết hợp ưu đãi theo ngành với các ưu đãi dựa vào địa lý vùng miền và khai thác các ưu đãi cho các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.