Truyền thông

Các tác phẩm báo chí về GTVT bám sát tinh thần làm việc "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa"

Trường Thanh 27/08/2024 16:06

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, “Thông qua các tác phẩm báo chí, ngành Giao thông Vận tải cũng đồng thời nhận diện được thực trạng, giải pháp, tự soi, sửa đổi để công tác quản lý nhà nước của ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành Giao thông Vận tải (GTVT) (28/8/1945 - 28/8/2024), sáng ngày 27/8, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Lễ trao Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ V năm 2023 - 2024 và phát động Giải “Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ VI năm 2024 - 2025” và phát động Giải “Báo chí 80 năm ngành GTVT”.

dsc_8964.jpg
Các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Giải Báo chí viết về ngành GTVT được phát động lần đầu năm 2019 với mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, lan toả những điều tích cực trong xã hội, phát hiện và tôn vinh những tấm gương cống hiến, những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp phát triển GTVT, tạo tiền đề đưa đất nước tiến lên hiện đại, giàu có.

Các tác phẩm phản ánh chân thực, toàn diện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về ngành GTVT

Tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua. “Thông qua các tác phẩm báo chí, ngành GTVT cũng đồng thời nhận diện được thực trạng, giải pháp, tự soi, sửa đổi để công tác quản lý nhà nước (QLNN) của Ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.

bt-nguyen-van-thang.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, các tác phẩm tham dự Giải năm nay được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh chân thực, toàn diện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về ngành GTVT. Trong đó, một số bài báo có góc nhìn, cách tiếp cận rất mới, chạm được các vấn đề nóng, thời sự của ngành GTVT.

Các tác phẩm dự giải đã bám sát quá trình triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GTVT, cổ vũ tinh thần làm việc "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "xuyên lễ, xuyên Tết" của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT để góp phần tạo nên những thành tích rất ấn tượng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thời gian vừa qua.

“Có những tuyến bài phóng sự công phu, phát hiện và phản biện sâu sắc về những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách và đấu tranh chống các hành vi tiêu cực của Ngành... Qua đó, đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp ngành GTVT từng bước củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành GTVT, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Giải thưởng có uy tín, tạo sự gắn kết giữa cơ quan QLNN với các cơ quan báo chí

Thông tin thêm về giải năm nay, Tổng Biên tập Báo Giao thông, cơ quan thường trực Giải, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ V thu hút hơn 350 tác phẩm (tăng hơn 70 tác phẩm so với 280 của năm 2023) của gần 70 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự.

tbt-nguyen-thi-hong-nga.jpg
Tổng Biên tập Nguyễn Thị Hồng Nga: Trải qua 5 lần tổ chức, giải Báo chí thường niên viết về ngành GTVT đã trở thành một giải thưởng có uy tín.

Chủ đề các tác phẩm tham dự giải bao phủ trên hầu hết các lĩnh vực trọng tâm của ngành GTVT với 5 nhóm lớn: (1) Nhóm về Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với chiến lược, nghị quyết của Đảng; (2) Nhóm thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả an toàn giao thông (ATGT) và vận tải; (3) Nhóm nhận diện, tháo gỡ những bất cập trong cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực của ngành GTVT; (4) Nhóm chiến lược phát triển đô thị; (5) Nhóm dấu ấn phát triển giao thông ở các đô thị, các địa phương.

Nhóm đầu tiên và chiếm số lượng các tác phẩm tham dự, nổi bật là loạt bài: Công trình mang kỳ vọng giúp đất "Chín Rồng" cất cánh của Báo điện tử Dân trí không chỉ phản ánh "hơi thở" trên công trường giao thông trọng điểm mà còn làm nổi bật vai trò của giao thông kết nối trong khơi thông điểm nghẽn, phát triển KT-XH ở khu vực ĐBSCL.

Hay loạt bài 4 kỳ "Dùng cát biển làm cao tốc Bắc - Nam: Giải pháp gỡ "điểm nghẽn" của nền kinh tế" của Báo điện tử Dân Việt (Báo Nông thôn Ngày nay) đề cập từ kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành, đưa ra những lý lẽ thuyết phục cho thấy việc dùng cát biển thi công cao tốc là khả thi.

Đặc biệt, trong cụm chủ đề này có một tác phẩm đạt giải Nhất, đó là bài Megastory "Hạ tầng giao thông đang trưởng thành theo chủ trương đột phá" của Báo Tuổi trẻ. Gắn bó nhiều năm với ngành GTVT, tác giả Tuấn Phùng phác họa sinh động công cuộc đột phá của hạ tầng giao thông đất nước bằng cách kể lại chuyện xưa kết nối với chuyện nay, dùng thể loại Megastory trên báo điện tử để có thể đăng tải được nhiều hình ảnh với nhiều điểm nhấn trong thiết kế, tạo ấn tượng với bạn đọc.

tc.jpg
Toàn cảnh sự kiện.
giai-nhat.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trao giải Nhất cho các tác giả.
giai-nhi.jpg
Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Nhì cho các tác giả.

Nhóm vấn đề thứ hai là về thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả ATGT và vận tải như: Loạt 4 kỳ "Thất thu thuế lớn từ xe trá hình" của Báo Giao thông; loạt bài 3 kỳ của Báo Lao động "Nước mắt xe ghép", xe đi chung; Loạt bài 4 kỳ: "Nghẽn" vận tải thủy Đồng bằng sông Cửu Long" của Báo Tiền phong. Loạt bài 4 kỳ "Nỗi niềm đời tài xế container đường dài"… của Báo Tuổi trẻ.

giai-ba.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao giải Ba cho các tác giả.

Nhóm chủ đề thứ ba dù viết về những bất cập, song, hầu hết các tác phẩm thuộc chủ đề này đều có góc nhìn khách quan, công tâm và gợi mở được những giải pháp rất cụ thể để qua đó các cơ quan chức năng khắc phục, như loạt 3 kỳ của Báo Quân đội Nhân dân Đóng tàu dân dụng giải nỗi lo thiếu hụt nguồn nhân lực"; Loạt bài 5 kỳ của Báo Tuổi trẻ Thủ đô "Xây dựng văn hoá giao thông cho người đi bộ: Khó… mà dễ".

Hay tác phẩm "Tốc độ trên cao tốc bao nhiêu là phù hợp?" của Báo Thanh niên; Loạt bài 5 kỳ: Làm gì để không đứt gãy tuyến vận tải đường sắt Bắc - Nam của Tạp chí GTVT; Loạt bài 5 kỳ "Tháo gỡ khó khăn về định mức, đơn giá" của Báo Đấu thầu.

giai-kk.jpg
Các tác giả nhận giải Khuyến khích.

Phát triển giao thông xanh, hướng tới NetZero và những công nghệ mới, đột phá trong lĩnh vực GTVT cũng là nhóm chủ đề thu hút nhiều tác phẩm tham gia Giải năm nay. Nổi bật nhất trong cụm chủ đề này là loạt loạt 5 bài (Emagazine) "Hiến kế để ngành GTVT giữ vai trò tiên phong trong mục tiêu Việt Nam" đạt NetZero vào năm 2050, của nhóm tác giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường; Loạt bài 3 kỳ "Động lực cho cuộc chuyển đổi xanh của ngành taxi" của Tạp chí Người đưa tin.

giai-tap-the.jpg
Đại diện các cơ quan báo nhận giải tập thể.

Nhóm vấn đề thứ tư trọng tâm là các giải pháp phát triển những tuyến metro hiện đại, quy mô, các giải pháp kéo giảm ùn tắc ở đô thị lớn, điển hình là loạt 4 bài "Làm sao để đường sắt đô thị bớt ì ạch" của báo An ninh Thủ đô; Chùm bài về "Đường sắt đô thị" của Báo Kinh tế & Đô thị; Loạt 5 bài "Giải pháp nào giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội?" của Báo Hà nội mới…

Nhóm chủ đề thứ năm của Giải cũng nhận được số lượng các tác phẩm tham gia khá lớn. Như loạt bài 5 kỳ Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, "vẽ lại" bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ của Báo Đồng Nai; Loạt 3 bài: Những công trình từ ý nguyện lòng dân của Báo Bắc Giang; Loạt 3 bài: Động lực từ những cung đường ven biển" của Báo Sài Gòn Giải Phóng; Loạt 5 bài "Bảo tồn ga Hà Nội" của Báo Công Lý; Loạt 3 kỳ Megastory "Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang": Hiện thực hoá khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của Báo Hà Giang…

Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết: "Nếu như những năm trước, các tác phẩm phản ánh những vấn đề bất cập, điều tra tiêu cực chiếm số lượng khá lớn thì năm nay, đa phần các tác phẩm dự thi đều mang tính xây dựng và phản ánh những thành tựu đạt được của ngành GTVT".

Trải qua các vòng chấm sơ khảo, chung khảo, 28 tác phẩm nhận được đánh giá cao của Ban giám khảo đã được Ban tổ chức lựa chọn để trao giải với cơ cấu giải gồm: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 17 giải Khuyến khích (không có giải Đặc biệt).

Phát động Giải “Báo chí 80 năm ngành GTVT”

Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức cũng chính thức phát động Giải “Báo chí 80 năm ngành GTVT” với nhiều điểm mới về quy mô, cơ cấu giải thưởng: 1 giải đặc biệt, 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 30 giải Khuyến khích với tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 1,1 tỷ đồng.

Giải không chỉ dành cho báo in, báo điện tử, ảnh báo chí mà mở rộng cho tất cả các cơ quan báo chí tham gia bao gồm truyền hình, phát thanh cả Trung ương và địa phương.

Đây là dịp để ngành GTVT ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong 80 năm xây dựng và phát triển, đồng thời cổ vũ động viên người lao động tiếp tục phát huy truyền thống, chung tay phát triển ngành GTVT lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước./.

Bài liên quan
  • Ngành Bưu điện ở miền Trung và câu chuyện tăng tốc thời kỳ đổi mới
    Một giai đoạn đầy oai hùng của ngành Bưu điện, của người làm Bưu điện, trong đó có Bưu điện ở miền Trung - Tây Nguyên đã được ông Hồ Thế, nguyên Giám đốc Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ nhân dịp ngành Bưu điện nay là ngành Thông tin và Truyền thông kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tác phẩm báo chí về GTVT bám sát tinh thần làm việc "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO