Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận riêng của mình nhưng đều phải dựa vào nhân tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, để phát triển đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng cần tìm được hướng đi, giải pháp riêng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn của mình để chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhận diện năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam
Trong thời gian qua, với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện ở mức 6,8%.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng: năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia - đây là vị trí cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam phát triển không ngừng cả về hạ tầng và thị trường. Năm 2017, Việt Nam lọt vào tốp 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới với 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Mạng di động 4G được triển khai rộng khắp với hơn 40.000 trạm, phủ sóng hơn 90% dân số. Trong hệ sinh thái số, ba thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử đều có tăng trưởng vượt bậc. Doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt 67,6 tỷ USD, ngành viễn thông đạt 6,2 tỷ USD, đội ngũ nhân lực tới 781 nghìn người. Thị trường thương mại điện tử tăng 69%, đưa Việt Nam vào tốp 3 thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh. Chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 (Quyết định 844/QĐ-TTg); Chính sách khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017. Đến nay cả nước có hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh (năm 2015, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017 tăng hơn 3.000). Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 83 triệu USD.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến rất mạnh mẽ. Ngân hàng nhà nước đã chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động quản lý, kinh doanh ngành ngân hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống. Các ngân hàng thương mại cũng chủ động ứng dụng công nghệ mới như AI, BigData và dịch vụ mới như Mobile Banking, Internet Banking, Livebank247 để có thể phục vụ khách hàng mọi nơi, mọi lúc. Đến nay, có khoảng 78 công ty Fintech hoạt động tại thị trường Việt Nam, nơi được ước tính có giá trị khoảng 8 tỷ USD vào 2020.
Chủ trương ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai được Chính phủ ban hành đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Một số khu công nghệ cao được Chính phủ đầu tư để xây dựng tiềm lực KH&CN quốc gia như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư ứng dụng công nghệ, như Tập đoàn Trường Hải với nhà máy Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, Tập đoàn VinGroup đang đầu tư 4 tỷ USD vào xây dựng nhà máy VinFast. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành da giầy, dệt may - ngành có nguy cơ chịu tác động lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã bước đầu ứng dụng tự động hóa, in 3D, IoT và các công nghệ quản lý tiên tiến vào quá trình thiết kế, sản xuất.
Thực tế cho thấy, các công nghệ mới theo làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa khắp thế giới đã phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam và bước đầu có đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là kết quả từ các nỗ lực chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2017),cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các kết quả nói trên mới cho thấy tiềm năng và môi trường thể chế khá thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội. Các thách thức chúng ta phải đối mặt là rất lớn, nhất là trong điều kiện của một nước đang phát triển. Mặc dù trình độ học vấn của người Việt Nam nói chung được nâng cao, nhưng tỷ lệ lao động có kỹ năng còn thấp. Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực[1]. Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng thứ 93/127 quốc gia[2]. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD (Doanh nghiệp Kỳ Lân - Unicorn), trong khi ở khu vực Đông Nam Á có 7 doanh nghiệp loại này (Singapore: 4, Indonesia: 3). Về hạ tầng số, cả về hạ tầng thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, Việt Nam mới đang ở trình độ trung bình thế giới. Theo xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2016, Việt Nam chỉ xếp thứ 89/193 quốc gia và đứng thứ 6 ASEAN.
Gần đây, khi đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào Nhóm quốc gia sơ khởi nhưng tiệm cận rất gần với Nhóm có triển vọng cao với xếp hạng 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Điều này cho thấy, so với các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có cơ hội tốt hơn để hưởng lợi từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển bứt phá. Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, cần có giải pháp chiến lược và hành động khẩn trương để vượt qua thách thức, đồng thời, cần sự vào cuộc và chủ động ứng phó của các cơ quan chính phủ, lực lượng khoa học - công nghệ, doanh nghiệp và người dân.
Xu hướng quốc tế - cách tiếp cận của các quốc gia trên thế giới
Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) khởi nguồn từ một dự án chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức[3] từ năm 2011 nhằm máy tính hóa sản xuất công nghiệp. Đến năm 2016, khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (The Fourth Industrial Revolution)[4] được Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần đầu tiên công bố trong ấn phẩm chính thức của mình nhằm cảnh báo thế giới về sự khởi đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới với các cơ hội và thách thức vô cùng to lớn đối với các Chính phủ và các nền kinh tế.
Trong hai năm gần đây, thế giới bàn nhiều tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ xuyên ngành kỹ thuật số - vật lý học - sinh học có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Biểu hiện quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp mới là tính kết nối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, kết nối máy với máy, máy với người, kết nối người với sản phẩm, dịch vụ trong một quốc gia và xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) và Khoa học mở (Open Science) với triết lý thúc đẩy sự chia sẻ, sử dụng chung các dữ liệu thử nghiệm và thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đang trở thành một xu hướng quốc tế rộng khắp và tác động mạnh mẽ tới chính sách phát triển khoa học và công nghệ của các quốc gia.
Tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu, tầm nhìn chiến lược về phát triển công nghệ, các quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận khác nhau về Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quốc gia vốn đã phát huy được lợi thế của Cách mạng công nghiệp 3.0 như Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đều có đối sách riêng phù hợp.
Khác với Đức, Nhật Bản chọn hình thái Xã hội 5.0[5] (xã hội siêu thông minh lấy con người làm trung tâm) làm mục tiêu phát triển vì cho rằng Công nghiệp 4.0 của người Đức chỉ tập trung vào sản xuất công nghiệp, trong khi Xã hội 5.0 hướng tới sự trường thọ và chất lượng cuộc sống của con người với một hệ thống phúc lợi xã hội hiệu suất cao dựa trên nền tảng công nghệ siêu thông minh. Trong Xã hội 5.0, không gian ảo và thực được tích hợp và hiện thực hóa thông qua ứng dụng tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ robot và dữ liệu lớn. Trên cơ sở đó, hàng hóa và dịch vụ sẽ đến với mọi người vào bất kỳ thời điểm, vị trí địa lý nào không phân biệt khu vực, tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ hay các rào cản khác nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng đồng thời vẫn giải quyết được các thách thức xã hội.
Hoa Kỳ nhấn mạnh vai trò của Internet trong sản xuất công nghiệp, vì vậy thúc đẩy Internet công nghiệp kết nối vạn vật (Industrial Internet of Things). Hàn Quốc hướng tới Kinh tế sáng tạo và triển khai Chiến lược cải cách công nghiệp 3.0(ManufacturingInnovation) nhằm tập trung đưa công nghệ thông tin vào các nhà máy, từ đó, nhanh chóng xây dựng hệ thống nhà máy thông minh. Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt được ưu tiên thực hiện là: in 3D, dữ liện lớn, điện toán đám mây, hệ thống thực - ảo, các hệ thống tiết kiệm năng lượng, kỹ thuật ảnh nổi ba chiều, IoT và bộ cảm biến.
Trung Quốc thì tập trung thực hiện chiến lược Made in China 2025 (MIC 2025) nhằm định hướng cho các ngành sản xuất trong thời đại công nghiệp 4.0.MIC 2025 của Trung Quốc xác định 10 lĩnh vực trọng tâm: Công nghệ thông tin thế hệ mới; máy móc điều khiển số và rô-bốt công nghệ cao; công nghệ hàng không và vũ trụ; kỹ thuật hàng hải và công nghiệp đóng tàu biển công nghệ cao; thiết bị đường sắt tân tiến; phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ y sinh và thiết bị y tế chất lượng cao; máy móc và thiết bị nông nghiệp. Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore với những lợi thế về khoa học và công nghệ của mình đang từng bước xây dựng một quốc gia thông minh, Thái Lan xác định những mục tiêu rõ ràng và cụ thể để hướng đến nền kinh tế số.
Như vậy, khi thiết kế chính sách phát triển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, không phải quốc gia nào cũng đặt trọng tâm vào công nghiệp, nhưng tất cả đều phải dựa vào tiến bộ khoa học và công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển. Mỗi quốc gia đều chọn cho mình một con đường riêng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu và mục đích phát triển mà quốc gia hướng tới. Cách mạng công nghiệp 4.0 của nước Đức lấy mục tiêu phát triển công nghiệp làm trọng tâm (Industry 4.0), Nhật Bản hướng tới Xã hội 5.0 lấy con người làm trung tâm (Society 5.0), Hàn Quốc hướng tới Kinh tế sáng tạo (Creative Economy), Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu quốc gia (Made in China), Singapore hướng tới Quốc gia thông minh (Smart Nation),…Đối với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn, chúng ta cần đối sách phù hợp dựa trên chính nhu cầu và điều kiện của Việt Nam để hưởng lợi tối đa từ cuộc cách mạng công nghiệp mới và phát triển bền vững.
Việt Nam với Cách mạng công nghiệp 4.0: Cần tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt, khẩn trương
Để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam, tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2017, đặc biệt cần phải có “tầm nhìn chiến lược” và “bước chuyển mạnh mẽ từ nhận diện sâu sắc sang hành động quyết liệt, khẩn trương” với sự vào cuộc, chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Các giải pháp, nhiệm vụ cơ bản cần tập trung thực hiện bao gồm:
1. Về hạ tầng số và kinh tế số: Tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông có vai trò then chốt trong cách mạng công nghiệp mới; ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin. Hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trong toàn quốc; có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
2. Về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 và số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
3. Về hệ thống sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp: Phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ liên ngành và xuyên ngành ở trình độ quốc tế về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo. Tiếp tục tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Triển khai có hiệu quả Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
4. Về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao: Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có văn hóa sáng tạo và khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới. Tăng cường phát triển các môn học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp mới. Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ mới.
5. Về hợp tác và hội nhập quốc tế,thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước để có thể tham gia hợp tác đối tác bình đẳng và cùng có lợi trong dài hạn. Chủ động nghiên cứu, cập nhật các xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia trong trao đổi, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm, bài học thực tiễn về khai thác cơ hội và vượt qua thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đểvận dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; chú trọng thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035 và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, xác định rõ mục tiêu ưu tiên và các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, cần có kịch bản ứng phó với các thay đổi và giảm thiểu các tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là đối với vấn đề việc làm, cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội và quản trị nhà nước.
Là một nước đi sau với các nguồn lực vô cùng hạn hẹp, Việt Nam cần dựa vào đổi mới sáng tạo như một lợi thế cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng từ chỗ dựa chủ yếu và lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư chuyển sang dựa trên nhân tố khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao (hướng tới nền kinh tế tri thức). Đó là một xu hướng tiến bộ, nhưng ở một mức cao hơn, chúng ta cần tiếp tục hướng tới phát triển nền kinh tế dựa trên nhân tố đổi mới sáng tạo - kinh tế sáng tạo và quốc gia sáng tạo. Nếu như quốc gia khởi nghiệp khuyến khích sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nhân thế hệ mới và tinh thần doanh nhân thì quốc gia sáng tạo sẽ hướng tới sự bồi đắp nguồn vốn con người có tư duy và văn hóa sáng tạo, dũng cảm dấn thân và bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi đam mê, khát vọng, chấp nhận rủi ro và thất bại để đến đích thành công.
Trong thời đại Công nghiệp 4.0, không phải là công nghệ mà chính là vốn con người (human capital) với tư duy sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước./.
--------------------------------------------------------------------------
[1] Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
[2] Nguồn: Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017.
[3] Dự án này được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Đức và khái niệm “Industry 4.0” lần đầu được đưa ra thảo luận tại Hội chợ công nghệ Hannover năm 2011.
[4] Người sáng lập - Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cũng là người Đức và chính là tác giả cuốn “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (“The Fourth Industrial Revolution”) được WEF công bố lần đầu vào năm 2016.
[5] Theo triết lý đó, xã hội loài người đã trải qua bốn thời kỳ, xã hội săn bắn 1.0 (Hunting Society), xã hội trồng trọt 2.0 (Agrarian Society), xã hội công nghiệp 3.0 (Industrial Society), xã hội thông tin 4.0 (Information Society). Xã hội 5.0 là Xã hội siêu thông minh (Super Smart Society) khởi đầu từ thế kỷ 21, được xác định như mục tiêu phấn đấu quốc gia tại Kế hoạch cơ bản lần thứ 5 về phát triển khoa học và công nghệ của Nhật Bản.
Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ