Cần biết ký hiệu dưới đáy đồ nhựa để tránh ‘rước họa vào thân’

Hòa Lê| 21/12/2017 23:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường nhiều gia đình tái sử dụng đồ nhựa. Tuy nhiên, cách làm này lại vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Người dùng Việt thờ ơ trước chất lượng của đồ nhựa

Đồ nhựa ngày càng phổ biến trên thị trường Việt nhất là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tại chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau. Những sản phẩm này có giá khá rẻ: hộp đựng cơm, đồ ăn có giá 25.000 - 30.000 đồng/100 chiếc; thìa, chén, đĩa có giá từ 200 - 300 đồng/chiếc, ống hút nhựa giá 2.000 - 3.000 đồng/túi 50 chiếc.

Tuy nhiên, ngoài lời giới thiệu của người bán thì các sản phẩm này phần lớn không có thông tin gì về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn...

Cần biết ký hiệu dưới đáy đồ nhựa để tránh ‘rước họa vào thân’ - ảnh 1

Để tiết kiệm chi phí nhiều gia đình vẫn tái chế đồ nhựa. Ảnh: Hòa Lê

Theo khảo sát của PV, trung bình mỗi ngày, một hàng ăn bình dân có thể tiêu thụ đến hàng trăm hộp nhựa đựng cơm kèm theo thìa, ống hút. Chủ các quán cơm này cho biết, những sản phẩm dùng một lần không chỉ tiện dụng mà còn tiết kiệm được việc thuê nhân công dọn dẹp, rửa sạch. Bên cạnh đó, việc bảo quản chúng cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ mua về và sử dụng luôn nên rất tiện ích.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, nhiều cửa hàng vẫn tái sử dụng những sản phẩm này nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng.

Nguyên tắc của đồ nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm là sau lần dùng đầu tiên, đồ nhựa đó được thu lại và không được dùng để tái chế lại dùng trong công nghệ thực phẩm nói chung nữa. Nếu cứ tiến hành đựng thực phẩm trong đồ nhựa tái chế thì nguy cơ bị bệnh từ đồ nhựa là cực lớn. Vấn đề này phải được nhà nước phối hợp cục vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát gắt gao mới tránh được bệnh tật sinh ra từ mối nguy này.

Tuy nhiên, đối với khách hàng sử dụng các loại sản phẩm đồ nhựa dùng một lần, có lẽ do đã quá quen với việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần nên chẳng có ai thắc mắc hay cẩn thận yêu cầu đựng đồ ăn vào nơi khác.

Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống thuộc diện phải kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, tại Việt Nam chất lượng mặt hàng này hiện vẫn chưa được quan tâm.

Bởi vậy, để tự đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi mua đồ nhựa người dùng nên kiểm tra các mã số được in nổi dưới đáy sản phẩm. Theo chia sẻ của chị G, nhân viên bán hàng tại siêu thị Vinmart, các mã số này thường được in bên trong một hình tam giác tạo bởi ba mũi tên nối đuôi nhau, các loại nhựa được đánh số từ 1 đến 7. Các loại nhựa an toàn thường có mã 1, 2, 4, 5. Nên tránh các loại nhựa có mã 3, 6 và hầu hết các loại nhựa có mã số 7. Hạn chế tái sử dụng lại chai nhựa có mã số 1.

Mã số 1 là nhựa PET (nhựa polyethylene terephthalate) chủ yếu là các chai nước, chai dầu, chai nhựa đựng nước mắm. Loại nhựa này được đánh giá là khá an toàn và không gây ra những tác hại xấu cho sức khỏe nên có thể dùng để chứa đựng thực phẩm. Tuy nhiên các chai nhựa có kí hiệu này chỉ nên sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ C, không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe.

Số 2 là loại nhựa HDPE (High Density Polyethylene) thường là các bình sữa cho trẻ, hộp sữa chua, bình nước, chai dầu gội,… Nhựa số 2 được xem là loại dễ tái chế: các loại bút, bàn, ghế, hàng rào, và chai đựng chất tẩy rửa.

Cần biết ký hiệu dưới đáy đồ nhựa để tránh ‘rước họa vào thân’ - ảnh 3

 Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi mua đồ nhựa người dùng nên kiểm tra các mã số được in nổi dưới đáy sản phẩm. Ảnh: Hòa Lê

Số 3 là loại nhựa được làm từ polyvinyl clorua (PVC) (viết tắt là V). Loại nhựa này có thể gặp ở các sản phẩm như áo mưa, vật liệu xây dựng, mảnh nhựa hoặc hộp nhựa, màng co các loại chai, bình bằng nhựa, các loại màng plastic bọc thức ăn, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước, vỏ bọc dây cáp điện… Nhựa PVC giá rẻ, có độ dẻo cao, song chỉ chịu được 81°C. Khi phân hủy, nhựa PVC thường thải ra các hóa chất độc hại vào không khí, nước, đất. Do vậy nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và thậm chí gây ung thư.

Số 4 là loại nhựa có chứa polyethylene mật độ thấp (LDPE). Nó thường được sử dụng để làm các loại túi nhựa đựng hàng tạp hóa, giấy gói thực phẩm... Loại nhựa này được xem là khá an toàn, nhưng nó cũng không phải là đối tượng để có thể tái chế.

Số 5 là loại nhựa PP (Polypropylene) là một trong những chất dẻo an toàn và dễ tái chế chủ yếu thường gặp loại nhựa này trên các chai thuốc, chai đựng nước lọc, ống hút,…. Nhựa PP thích hợp nhất để đựng thực phẩm và ngày càng được nhiều chương trình tái chế chấp nhận. Hộp dùng trong lò vi sóng thường sử dụng loại nhựa này do khả năng chịu nhiệt lên đến 130°C.

Số 6 là nhựa PS (Polystiren) hay còn gọi là styrofoam hoặc được gọi là xốp. Nhựa số 6 được sử dụng để làm ra các ly, hộp, đĩa thức ăn nhanh (dùng 1 lần rồi bỏ) hay các hộp thức ăn mang về. Chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh cao. Tuy nhiên, khi ở nhiệt độ cao, loại nhựa này lại phát sinh các chất hóa học độc hại.

Hầu như không có bất cứ loại đồ nhựa gia dụng nào mang nhãn số 7. Loại nhựa này đa phần chỉ được sử dụng trong công nghiệp, từ vỏ máy điện thoại, máy tính... Rất khó để tái chế nhựa số 7 và các chương trình tái chế đều không chấp nhận loại nhựa này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần biết ký hiệu dưới đáy đồ nhựa để tránh ‘rước họa vào thân’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO