Cần có cơ chế hỗ trợ về thuế và nhân sự cho các startup

Hoàng Linh| 22/12/2022 06:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Để định hướng phát triển các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam, đặc biệt là các DN kỳ lân Việt Nam đến năm 2030, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường cho DN đóng vai trò quan trọng.

Đã có nhiều chính sách phát triển thị trường và sản phẩm được xây dựng

Việt Nam đã xây dựng được nhiều cơ chế chính sách phát triển thị trường và sản phẩm công nghệ số như Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2025, quy định đầu tư cho R&D, các cơ chế về ưu đãi thuế, tín dụng cho DN… nhằm tạo tiềm lực để hỗ trợ phát triển thị trường và sản phẩm cho DN.

Phát biểu tại Hội thảo phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam chủ đề phát triển sản phẩm và thị trường cho DN công nghệ số chiều 21/12, ông Chu Quang Thái, Trung tâm ĐMST, Cục Phát triển thị trường và DN KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Chúng ta cơ bản có đầy đủ chính sách từ trung ương đến địa phương, quyết liệt, hiệu quả, nhanh từ Luật, Nghị định đến Thông tư, trong đó có Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 là quyết định phổ quát, đề cập đến nhiều đến công nghệ số, chuyển đổi số.

Ngoài ra, còn có các quyết định khác, trong đó có Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, trong đó đề xuất phát triển các công nghệ tiên phong, công nghệ mới, công nghệ cao là những hành lang để phát triển các công nghệ số như blockchain, AI, IoT, 3D, bảo mật… nhưng xu thế của thời đại là sáng tạo mở (open innovation).

ĐMST mở là việc một tổ chức thực hiện một trong hoặc sự kết hợp của ba cơ chế để tạo ra kết quả ĐMST và giá trị cho tổ chức: tiếp nhận nguồn tri thức, ý tưởng, công nghệ từ bên ngoài tổ chức để kết hợp với nguồn lực nội bộ; thương mại hóa các nguồn tri thức, ý tưởng, công nghệ ra bên ngoài; kết hợp với các đối tác bên ngoài (hợp tác, đầu tư…) để cùng nhau đồng sáng tạo, đồng phát triển những ĐMST.

Cơ hội vàng cho các DN công nghệ số

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Edmicro, chuyển đổi số (CĐS) vốn được các nước và khu vực đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã nêu bật và khẳng định tính tất yếu của xu hướng này. Tại Việt Nam, trước khi đại dịch xuất hiện, CĐS đã diễn ra tại hầu hết các loại hình DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, giao thông, du lịch... mở ra một thị trường khách hàng tiềm năng cho các DN công nghệ, tuy nhiên, tốc độ triển khai chưa cao (nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới).

Đại dịch bùng phát đã khiến nhiều hoạt động kinh tế xã hội tê liệt, buộc phải dùng đến các nền tảng trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ công tác truy vết y tế… Như vậy, COVID-19 đã trở thành là một cú hích thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.

Trong năm nay, định hướng xuyên suốt về CĐS của Bộ TT&TT là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của CĐS. Theo các DN và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report, đây là một trong ba động lực chính để phát triển ngành CNTT Việt Nam trong một vài năm tới.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN số, ông Quế cho biết cần hoàn thiện các hành lang pháp lý và hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho các startup; có chính sách cụ thể hỗ trợ startup có nhiều cơ hội tiếp xúc và gọi vốn, giúp nhà đầu tư, quỹ đầu tư được tiếp xúc với các start-up tiềm năng từ các lĩnh vực, các giai đoạn khác nhau từ đó hình thành cầu nối và liên kết giữa các startup và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ về thuế cho startup và nhân sự làm trong các công ty startup; xây dựng cơ chế hỗ trợ startup phát hành trái phiếu DN, hỗ trợ quá trình kêu gọi vốn và tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tập trung phát triển DN công nghệ số Make in Viet Nam lớn mạnh

Với với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ 4.0 như AI, IoT, blockchain,… các nước lớn trong khu vực và trên thế giới đều có những chiến lược và chính sách để phát triển kỳ lân công nghệ, coi đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế số.

Việc phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam cũng nằm kế hoạch triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam trong đó tập trung vào phát triển DN công nghệ số lớn mạnh Make in Viet Nam, đủ sức cạnh tranh các nước trong khu vực, khai thác thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường,... và vươn ra thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT cho biết "kỳ lân" là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 để mô tả công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD. Việt Nam đã có một số kỳ lân. Trên thế giới, có các quốc gia phát triển thúc đẩy kỳ lân như Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Trung Quốc…

Việt Nam cũng có những kỳ vọng và có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam, trong đó đặc biệt phát triển 4 loại hình DN công nghệ số. Bên cạnh đó là các quy định về đầu tư, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa có những chính sách ưu đãi cho DN startup, DN công nghệ hoặc các chính sách mua sắm công tạo thuận lợi cho các DN công nghệ Việt Nam tham gia vào mua sắm công… Tuy nhiên làm sao để phát triển thị trường, sản phẩm số cần có nhiều đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách, chương trình, giải pháp thúc đẩy.

Giải thưởng Make in Viet Nam do Bộ TT&TT tổ chức thường niên trong 4 năm qua là dịp để lựa chọn, khuyến khích các DN sáng tạo sản phẩm công nghệ số có hiệu quả và đã có tiếng vang, tạo được sự kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp CNTT và hỗ trợ DN đến được với khách hàng tiềm năng như các ngành y tế, giáo dục, các địa phương./.

Bài liên quan
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế hỗ trợ về thuế và nhân sự cho các startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO