Cần giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền tảng số
Người dùng Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền tảng số đối với các dịch vụ quan trọng trong cuộc sống.
Ngày 05/3 vừa qua một sự cố bất ngờ đã xảy ra khi các dịch vụ của hãng công nghệ Meta bao gồm: Facebook, Instagram, Threads đều đồng loạt ngừng hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Chưa thấy dấu hiệu bị tấn công
Theo thống kê, Meta có khoảng 3,19 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày trên các ứng dụng của mình, bao gồm cả WhatsApp và Threads. Giao diện lập trình ứng dụng cho WhatsApp Business cũng gặp vấn đề vào thời điểm sự cố xảy ra.
Và vào khoảng thời gian được xác định trên, số người dùng dịch vụ Meta Quest VR thực sự cũng không vào được các ứng dụng để dùng, và mọi hoạt động chỉ được trở lại sau khoảng 02 tiếng sau.
Trước sự cố bất ngờ này, về phía đại diện của Meta đã lên mạng xã hội (MXH) X (Twitter), xác nhận nguyên nhân đây là sự cố kỹ thuật, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Và cũng với vai trò là cơ quan giám sát độc lập, đưa ra đánh giá, Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng của Mỹ cũng cho biết, đơn vị khi theo dõi không nhận thấy bất kỳ hoạt động, dấu hiệu bị tấn công mạng diện rộng.
Báo cáo từ Bộ TT&TT cũng cho biết, đây không chỉ là lần đầu tiên các nền tảng của Meta bị sự cố tấn công, mà trước đó (năm 2021), hệ thống này cũng bị gián đoạn kéo dài gần 6 tiếng. “Ngoài ra, điều đáng buồn ở sự cố lần này, cổ phiếu của Meta đã giảm gần 2% ngay trong phiên giao dịch ngày 5/3”.
Bên cạnh đó, tâm lý ở hầu hết người dùng các nền tảng MXH nếu gặp các sự cố bất ngờ sẽ hoang mang, lo sợ bị mất tài khoản. Do đó, nếu mất tài khoản sẽ không truy cập được các dịch vụ khác dẫn đến gián đoạn hàng loạt các công việc, thậm chí có những dịch vụ trọng yếu trong cuộc sống hàng ngày như kinh doanh, giao tiếp với đối tác, các dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, sự biến mất đột ngột của một nền tảng số sẽ tạo ra một lỗ hổng trong cuộc sống của người dùng. Và thông thường, sự biến mất của một nền tảng MXH diễn ra một các từ từ và do sự cạnh tranh của các nền tảng khác, do người dùng dần rời bỏ.
Hơn nữa, ở góc nhìn khác, có thể sẽ xuất hiện hiện tượng lừa đảo trực tuyến ăn theo trào lưu sự cố của Meta. Sự cố này cũng đem lại cơ hội cho các nền tảng MXH khác, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội Việt Nam.
Đưa ra con số so sánh về tỷ trọng người dùng và các cơ hội phát triển cho các nền tảng MXH khác, Trung tâm thông tin - Bộ TT&TT tổng hợp cho biết, qua theo dõi, lượng truy cập vào Zalo tại thời điểm xảy ra sự cố, có lưu lượng truy cập tăng đột biến, gấp hơn 2 lần so với lưu lượng ban ngày (thông thường, vào thời điểm 10 giờ tối thì lưu lượng truy cập sẽ giảm bằng một nửa so với ban ngày).
“Các sự cố tương tự đối với các nền tảng số quốc tế cũng như sự cố đứt cáp quang ngoài những ảnh hưởng tiêu cực thì phần nào cũng là cơ hội cho các nền tảng số Make in Viet Nam, cơ hội để thúc đẩy phát triển Cloud in Viet Nam”, theo Bộ TT&TT.
Ở góc nhìn lợi ích lâu dài, theo Bộ TT&TT, việc các cơ quan báo chí, truyền thông phụ thuộc vào một nền tảng truyền thông duy nhất là rất rủi ro, không chỉ rủi ro về việc phụ thuộc vào quyền định đoạt của nền tảng mà rủi ro khi nền tảng đó bị sự cố.
Do đó, hiện nay, Bộ TT&TT đã phát triển đều các kênh truyền thông trên cả Facebook, Zalo, Tiktok và tiếp tục phát triển mạnh trên các nền tảng Youtube, Instagram trong thời gian tới.
Qua sự cố này, Bộ TT&TT nhấn mạnh đây chính là bài học rất lớn cho các nền tảng số Việt Nam có nhiều người dùng. Đặc biệt là những nền tảng đa dịch vụ như Zalo, VNeID gắn liền với cuộc sống hàng ngày của nhiều triệu người dân.
Cần thúc đẩy phát triển mạnh nền tảng số Make in Viet Nam
Để đảm bảo, bảo vệ an toàn, ổn định hệ thống các nền tảng MXH, nhất là đối với người dùng Việt Nam hiện nay, các đơn vị chuyên môn được yêu cầu tiếp tục tuyên truyền đến người dân để giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền tảng số đối với các dịch vụ quan trọng trong cuộc sống.
Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn được đề xuất gửi cảnh báo đến các nền tảng số có nhiều người dùng, cung cấp các dịch vụ gắn liên với cuộc sống hàng ngày của người dân như Zalo, VNeID, VSSID,… để luôn sẵn sàng các phương án dự phòng, bảo đảm ổn định dịch vụ.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích để khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng Make in Viet Nam; các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh, phổ biến các kiến thức về cách phòng vệ, xử lý trong các tình huống tương tự; các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh nền tảng số Make in Viet Nam./.