Cần tăng cường an toàn cho các nhà báo để báo chí phát triển bền vững

Thu Hiền| 29/11/2017 16:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị thường niên lần thứ III do RED phối hợp với Bộ các vấn đề toàn cầu của chính phủ Canada (GAC) và UNESCO tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi chống nhà báo.

Sáng nay 29/11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội nghị thường niên 2017 với chủ đề: Báo chí với phát triển bền vững, nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi chống nhà báo. Đây là Hội nghị thường niên lần thứ III do RED phối hợp với  Bộ các vấn đề toàn cầu của chính phủ Canada (GAC) và UNESCO tổ chức.

Đại diện các tổ chức quốc tế và Việt Nam trao đổi với các nhà báo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, nhà báo, chuyên gia báo chí truyền thông đến từ các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo nghiên cứu báo chí, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị bà Kate Reekie, Tham tán phụ trách các chương trình hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada bày tỏ niềm vinh dự của Canada được hỗ trợ tổ chức RED Communication trong những nỗ lực cải thiện sự an toàn của nhà báo và hiệu quả hoạt dộng của báo chí bằng việc phối hợp cộng tác với Hội Nhà báo Việt Nam, Mạng lưới nhà báo và Liên minh Báo chí Đông Nam Á.

Tại Hội nghị, ông Michael Croft, Trưởng văn phòng UNESCO Việt Nam cho biết chỉ riêng năm 2016, 102 nhà báo và nhân viên báo chí bị giết hại trên toàn thế giới, chỉ vì họ làm nhiệm vụ cung cấp thông tin công chúng và trong vòng 11 năm qua tổng số nhà báo bị giết hại với tổng số trên 900 người. Nhiều nhà báo khác hàng năm tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như sự kiểm duyệt gắt gao, áp lực, bị đe dọa, bị lạm dụng về thể chất, bị tấn công, quấy rối tình dục, bắt cóc, giam giữ, bị phá hủy thiết bị và ngược đãi. Việc miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi chống nhà báo đã trở nên phổ biến. 9 trong 10 trường hợp, những kẻ vi phạm không hề bị trừng phạt, chỉ có 8% trong số 827 vụ giết hại nhà báo từ năm 2006 đến năm 2015 được xử lý.

Ông Michael Croft - Trưởng văn phòng UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Michael cũng cho biết thêm Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã hợp tác cùng UNESCO nâng cao nhận thức của các nhà báo truyền thông và các cơ quan thực thi pháp luật về các văn bản pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến sự an toàn của các nhà báo và nâng cao năng lực của các cán bộ thực thi pháp luật đảm bảo nhà báo được làm việc trong một môi trường an toàn và những kẻ vi phạm phải được đưa ra trước công lý.

Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các mục tiêu Phát triển Bền vững đề ra 16 mục tiêu khắc nhau nhằm kêu gọi hòa bình, hòa nhập các xã hội và thể chế khác nhau một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Để thực hiện hóa mục tiêu này, ông Michael kêu gọi các nhà báo, lực lượng an ninh, cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức quốc gia và quốc tế có liên quan cùng nhau tăng cường sự an toàn của các nhà báo và chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi chống nhà báo như trợ lý Tổng giám đốc UNESCO ông Frank la Rue đã nói: Chỉ khi các nhà báo làm việc trong một môi trường an toàn và độc lập, họ mới có thể cung cấp thông tin một cách tự do cho người dân tiếp cận, có như vậy mới đạt được phát triển bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường an toàn cho các nhà báo để báo chí phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO