Cần tăng cường hỗ trợ các em học sinh phân biệt thật giả trên không gian mạng

Minh Thiện| 21/03/2019 09:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi không gian mạng ngày càng ảnh hưởng sâu vào đời sống, việc nhận biết những thông tin nào đáng tin cậy và thông tin nào là giả mạo đang trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt với các em học sinh.

Khi phương tiện truyền thông, mạng xã hội ngày càng trở thành môi trường chính để tìm kiếm và thu nhận thông tin trong giới trẻ thì kĩ năng nhận biết, bóc tách thông tin đáng tin cậy (FACT - sự thật) khỏi những thông tin không đáng tin cậy (FAKE - giả mạo) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Để giúp các bạn trẻ có những kiến thức và kĩ năng sử dụng, truy cập vào các công cụ kiểm tra thông tin thích hợp, ngày 20/03/2019, hoạt động bên lề Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 - VIF 19, hơn 200 bạn học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội cùng tìm hiểu tại buổi hội thảo với chủ đề “Công dân số có trách nhiệm - Giả mạo ≠ Sự thật - Đánh giá thông tin trong lớp học”.

Toàn cảnh Hội thảo

Đây là hội thảo do Đại sứ quán Thuỵ Điển, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) phối hợp tổ chức tập huấn cho học sinh và giáo viên những kỹ năng của một công dân số có trách nhiệm.

Bà Victoria Rhodin Sandstrom, Phó đại sứ Thuỵ Điển tại Việt nhấn mạnh: “Sử dụng Internet mở ra cho chúng ta vô vàn những cơ hội khi tiếp cận các nguồn tin đa dạng. Tuy nhiên, ở Thụy Điển và ở các quốc gia khác trên toàn thế giới, chúng ta cần trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để có thể phân biệt được những nguồn thông tin đáng tin cậy với các nguồn tin giả.

Chúng ta cần khuyến khích các em học cách đặt câu hỏi và phát triển tư duy phản biện đối với những thông tin mà các em tiếp nhận. Tôi hy vọng rằng các em học sinh, thông qua buổi hội thảo tập huấn ngày hôm nay, sẽ được trang bị tốt và sẵn sàng tiếp nhận vô vàn những cơ hội mà Internet mang lại. Bởi vì, điều quan trọng là không được “ngây thơ” khi sử dụng Internet. Tôi tin rằng niềm tin và trí tò mò cùng với tư duy phản biện chính là những yếu tố thúc đẩy sự đổi mới và phát triển xã hội”.

Đại sứ quán Thụy Điển hy vọng cung cấp một bộ công cụ quan trọng và mang tính truyền cảm hứng nhằm giúp cho các giáo viên cấp tiểu học có thể triển khai những bài học về chủ đề này theo cách tương tác, hấp dẫn và có hệ thống ngay tại các lớp học.

Ông Andreas Mattsson, Giám đốc Chương trình Trường Báo chí, Đại học Lund Thuỵ Điển chia sẻ: Internet là nguồn tài nguyên tuyệt vời, cho cả người lớn và các bạn trẻ. Internet có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như giáo dục, truyền thông và các hoạt động giải trí. Trẻ em vốn sinh ra với sự hiếu kì, mong muốn tìm tòi và theo tôi điều này nên được khuyến khích. Môi trường trực tuyến cung cấp một cơ hội tuyệt vời để giao lưu với bạn bè, cập nhật kiến thức và kết nối thế giới.

Tuy nhiên, ở Thụy Điển, Việt Nam và trên toàn thế giới, chúng ta cần cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để tách thông tin đáng tin cậy khỏi thông tin không đáng tin cậy. Chúng ta cần khuyến khích, trang bị khả năng tự đặt câu hỏi về việc thông tin đến từ đâu, chúng có đáng tin cậy không nhằm giúp các em tối đa hóa những lợi ích của khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet.

Tại buổi hội thảo, tài liệu giáo dục về “Giả mạo ≠ Sự thật” chủ yếu dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được giới thiệu.

Anh Andreas Mattsson hướng dẫn các em học sinh cách nhận biết thông tin trên mạng

Tài liệu xoay quanh quá trình trang bị tư duy phê phán nhằm đánh giá một nguồn thông tin và những kỹ năng giúp giải mã thông tin. Tài liệu được chia thành ba phần riêng biệt nhưng có liên kết với nhau.

Phần một tập trung về đánh giá nguồn thông tin, gồm có bài giảng ngắn kèm theo thực hành cho học sinh.

Phần hai là sự kết hợp giữa các hướng dẫn và bài tập liên quan đến hoạt động truyền thông dẫn dắt, bao gồm khả năng xem xét, phân tích, giải mã các kỹ thuật liên quan đến ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, để thúc đẩy quan điểm theo một chiều hướng cụ thể.

Phần ba khuyến khích, hướng dẫn các bạn học sinh thực hành bắt tay làm một bộ phim tuyên truyền sử dụng các công cụ có sẵn như điện thoại di động thông minh kết nối internert.

Tài liệu “Giả mạo ≠ Sự thật” được biên soạn và phát triển bởi các cơ quan Thụy Điển như Viện Thụy Điển, Hội đồng Truyền thông Thụy Điển, Quỹ Internet Thụy Điện và sáng kiến The Viral Scrutinee của Báo Metro.

Rất đông các bạn học sinh tham gia chia sẻ thông tin và thảo luận tại Hội thảo 

Anh Andreas Mattsson cùng các em học sinh sôi nổi thảo luận tại Hội thảo

Nhờ có Internet, thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng và truyền thông xã hội ngày càng trở thành một nguồn tin quan trọng hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin đối với những người trẻ. Việc hiểu về các nguồn tin và kỹ năng phân biệt nguồn tin thật – tin giả vì thế ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Để làm được điều đó, yêu cầu một người cần có kiến thức và các công cụ cần thiết giúp kiểm chứng thông tin phù hợp.

Việc dạy về những đặc tính của Internet cũng như những rủi ro khi sử dụng Internet cũng đã được lồng ghép vào các nội dung giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, phần nội dung về tin giả - tin thật chưa thực sự được đào sâu. Các bài giảng chỉ mới tập trung vào việc giúp các em xác định các nguồn tin chính thống.

Tại Hội thảo, các bạn học sinh và giáo viên có cơ hội tìm hiểu về Internet với các đặc tính đầy đủ của nó; sự hỗn loạn thông tin trên Internet và yêu cầu cần có kỹ năng và tư duy phản biện để phân biệt tin giả - tin thật; hay thế nào Quan hệ công chúng - Tuyên truyền;…

Sau buổi hội thảo, các giáo viên được tập huấn cũng sẽ tập huấn lại cho các giáo viên khác trong trường của mình và xây dựng các chương trình cụ thể để giảng dạy những nội dung về an toàn khi dụng Internet cho các lớp học.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường hỗ trợ các em học sinh phân biệt thật giả trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO