Cần tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền số quốc gia

04/11/2015 07:12
Theo dõi ICTVietnam trên

“Trong một thế giới kết nối như hiện nay, bên cạnh 4 trụ cột về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp và ứng dụng thì ATTT thực sự có thể coi là trụ cột thứ 5 hay là bức tường rào bảo vệ cho ngôi nhà số…”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhận xét tại Lễ khai mạc hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2011 vừa được Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Trung tâm Ứng cứu Máy tính Khẩn cấp Việt Nam (VNCERT) tổ chức tại Hà Nội.

Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT nếu không xây dựng được một nền tảng CNTT an toàn và hiệu quả. Trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện Ngày ATTT 2011, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, cho biết:“Trong một cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có nói: Bảo vệ an toàn thông tin cũng giống như bảo vệ chủ quyền an ninh của đất nước. Điều đó chứng tỏ nhận thức của chúng ta đang phát triển theo chiều hướng tốt và từ đó sẽ có những triển khai cụ thể trong vấn đề này”.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công an, các cuộc tấn công mạng trong năm 2011 cho thấy tội phạm mạng đang tiếp tục nâng cao khả năng triển khai tấn công, bao gồm cả việc “sản phẩm hóa” và bổ sung thêm nhiều tính năng vào các mã độc nhằm tấn công vào những đối tượng cụ thể. Các việc làm này thực chất đã "đụng" đến vấn đề rất nhạy cảm của 1 quốc gia là" chủ quyền số". Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng 3G, dẫn đến nguy cơ mất ATTT tăng gấp đôi.Vấn đề an ninh mng đang trở nên hiện hữu, ảnh hưởng sâu rộng, tác động đến các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia. Đảm bảo an ninh mạng đang là vấn đề sống còn của các quốc gia trên thế giới.

Các hệ thống thông tin của Việt Nam trong năm 2011 cũng bị một số cuộc tấn công từ hacker. Điển hình như tháng 6/2011, hơn 275 website của Việt Nam đã bị tấn công trong vòng nửa tháng, trong đó có khoảng 70 website là của các cơ quan nhà nước. Các hình thức tấn công bao gồm tấn công từ chối dịch vụ, tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy dữ liệu hoặc thâm nhập hệ thống, thay đổi nội dung website,… Tình hình đó đã cho thấy các website của Việt Nam còn nhiều sơ hở về bảo mật và công tác đảm bảo an ninh cho các hệ thống thông tin của Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. TS Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VNISA nhận định, năm 2011 là sự bắt đầu của giai đoạn mới, một năm nhiều biến động với các tấn công có thật, nguy hiểm thật và không còn xa lạ nữa. Các doanh nghiệp lo ngại trong bối cảnh chi tiêu giảm thì nhận thức về ATTT có thể tăng nhưng chưa thực thi được nhiều như mong đợi. Tất cả đều trông chờ vào những biện pháp thực thi hạ tầng kỹ thuật tầm quốc gia.

Có lẽ, từ những nguyên nhân này, sự kiện thườngniên Ngày ATTT Việt Nam 2011 lần thứ tư đã lấy chủ đề “An toàn thông tin số – Nền tảng bền vững của một nước mạnh về CNTT”. Nội dung chính của các phiên hội thảo đề cập đến vai trò của ATTT trong lộ trình “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Các cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ về các kinh nghiệm, khuyến nghị trong việc đảm bảo ATTT trong hội nhập và phát triển, các vấn đề như phát triển hạ tầng công nghệ an ninh bảo mật, các giải pháp ứng dụng mới nhất, các vấn đề thời sự cấp bách nhằm nâng cao nhận thức và cảnh báo về ATTT cũng sẽ được đưa ra bàn thảo.

Tiếp đó là một báo cáo quan trọng được đông đảo cộng đồng CTTT đón đợi là Báo cáo chính của VNISA – Công bố kết quả điều tra tình hình ATTT trong các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam 2011 của ông Vũ Quốc Thành – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam, các cảnh báo sẽ được VNISA đưa ra thông qua những con số thống kê được công bố trong báo cáo này.

Ông Lê Danh Cường – Cục trưởng cục 42 – Tổng cục 5 - Bộ Công An với những nhận định về vấn đề an ninh “phi truyền thống” qua nội dung “An toàn về thông tin mạng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia”.Ông Vũ Quốc Khánh – Giám đốc VNCERT chia sẻ cụ thể hơn “Về triển khai các văn bản pháp luật ATTT số quốc gia năm 2011 và những năm tiếp theo”.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao ngân sách cho ATTT bị thu hẹp thì việc tối ưu hóa được các lợi ích trong đầu tư cho ATTT luôn được các doanh nghiệp quan tâm, ông Ngô Việt Khôi – Giám đốc kinh doanh Trend Micro Việt Nam sẽ chia sẻ qua tham luận “Tối giản chi phí và tối đa hệ số đầu tư trong môi trường ảo hóa”. Một đại diện đến từ Châu Âu, ông Peter Papp - Chủ tịch Securityangel.com với bài “Hacktivity và an ninh thông tin tại Châu Âu”.

Nhận thức được việc mất ATTT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ khách hàng như ngân hàng, viễn thông, ban tổ chức năm nay vẫn tiếp tục duy trì hai phiên hội thảo chuyên sâu về đảm bảo ATTT cho ngân hàng và viễn thông.

Phiên hội thảo ATTT trong hệ thống Ngân Hàng có chủ đề: Bảo đảm ATTT cho trang thông tin điện tử và Internet Banking do Cục Công Nghệ Tin Học – Ngân Hàng Nhà Nước chủ trì. Ông Thái Dũng – Phó cục trưởng - Cục Công Nghệ Tin Học – Ngân Hàng Nhà Nước công bố về các “Quy định an toàn bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet”. Các chuyên giaATTT tại các ngân hàng lớn đã chia sẻ những kinh nghiệm bảo mật dựa trên các công nghệ tiến tiến nhất để đảm bảo các hoạt động giao dịch ngân hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp, thiết bị cho ngành ngân hàng đã đưa ra những chiến lược, giải pháp an toàn thông tin đối phó với những mối đe dọa mới. Những giải pháp này giúp đưa ATTT trở thành lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng. Các doanh nghiệp này cũng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thiết yếu trong quá trình triển khai bảo mật hạ tầng và công nghệ trong hệ thống ngân hàng.

Phiên hội thảo ATTT Viễn thông với chủ đề: Đảm bảo ATTT cho thế giới 3G do lãnh đạo Cục Viễn Thông - Bộ TT&TT chủ trì. Tuy đây là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn nóng bỏng khi con người ngày càng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào thế giới thông tin di động. Nội dung này cảnh báo thực trạng của việc lừa đảo qua mạng, nêu bật vai trò của truyền thông trong việc phát hiện tội phạm mạng. Các diễn giả cũng đưa ra những giải pháp bảo đảm ATTT khi sử dụng các thiết bị di động trong xu thế phát triển mạnh của các dòng sản phẩm tích hợp nhiều tính năng và phần mềm tương tác.

Tình hình an ninh mạng trong nước cũng như trên thế giới trong năm 2011 và những năm tiếp theo được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với việc hàng loạt các trang web tấn công, chiếm đoạt tên miền, các thông tin, dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, các biến thể virut mới. Những thông tin hữu ích từ ngày ATTT Việt Nam 2011 đã mang lại cho cộng đồng CNTT một cái nhìn toàn cảnh về ATTT Việt Nam và thế giới, tình hình trực tế cũng như các nguy cơ và thách thức để từ đó có định hướng đúng đắn cả về nhận thức và mức độ đầu tư để đảm bảo ATTT cho các tổ chức doanh nghiệp trong tình hình mới. Rõ ràng, cần phải tăng cường năng lực bảo vệ “chủ quyền số quốc gia” đang là vấn đề bức thiết để đảm bảo cơ hội phát triển nhanh và bền vững của toàn ngành CNTT&TT trong thời kỳ mới.

Mạnh Vỹ

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO