Sự kiện do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc điều hành và Giám đốc CNTT (CEO&CIO Club) tổ chức. Với sự bảo trợ và phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Châu Âu, Úc, Anh, Singapore, Ý, Malaysia, cùng với hơn 200 nhà lãnh đạo là đại diện bộ ban ngành chính phủ và doanh nghiệp. CEO World Forum, tiền thân là Business Leaders Bridge Forum, là cầu nối thông tin cho các lãnh đạo cùng trao đổi chia sẻ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và gắn kết lâu dài nhằm xây dựng định hướng cho nền kinh tế hướng đến sự phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong lời phát biểu tại phiên khai mạc
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong lời phát biểu tại phiên khai mạc, nhận xét: “Năm 2011, “điểm sáng” không lóe lên qua các con số mà điều quan trọng hơn là đã chuẩn đoán chính xác căn bệnh cấp tính lẫn mãn tính của nền kinh tế, đồng thời đưa ra được những phác đồ điều trị về đại thể là chuẩn xác.
Đối với căn bệnh cấp tính là lạm phát cao, kéo dài trong 3 – 4 năm qua đã sử dụng liệu pháp “giải phẫu” bằng thặt chặt tiền tệ và cả tài khóa... Đối với căn bệnh mãn tính là kinh tế không hiệu quả và thiếu bền vững đã “kê đơn thuốc” tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trước mắt là tái cấu trúc tập đoàn và tổng công ty cũng như hệ thống ngân hàng thương mại.
Những căn bệnh nói trên và quá trình chữa trị chúng đều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Tôi rất thích thú khi thấy Diễn đàn chọn chủ đề: "Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững" vì nó trúng với yêu cầu nóng hổi của tình hình.”
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc, IDG ASEAN, đồng sáng lập và chủ tịch CLB CEO&CIO, trong diễn văn khai mạc, cho biết: Năm 2011 vừa qua là một năm đầy những biến động lớn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm chỉ còn 3% thay vì 3.6% trước đó. Mỹ và cộng đồng châu Âu – 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục sa lầy vì những khoản nợ công khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao. Kinh tế Việt Nam cũng có một năm sóng gió khi Nhà nước liên tục phải đưa ra những biện pháp mạnh tay để duy trì lãi suất, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ và bình ổn tỷ giá. Chỉ số lạm phát trong năm 2011 của Việt Nam trên 18%, vượt xa ngưỡng mục tiêu 7% mà Quốc hội đề ra năm 2010. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9/2011 có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, so với năm ngoái, con số này đã tăng lên tới 11.000 doanh nghiệp.
Tình hình kinh tế khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp rất nhiều thách thức lớn. Những quy định về trần lãi suất gắt gao càng khiến cơ hội tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn hơn, cùng với diễn biến tỷ giá phức tạp và động thái thắt chặt cơ chế quản lý ngoại tệ, doanh nghiệp và bản thân lãnh đạo mỗi doanh nghiệp đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Có nên tiếp tục theo đuổi những mục tiêu dài hạn để mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường mới, hay nên tạm thời dừng lại, tập trung và những mục tiêu trước mắt để đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định thị phẩn?Rủi ro luôn là điều mà bất kì một doanh nghiệp hay CEO nào, dù tầm cỡ đến đâu cũng phải e ngại, nhưng trong rủi ro luôn có phần trăm của cơ hội, vậy làm thế nào để doanh nghiệp và CEO nhận ra và chớp lấy cơ hội ấy? Với nguồn nhân lực và nguồn vốn sẵn có, làm thế nào để CEO có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đứng vững trước những sóng gió, chủ động đi trước đón đầu những chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước, khẳng định được vị trí của mình và bứt phá phát triển trong tương lai?
CEO World Forum 2012 với chủ đề “Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng phát triển bền vững” chính là nơi mà các lãnh đạo doanh nghiệp có thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề của chính mình. Một mô hình kinh doanh bền vững phải hội tụ bởi bốn yếu tố: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở tạo dựng và quyết định mô hình kinh doanh cũng như nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể định hướng điều hành, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển; Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ngân sách đầu tư trong và ngoài nước làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp; Sự điều phối nền kinh tế bằng chính sách và khung hành lang pháp lý của chính phủ giúp cho doanh nghiệp hoạt động một cách thuận lợi và ổn định. Đây cũng chính là các yếu tố mà hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đang áp dụng hiện nay.
Tại phiên thảo luận toàn thể về “Kinh nghiệm từ mô hình kinh doanh thành công tại các nước”, các diễn giả đã trung bàn thảo bài học từ các mô hình kinh doanh thành công trong việc mang lại lợi nhuận khi kinh tế đang suy thoái và khó khăn với sự tham gia đối thoại của các lãnh đạo, chuyên gia nước ngoài đến từ các tổ chức lớn.
Phiên báo cáo chính với nội dung “Nhận định nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015” đã đánh giá tổng quan về hiện trạng nền kinh tế trong nước và những xu hướng thay đổi trong thời gian sắp tới sẽ được tóm lược và phân tích qua các bài báo cáo chuyên sâu của các diễn giả là những chuyên gia kinh tế và doanh nhân hàng đầu. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng trình bày về các cơ hội đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam và cách thức để các doanh nghiệp có thể duy trì và ổn định hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Các báo cáo chính tập trung vào việc cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, bàn thảo về các vấn đề cấp thiếtvà trọng tâm hiện nay như:Đánh giá biến động tài chính tiền tệ trong giai đoạn vừa qua; Thu hút và giữ chân nhân tài sau tái cấu trúc cho khối doanh nghiệp nhà nước; Sức mua và tâm lý tiêu dung trong thời kỳ lạm phát cao; Quản trị rủi ro trong hoạt động Doanh nghiệp; Cách thức để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đối phó với các doanh nghiệp lớn.
Phát triển bền vững là xu thế phát triển tất yếu của thời đại và đây cũng là mục tiêu chính của bất kỳ quốc gia nào. Để có nền kinh tế bền vững, mỗi quốc gia phải tập trung và dựa vào bốn trụ cột chính giúp cho các khối doanh nghiệp phát triển và hội nhập toàn cầu: Phát triển nguồn tài nguyên quốc gia; Tận dụng nguồn nhân lực cấp cao; Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và ngân sách trong và ngoài nước; Minh bạch chính sách quản lý vĩ mô cũng như khung hành lang pháp lý của Chính Phủ. Các phiên thảo luận chuyên đề bám sát những nội dung này
Với chủ đề mới mẻ, thiết thực cùng hình thức tổ chức các phiên báo cáo xen lẫn thảo luận cởi mở, mang tính tương tác cao, CEO World Forum 2012 đãchia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác cho các lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý điều hành, tài chính, marketing và nhân lực cũng như làm cầu nối giao lưu giữa đại diện các cơ quan, ban, ngành chính phủ, học giả, các chuyên gia kinh tế của các tổ chức tài chính, tổ chức nghiên cứu kinh tế, tư vấn và các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Mạnh Vỹ