Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Tóm tắt:
- Quan điểm về báo chí kinh tế:
+ Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp (DN), không chỉ cung cấp thông tin.
+ Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ DN trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
+ Phản ánh nhu cầu và ý kiến của DN một cách trung thực để định hướng chính sách.
- Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin:
+ Đào tạo và nâng cao nhận thức chính trị, xã hội cho phóng viên (PV), biên tập viên (BTV).
+ Thiết lập quy trình biên tập khoa học: Từ kế hoạch chọn đề tài đến biên tập nội dung.
+ Khuyến khích và đãi ngộ PV để nâng cao chất lượng thông tin.
+ Tăng cường sự giám sát và đánh giá các bài viết về tính chính xác và phù hợp với tôn chỉ báo chí.
+ Nâng cao cơ sở vật chất và công nghệ: Phát triển hạ tầng báo chí, công nghệ thông tin (CNTT).
+ Thúc đẩy hợp tác giữa báo chí và DN: Xây dựng mối quan hệ tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau.
-Lưu ý:
+ Cần giảm thiểu thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng và nâng cao tính chính xác.
+ Xây dựng quy trình làm việc linh hoạt cho PV và chuyên gia.
+ Tôn trọng quyền lợi của độc giả và DN để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí trước hết xuất phát từ yêu cầu tự thân của hoạt động báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin và cần được hiểu trước hết nâng cao chất lượng nội dung, tăng hàm lượng thông tin của tác phẩm báo chí, đồng thời đổi mới mạnh mẽ cách tiếp cận và phương thức thể hiện
thông tin kinh tế, nhằm tăng hiệu quả của thông tin, góp phần tham gia vào các quyết định kinh tế của Nhà nước, DN và người dân, hình thành và định hướng dư luận và các giá trị xã hội, biến nhận thức thành hành động theo chiều hướng tích cực để góp phần ổn định, phát triển kinh tế, cải tạo và xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Thông tin báo chí về kinh tế/Thông tin kinh tế trên báo chí là những thông tin, tri thức về các vấn đề, sự kiện có liên quan tới lĩnh vực kinh tế được phản ánh và phản biện trên báo chí.
Nội hàm thông tin kinh tế trên báo chí mang tính mở cao, ngày càng đa dạng và không ngừng được mở rộng, bổ sung từ thực tiễn kinh tế vĩ mô và vi mô, từ các đường lối, chính sách, chủ trương, nghị quyết và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kinh tế đến tình hình phát triển kinh tế và thị trường, đối tác kinh tế trong nước và nước ngoài, vĩ mô và vi mô, đến các ý kiến phản biện, đánh giá, kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân, tổ chức, chính quyền địa phương và đội ngũ chuyên gia thông tin đa chiều và dân chủ trong đời sống kinh tế xã hội (KT-XH) đất nước.
Thông tin báo chí về kinh tế có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống KT-XH; Đây là kênh phản ánh và cung cấp thông tin các hoạt động kinh tế, giúp những người tiếp nhận thông tin xử lý theo nhu cầu của mình. Đặc biệt, đối với nhà quản lý, báo chí về kinh tế là kênh thông tin để nắm bắt tình hình, xu hướng, từ đó ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách kinh tế. Báo chí về kinh tế còn là kênh phản biện các chính sách kinh tế của Nhà nước, của từng địa phương được đăng trên các loại hình báo chí.
Hiện nay, Việt Nam có hàng chục báo chí hàng đầu về kinh tế được nhiều người ưa chuộng, từ người tiêu dùng, doanh nhân cho đến những công chúng khó tính nhất, bao tiêu biểu như tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Báo Công Thương và Diễn đàn Doanh nghiệp; Vietnamnet, Báo Lao động và Tạp chí Thị trường, Tài chính - Tiền tệ, các tạp chí của nhiều viện nghiên cứu kinh tế chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, DN, thị trường; các chương trình truyền hình về kinh tế như Thị trường 24h, Việt Nam và các chỉ số (VTV1), Hội nhập (VTV1), Bản tin Tài chính Kinh doanh (VTV1), Tạp chí Kinh tế cuối tuần (VTV1), Kinh tế đầu tư (VTV1), Dòng chảy tài chính (VTV1), Khớp lệnh trên các nền tảng số VTVgo, VTV.vn, DN - Doanh nhân,... Đài Tiếng nói Việt Nam cũng để một thời lượng không nhỏ cho các chương trình kinh tế như: Thời sự kinh tế (7h05 - 7h15), Kinh tế vĩ mô (8h05 - 8h15), DN và doanh nhân, Hội nhập kinh tế quốc tế, Diễn đàn kinh tế...
Theo số liệu thống kê của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện có 419 cơ quan tạp chí in của Trung ương, 116 cơ quan tạp chí in của địa phương. Trong số các tạp chí in, có khoảng 60 tạp chí khoa học về kinh tế - là các tạp chí được Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp tra cứu, xem xét, tính điểm bài báo khoa học khi xét chọn học hàm, học vị khoa học.
Các tạp chí kinh tế này phần lớn trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương, các học viện, trường đại học, viện khoa học. Các tạp chí được các đơn vị chủ quản xác định là những cơ quan thông tin lý luận và nghiệp vụ của ngành, là diễn đàn khoa học tập trung trí tuệ của các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế chuyên ngành, phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách và chỉ đạo nghiệp vụ.
Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế phản ánh chất lượng thông tin liên quan đến kinh tế được phản ánh trên các ấn phẩm báo chí và được thể hiện qua những khía cạnh chủ yếu sau: Bám sát và góp phần phản biện, hoàn thiện các quan điểm, đường lối, cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực tiễn của Đảng, Nhà nước về kinh tế; Tuyên truyền và góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế của DN và đất nước; góp phần tích cực đưa nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, mà còn đưa cuộc sống vào nghị quyết, vào chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước; góp phần làm tăng thêm tính thực tiễn, tính đa chiều, tính phản biện trong nhìn nhận, đánh giá các vấn đề đặt ra trong khoa học về kinh tế, cũng như trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế của Việt Nam.
Có nhiều phương pháp đánh giá chất lượng thông tin báo chí, thông dụng nhất là 3 phương pháp: Thông qua thăm dò dư luận xã hội bằng phiếu trực tiếp hay trực tuyến; Thông qua phỏng vấn chuyên gia; Thông qua hội đồng chuyên trách trực tiếp thống kê, khảo sát số lượng, chất lượng nội dung bài đăng trên các ấn phẩm báo chí muốn đánh giá...; ngoài ra, có thể áp dụng phối hợp các phương pháp trên để tăng độ tin cậy.
Nguyên tắc quan trọng nhất để đánh giá chất lượng thông tin báo chí là đảm bảo sự công bằng và khách quan, lựa chọn mẫu phù hợp và bám sát mục tiêu, cũng như các tiêu chí đánh giá.
Hơn nữa, cần chú ý cân nhắc tính trọng số cho các tiêu chí đánh giá trong tổng điểm phiếu đánh giá với nhiều hạng mục tiêu chí khác nhau, đảm bảo sát với thực tiễn và chức năng ấn phẩm báo chí, tránh cào bằng và tùy tiện chủ quan, khiên cưỡng.
Về pháp lý, chất lượng thông tin báo chí chỉ được đảm bảo khi tuân thủ đúng các yêu cầu luật pháp nói chung, Luật báo chí nói riêng, cụ thể là không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Báo chí và Luật An ninh mạng...
Đồng thời, từ góc độ quản lý nhà nước, Tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao chính là một trong những căn cứ xác định chất lượng thông tin báo chí nói chung, chất lượng thông tin kinh tế nói riêng. Cụ thể, theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương; Thông tư liên tịch số 18/2012/TTLT-BTC-BTTTT ngày 14/12/2012 Liên Bộ Tài chính, Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2011- 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2012, thì tác phẩm báo chí chất lượng cao là: “Những tác phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn xã hội hoặc một vùng miền, địa phương; có nhiều tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày; có nội dung phù hợp, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem; phù hợp với quan điểm chỉ đạo, tuyên truyền, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được Hội đồng xét duyệt công nhận”.
Đánh giá chất lượng thông tin báo chí phải coi trọng cả hai yếu tố nội dung và hình thức thông tin, với các tiêu chí nổi bật là: tính chân thật, khách quan, tính độc đáo, tính đại chúng, tính hợp thời (đúng lúc), tính công khai, và tính chiến đấu/phản biện, cụ thể:
- Tính chân thật, khách quan là đặc trưng, đặc điểm, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò quản lý xã hội thông qua hoạt động phản biện và giám sát xã hội.
- Tính độc đáo là thông tin mới mà công chúng chưa biết hoặc thông tin cũ đã bị lãng quên có thể tái hiện, giúp cho công chúng có thêm tư liệu để nhận thức tốt hơn sự kiện mới...
- Tính đại chúng (dễ hiểu) giúp cho công chúng nhận thức nội dung tác phẩm tương ứng với ý đồ tác giả.
- Tính hợp thời (đúng lúc) đòi hỏi thông tin kinh tế trên báo chí xuất hiện kịp thời, đúng lúc, nhanh nhạy đáp ứng được nhu cầu của công chúng và sự quan tâm của họ trong thời điểm đó.
- Tính công khai, công cộng là nói rõ sự thật sau khi đã đánh giá đúng bản chất để góp phần xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, nhưng không được lạm dụng công khai khiến lộ bí mật quốc gia hoặc tạo nên mối hoài nghi cho công chúng, hay tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng.
- Tính chiến đấu/phản biện được thể hiện trên cả hai mặt: biểu dương và phê bình. Trong vai trò giám sát và phản biện của mình, báo chí không chỉ thông tin, mà còn phải thể hiện chính kiến, quan điểm của mình đối với các vấn đề của cuộc sống. Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trước hết ở việc cung cấp thông tin chân thực, khách quan theo cả hai chiều, từ chủ thể quản lý đến khách thể quản lý và ngược lại. Hoạt động quản lý có hiệu quả hay không, phụ thuộc nhiều vào tính chất, số lượng và chất lượng thông tin hai chiều liên tục này.
- Tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu trong đánh giá chất lượng thông tin báo chí nói chung và về kinh tế nói riêng. Hiệu quả thông tin của báo chí phụ thuộc vào chất lượng thông tin báo chí và sức hấp dẫn của việc truyền thông tin, cách thể hiện thông tin.
Nội dung thông tin phải phong phú, cập nhật và mang tính hệ thống, mang lại cho công chúng một lượng thông tin mới, phản ánh đúng, kịp thời, khách quan, tuân thủ đúng định hướng chính trị và pháp luật, đi vào những vấn đề thiết thực nhất mà công chúng đang quan tâm hoặc đang thiếu thông tin, phải thỏa mãn nhu cầu mỹ cảm, tác động sâu sắc đến tình cảm và suy nghĩ của đối tượng; đồng thời, có giá trị gợi mở, dự báo, tổng kết và đề xuất giải pháp và lan tỏa ảnh hưởng cao tới đông đảo người đọc và các đối tượng xã hội liên quan.
Theo đó, dạng bài báo chỉ với đưa thông tin thuần về các sự kiện và nội dung chính sách kinh tế sẽ không hiệu quả và ít giá trị gia tăng bằng dạng bài báo có thêm các lý lẽ phân tích, thống kê, so sánh và lý giải các thành công, hạn chế, đánh giá tổng thể và phản biện, đề xuất giải các định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách kinh tế; Giá trị của thông tin báo chí càng cao khi càng gây hiệu ứng dư luận và tạo được dấu án đột phá cho sự đổi mới và phát triển, nâng cao được đạo đức, trách nghiệm xã hội, văn hóa quản lý, văn hóa kinh doanh và văn hóa báo chí.
Về hình thức, thông tin báo chí phải được chuyển tải bằng các hình thức tác phẩm và phương pháp thể hiện thuyết phục, dễ hiểu. Nó không chỉ làm cho công chúng thích thú, mà còn khơi gợi được sự suy nghĩ theo hướng đúng và thúc đẩy hành động tích cực của họ.
Ngoài ra, lượng phát hành, lượng bạn đọc truy cập, kết quả phản hồi, đánh giá và tương tác của bạn đọc và các giải thưởng mà các ấn phẩm báo chí nhận được cũng là những tiêu chí thể hiện chất lượng và hiệu quả thông tin, tuyên truyền của báo chí nước ta hiện nay nói chung và về kinh tế nói riêng.
Tờ báo mà có lượng phát hành định kỳ càng lớn và kênh phát hành càng đa dạng, “ra sạp” và đến tay người đọc càng rộng rãi thì càng chứng tỏ có sức hấp dẫn bạn đọc cao và do đó, có thể gọi là có chất lượng cao (trừ những tờ báo lạm dụng các vấn đề nhạy cảm cướp, giết, hiếp mà bất kỳ nước nào cũng không hoan nghênh).
Đặc biệt, do đặc thù của báo chí chính trị, trực tiếp thực hiện những bài phê phán các quan điểm sai trái, chống diễn biến hòa bình và sự chống phá của các thế lực thù địch, nên mức độ phản hồi, chống phá, đả kích của các thế lực này trên các trang mạng và biểu hiện khác đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền kinh tế trên báo chí còn có thể được coi như một tiêu chí gián tiếp đo lường chất lượng thông tin kinh tế cả về chất lượng tuyên truyền chính trị và nghiệp vụ tuyên truyền.
Quan điểm truyền thống coi tờ in đạt chất lượng tốt qua các tiêu chí là: chính xác, đúng tiến độ và đẹp. Tờ in đẹp cần đáp ứng yêu cầu: Sạch sẽ, màu sắc rõ ràng tươi sáng; ảnh in có độ tương phản sâu, sắc nét, màu sắc chuẩn; trùng khớp màu tốt; chữ sắc nét, đều mực; không rê nhòe mực; không nhợt nhạt v.v. Các tiêu chí này gắn liền với những tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm in và những yêu cầu khi đặt in của khách hàng.
Chất lượng in tùy thuộc vào các yếu tố về công nghệ - thiết bị trong dây chuyền sản xuất in; vào nguyên vật liệu in như giấy, mực in và vào con người trong dây chuyền sản xuất in và công tác tổ chức và điều hành sản xuất in...Vấn đề nâng cao chất lượng in cũng là vấn đề thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng, phòng ngừa lỗi chất lượng xảy ra trong quy trình xuất bản – in ấn, và nếu xảy ra thì quy trình kiểm soát nội bộ có khả năng phát hiện lỗi sớm để khắc phục ngay, không để lọt thành phẩm mắc lỗi ra khâu phát hành.
Đặc biệt, đối với báo điện tử, ngoài các tiêu chí chất lượng như báo in trên, một tiêu chí đặc thù riêng đánh giá chất lượng báo này là địa chỉ website trên mạng phải cho phép độc giả truy cập dễ dàng và nhanh chóng, với giao diện thân thiện, thuận lợi và tích hợp được nhiều tiện ích cho người đọc báo mạng. Điều này không chỉ phụ thuộc vào trình độ thiết kế phần mềm, mà còn tùy thuộc cơ sở hạ tầng công nghệ và trình độ vận hành và bảo mật, bảo đảm an ninh mạng của báo.
Các nhân tố ảnh hưởng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin báo chí về kinh tế
Việc nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí trước hết xuất phát từ yêu cầu tự thân của hoạt động báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin và cần được hiểu trước hết nâng cao chất lượng nội dung, tăng hàm lượng thông tin của tác phẩm báo chí, đồng thời đổi mới mạnh mẽ cách tiếp cận và phương thức thể hiện thông tin kinh tế, nhằm tăng hiệu quả của thông tin, góp phần tham gia vào các quyết định kinh tế của Nhà nước, DN và người dân, hình thành và định hướng dư luận và các giá trị xã hội, biến nhận thức thành hành động theo chiều hướng tích cực để góp phần ổn định, phát triển kinh tế, cải tạo và xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Đồng thời, nâng cao chất lượng thông tin kinh tế còn có nghĩa là việc giảm thiểu, khắc phục tình trạng thông tin cảm tính, một chiều và thiếu kiểm chứng, thiếu cân đối, chồng chéo, thiếu hụt, nặng yếu tố phổ biến, truyền đạt, áp đặt một chiều, nặng về giật gân, câu khách, không đáp ứng nhu cầu độc giả, doanh nghiệp và không phù hợp với định hướng tư tưởng, chính trị của tờ báo và truyền thống văn hóa dân tộc.
Chất lượng thông tin kinh tế phục thuộc vào nhiều nhân tố, nổi bật là năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về báo chí; chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị của cơ quan báo chí, tòa soạn; vào chủ đề, sự đầy đủ, độ chính xác và kịp thời của nguồn tin kinh tế; cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan báo chí; sự quan hệ hợp tác và tương tác giữa cơ quan báo chí với DN và độc giả, cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức chính trị, tư tưởng, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo và cơ quan báo chí.
Trong hoạt động báo chí, nhận thức về chất lượng thông tin song song với nhận thức về chức năng và đối tượng phản ánh của báo chí. Muốn có sự nhận thức đúng đắn về thông tin, cần xác định được mục đích hoạt động của báo chí, đồng thời phải nêu lên định hướng có tính nguyên tắc cho những hoạt động thực tiễn của một nền báo chí. Sự định hướng rõ ràng sẽ trang bị cho nhà báo phương pháp thông tin và biết cách vận dụng thông tin có hiệu quả để thực hiện chức năng của báo chí.
Chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí tùy thuộc quan trọng vào nhận thức chính trị và năng lực của Ban lãnh đạo, Ban biên tập và sự định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và chuyên môn cho PV, BTV chuyên trách trong việc định hướng, chỉ đạo, tổ chức và kiểm định thông tin kinh tế.
Bên cạnh việc bám sát chỉ đạo chính trị, nắm rõ sự việc và định hướng tuyên truyền, Ban lãnh đạo và các nhà báo cần phải có bản lĩnh, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, sự đầu tư công phu, sự thận trọng, kỹ năng sáng tạo, trình độ am hiểu sâu, rộng về chuyên môn và cả tâm huyết đối với đề tài mà mình theo dõi, để sáng tạo những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, đề cập đúng và hay các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, với yêu cầu đúng định hướng chính trị.
Chất lượng thông tin kinh tế cũng tùy thuộc vào kế hoạch và quy trình biên tập khoa học và hiệu quả trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của tạp chí; vào kế hoạch và lựa chọn đề tài, các hình thức thể hiện và mức độ tập trung, hệ thống cùng chủ đề, theo số, quý, năm, có bài tổng thuật về toàn bộ các bài viết...; kết cấu thông tin và hệ thống chuyên mục của báo chí.
Đồng thời, tùy thuộc vào các giải pháp huy động, khuyến khích và thù lao tương xứng cho bài được đăng; cũng như trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ báo chí chuẩn hóa của biên tập viên với tư cách vừa là nhà báo, vừa là người làm khoa học, giỏi chuyên môn, say mê với công việc, sâu sát thực tiễn...
Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế còn tùy thuộc quan trọng vào năng lực, trình độ am hiểu về chuyên môn kinh tế chung và kinh tế ngành, cũng như mức độ chi trả, đãi ngộ và tôn vinh tác giả của cơ quan báo chí.
Thông tin kinh tế là không dễ dàng, bởi sử dụng nhiều ngôn ngữ chuyên ngành, đòi hỏi người viết phải vừa am hiểu kiến thức kinh tế, chuyên môn kinh tế và pháp luật kinh tế chuyên ngành, vừa có nghiệp vụ báo chí tốt để chuyển tải các nội dung phức tạp thành ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu với quảng đại bạn đọc. Việc chi trả nhuận bút cũng có tác dụng định hướng và tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, gắn với uy tín và trách nhiệm cá nhân của người cầm bút.
Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế còn tùy thuộc vào sự có sẵn và chất lượng nguồn tin và sự quan tâm của độc giả, xã hội. Nội dung truyền thông chính sách kinh tế có độ lệch lớn theo ngành. Các thông tin kinh tế liên quan tới bất động sản, hạ tầng giao thông, chứng khoán, thị trường hàng hóa tiêu dùng, tiền tệ - lãi suất... thường dồi dào và có đông đảo bạn đọc quan tâm nên thường được ưu tiên thực hiện. Còn các vấn đề kinh tế khác, như nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế vùng khó khăn, đầu tư cho văn hóa, nghiên cứu khoa học..., nhất là các chính sách kinh tế mới và có độ phức tạp như mua bán – sáp nhập, logistic, thương mại đa biên... thì có mật độ thông tin ít hơn nhiều,
Hơn nữa, do định hướng thông tin theo chức năng, nên một số nhóm báo chính trị - xã hội dễ bị “thiệt thòi” vì ít tin bài kinh tế, trừ khi có các vấn đề nổi lên thu hút sự quan tâm của dư luận như chính sách kinh tế lớn, biến động mạnh thể chế và giá cả thị trường, xuất hiện các vụ án kinh tế lớn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng về mặt định lượng tin bài, còn về chất lượng tin bài thì không đúng, bởi các bài đinh, mang tính tổng kết, cảnh báo và dự báo, đề xuất và giải pháp luôn được đánh giá cao trong bối cảnh bùng nổ vai trò “báo chí giải pháp/chính sách” và “báo chí dữ liệu”... đang ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, chất lượng thông tin kinh tế sẽ được nâng tầm lên rất cao và trở thành thông điệp về xu hướng, dự báo và yêu cầu định hướng phản ứng thị trường và phản ứng chính sách phát triển kinh tế, nếu được xử lý sâu, phân tích toàn diện, không nặng về mô tả số liệu, mà nghiêng về nhận định, đề xuất giải pháp có giá trị thông tin cao, độc đáo.
Thứ hai, năng lực, hiệu lực và hiệu lực quản lý nhà nước và quản trị nghiệp vụ về báo chí và công tác giám sát, đánh giá xã hội về hoạt động báo chí.
Chất lượng thông tin báo chí nói chung và thông tin kinh tế nói riêng tùy thuộc quan trọng vào sự chỉ đạo kịp thời của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, sự quản lý trực tiếp của các cơ quan chủ quản, cũng như sự đầy đủ và chất lượng hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý báo chí và quy trình sản xuất các tác phẩm báo chí; cơ chế kiểm soát và sự kịp thời nhận diện, kết quả xử lý các sai phạm trong hoạt động của cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng liên quan; cũng như vào quá trình thực hiện quy chế phát ngôn và chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí.
Chất lượng thông tin kinh tế báo chí tuỳ thuộc quan trọng vào sự giám sát và đánh giá các yêu cầu bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng và đối tượng phục vụ của cơ quan báo chí; Chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí càng cao khi nội dung các bài viết vừa chuyển tải được những nội dung khoa học, cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, vừa đảm bảo có tính thời sự, thiết thực và hấp dẫn độc giả; phát huy được lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống từ vị thế của các Bộ, ngành là cơ quan chủ quản, tính thực tiễn từ những tổng kết, đánh giá, lợi thế về tiếp cận thông tin và khai thác được khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của các cộng tác viên, nhất là những người có kinh nghiệm hoạt động kinh tế, giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các ngành địa phương, các doanh nghiệp.
Các bài viết thể hiện đúng và trúng thực tiễn sinh động của kinh tế đất nước trên các lĩnh vực; Đồng thời, có hàm lượng phân tích khoa học cao, bên cạnh việc bảo đảm các chuẩn chung quy định sự hấp dẫn của một tác phẩm báo chí.
Đặc biệt, chất lượng báo chí cũng tùy thuộc vào năng lực nhận diện và khắc phục những khuyết điểm trong thông tin trên báo chí, như:
- Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép; thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, thiếu bản sắc, trùng lặp, sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân.
- Thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, có tác động xấu đến dư luận xã hội, tạo ra cảm giác vụ việc quá khủng khiếp gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội, tạo kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.
- Sai sót văn phạm, chính tả, phát âm, làm mất đi sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt, vi phạm quy định của Luật Báo chí. Thông tin bằng tiếng nước ngoài còn ít về số lượng, chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sự thuyết phục và chưa đến được với nhiều đối tượng quan trọng của công tác thông tin.
Thứ ba, trình độ phát triển cơ sở vật chất –kỹ thuật của báo chí.
Khi trình độ KT-XH được nâng tầm về phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nhu cầu thông tin kinh tế của DN và của nhân dân càng đòi hỏi cao hơn, do đó yêu cầu về chất lượng thông tin báo chí về kinh tế cũng gia tăng tương ứng và đòi hỏi chất lượng cao, nghiêm ngặt hơn.
Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế còn tùy thuộc vào sự phát triển của các cơ sở hạ tầng báo chí và năng lực công nghệ thông tin, trong đó có hệ thống dữ liệu thông tin báo chí và kinh tế chuyên ngành; mạng lưới viễn thông, Internet, các dịch vụ viễn thông và công nghệ in ấn, phát hành báo chí.
Ngoài ra, chất lượng ấn phẩm báo chí còn tùy thuộc vào chất lượng các thiết bị và quy trình quản lý chất lượng in và xuất bản các ấn phẩm... Trên thực tế, một sản phẩm tốt không tách rời kỹ thuật biểu hiện trên các phương tiện truyền dẫn thông tin. Kỹ thuật biểu hiện tốt sẽ giúp cho nội dung bộc lộ hết thế mạnh của nó. Trái lại kỹ thuật tồi làm tổn hại đến nội dung thậm chí gây phản tác dụng. Trong thực tiễn, chúng ta có nhiều kinh nghiệm đau xót về mặt này. Một bài báo có nội dung hấp dẫn, được biên tập cẩn thận, nhưng ấn loát lèm nhèm sẽ chẳng ai muốn đọc, và vì vậy mà không phát huy được tác dụng. Một tấm ảnh in trên báo mà không rõ hình, chú thích cẩu thả, đưa lên mặt báo sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin kinh tế trên báo chí cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các bên có liên quan; phải tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận trong quy trình sản xuất thông tin, nâng cao năng lực quản trị tòa soạn, các yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm báo chí.
Một mặt, báo chí cần tiếp tục đồng thuận cao, là lực lượng hậu thuẫn đắc lực, công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kênh thông tin quan trọng chính thống của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trong thúc đẩy cải cách chính sách kinh tế, tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN và người dân; bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, đồng hành cùng Chính phủ, tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời và trung thực dòng chảy chính của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của đất nước, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền các cấp, định hướng dư luận, góp phần quảng bá các thành tựu, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo ra diễn đàn cởi mở cho nhân dân, phát huy tinh thần dân tộc, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; định hướng, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ nền tảng tinh thần chế độ, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của quốc gia, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc vượt qua thách thức đưa đất nước ta tới bến bờ thịnh vượng, phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đồng thời, các Bộ, ngành cần chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí; thường xuyên theo dõi những phản ánh từ báo chí, tăng trách nhiệm giải trình và giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất; tạo điều kiện và tăng cường bảo vệ các cơ quan tòa soạn và nhà báo trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng. Sự lạm dụng hình sự hóa và ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của một số cơ quan chức năng không chỉ vi phạm luật báo chí, mà còn hạn chế năng lực và nhiệt tình của các cơ quan báo chí.
Mặt khác, các cơ quan báo chí cần có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ PV, cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cho nhóm các nhà báo - chuyên gia để khai thác nhiều và hiệu quả hơn năng lực của họ trong hoạt động báo chí ở các lĩnh vực khác nhau...; xây dựng những chuẩn mực chung cho đội ngũ nhà báo để trở thành những người có tâm, có tầm, có kiến thức tiếp thu thành tựu khoa học mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những tiêu cực xã hội và thử thách của đời sống; đề cao ý thức “làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội trong lành hơn”, tuyệt đối không lợi dụng nghề nghiệp để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích, gây dư luận và hậu quả xấu trong xã hội.
Đồng thời, cần có các chế tài đủ mạnh để sớm nhận diện và kiên quyết xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí.
Đặc biệt, cần nhận thức đúng vai trò của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển kinh tế nói chung và DN nói riêng. Báo chí kinh tế không chỉ là nguồn cung cấp thông tin, tri thức về kinh tế và thị trường cho DN, mà còn phải là diễn đàn thực thụ của DN; Báo chí coi doanh nghiệp như một đối tượng đặc thù trong hoạt động tác nghiệp đưa tin và phục vụ hàng ngày của mình. Việc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa DN với báo chí, tạo lập và củng cố sự tin cậy lẫn nhau và thông tin hai chiều giữa DN và báo chí viết về kinh tế là cần thiết để giúp đưa những thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về những vấn đề của doanh nghiệp nhằm mục tiêu phục vụ công tác truyền thông của báo chí về kinh tế.
Thông tin không chính xác từ phía doanh nghiệp sẽ gây nghi ngờ và mất lòng tin của báo chí và theo đó là của độc giả. Ngược lại, thông tin không chính xác của nhà báo hiển nhiên sẽ làm thiệt hại uy tín và thậm chí ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DN. Mối quan hệ cộng sinh giữa DN và báo chí phải được xây dựng lâu dài và bền vững, trên nền tảng của sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau, tránh kiểu “ăn xổi ở thì” hoặc lợi ích một chiều, gạt bỏ tâm lý e dè, cảnh giác giữa DN đối với báo chí và ngược lại.
Các bài viết kịp thời và tâm huyết, có trách nhiệm của báo chí khiến doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và tăng cường gắn bó, trở nên nổi tiếng và phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn. Các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí về DN và các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí cần định hướng giúp DN nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần để DN định hướng và điều chỉnh chiến lược, chính sách và văn hóa kinh doanh phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường.
Sự cộng sinh của các DN với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, DN có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, cũng như văn hóa DN...
Để quan hệ báo chí và DN ngày càng gắn bó và phát huy tác động tích cực, giảm thiểu các tác động mặt trái, cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm của các bên hữu quan trong tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin của các công dân, cơ quan báo chí và DN, tổ chức kinh doanh, cũng như các cơ quan quản lý các cấp trong đời sống KT-XH, trong đó lấy sự bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của DN và tiến bộ xã hội theo các cam kết hội nhập, là mục tiêu cao nhất và nhất quán khi thiết kế và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan.
Các cơ quan báo chí cần coi trọng nhận thức đúng đắn hơn sứ mệnh và quan điểm phục vụ, hài hòa hơn các góc độ thông tin, và cân bằng hơn quyền lợi với trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và DN. Các PV và cả BTV chuyên trách cần quán triệt và tuân thủ các quy trình xuất bản, các quy định pháp lý, tôn trọng và truyền tải đúng các tinh thần văn bản, chính sách “từ trên xuống”; cũng như nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội, năng lực nghiệp vụ và bám sát thực tiễn, kiên nhẫn lắng nghe và phản ánh kịp thời, trung thực các kiến nghị của DN, các đề xuất sáng kiến của cơ sở "từ dưới lên”...; có nhiều giải pháp đồng bộ và đột phá hiệu quả, thiết thực hơn trong hoạt động, nâng cao chất lượng phóng viên và các thông tin liên quan đến DN, nhằm giảm thiểu những lạm dụng và yếu kém về nghiệp vụ, gây tổn hại đến uy tín báo chí, quyền lợi chính đáng của bạn đọc và lợi ích hợp pháp của DN.
Các DN cần chú ý chủ động công tác thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí, cũng như coi trọng chính sách nghiên cứu thị trường với sự hỗ trợ ngày càng to lớn của thông tin báo chí các loại.
Đồng thời, cùng với việc tạo thuận lợi, khuyến khích và bảo vệ nhà báo và các báo chí tham gia vào cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, phiền nhiễu DN, các cơ quan chức năng và báo chí cũng cần coi trọng việc nhận diện đầy đủ và chủ động ngăn ngừa, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, hiện tượng “bảo kê”, vô cảm và tham nhũng ngay trong hoạt động báo chí.
Bên cạnh đó, nhà báo cần trau dồi đạo đức nghề báo khi làm báo về kinh tế, về DN và nâng tầm bản thân như một chuyên gia kinh tế; phải nắm chắc và quán triệt tốt trong những bài viết về kinh tế không chỉ bám sát và cập nhật các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định ướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, mà còn cần có kiến thức tổng hợp và thực tiễn chuyên ngành sâu về kinh tế, sử dụng chính xác các thuật ngữ kinh tế, tình hình tài chính DN, tình hình quản lý kinh tế ở các bộ, ngành và địa phương, hòa mình vào thực tiễn cuộc sống, đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của DN và các tầng lớp dân cư; cùng họ đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng thời kiến nghị sửa đổi bổ sung hoàn hiện chính sách kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
Cơ quan báo chí cần rà soát cơ cấu tổ chức, bổ sung đội ngũ phóng viên trẻ có kiến thức kinh tế, sử dụng thành thạo công nghệ tin học và ngoại ngữ... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan báo chí trong tình hình mới; coi trọng xây dựng và củng cố mạng lưới chuyên gia và cộng tác viên kinh tế... Phối hợp với các cơ sở đào tạo báo chí để thúc đẩy đổi mới tư duy đào tạo, nâng cao tính thực tiễn trong đào tạo báo chí, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng bám sát yêu cầu thực tiễn cũng như những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để đảm bảo có sản phẩm báo chí kinh tế tốt đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Cần nhấn mạnh, chất lượng thông tin báo chí về kinh tế càng cao khi thông tin về kinh tế được phản ánh trên báo chí càng có phạm vi rộng và đa dạng với nhiều chủ đề; phản ánh kịp thời nhịp chuyển động của đời sống kinh tế đa dạng, sôi động hơn trước, với nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau; Đồng thời, không chỉ đưa tin nhanh nhạy, kịp thời và có chiều sâu mang tính chuyên môn, mà còn tập trung đi vào phân tích, mổ xẻ vấn đề đang xảy ra, với những quan điểm, nhận định sâu sắc để tăng tính phản biện, định hướng và hướng dẫn dư luận và tạo thuận lợi cho người đọc dễ tiếp cận thông tin, những nhóm vấn đề, nhóm lĩnh vực mình quan tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ, hướng đến cá nhân hóa độc giả, chủ động tiếp cận thông tin; trực tiếp và gián tiếp góp phần tằng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin pháp luật kinh tế từ trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến đến khi được ban hành văn bản chính thức và quá trình thực hiện; giúp DN có thể hiểu, nắm bắt được các quy định pháp luật, nhất là trong một số lĩnh vực mang tính chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thông tin kinh tế của DN.
Nghiên cứu thành lập thêm và vận hành hiệu quả hơn những định chế và cách thức phối hợp quan hệ và hoạt động đa dạng và thích hợp giữa các hiệp hội nhà báo với các hiệp hội DN các cấp độ và quy mô, tạo thuận lợi cho các hoạt động của cả các cơ quan báo chí, cũng như các DN và cơ quan quản lý trong hoạt động của mỗi bên, vì lợi ích hợp pháp của mỗi bên, cũng như của xã hội; xây dựng những giải thưởng cần thiết chính thức khuyến khích và tôn vinh các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động này...
Bởi vậy, việc đánh giá, xếp hạng và trao giải thưởng báo chí các cấp độ về thông tin kinh tế trên báo chí là cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên các tác phẩm và thể loại báo chí...
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 17/2007/ TTLT/BVHTT - BTC ngày 14/6/2007 của
Liên bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và
địa phương giai đoạn 2006 - 2010.
2. Quyết định số 219/2005/QQĐ - TTg, ngày 9-9-2005 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin
đến năm 2010;
3. Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị 7/CT-TTg ngày 21-3-2023 về việc tăng cường truyền thông chính sách.
4. Phạm Thành Hưng, Thuật ngữ Báo chí - Truyền thông. Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
5. Nguyễn Văn Dững (2012), Cơ sở lý luận báo chí, NXB Lao
Động, Hà Nội;
6. Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, Cơ sở lý luận
Báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004;
7. Học viện Báo chí Tuyên truyền (2013), “Báo chí trong quá
trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng”, Kỷ yếu
hội thảo khoa học quốc tế, Hà Nội.
8. https://tapchitaichinh.vn/chat-luong-noi-dung-thong-tin-
kinh-te-tren-cac-tap-chi-kinh-te-o-viet-nam-hien-nay.html;
9. Nguyễn Thế Kỷ, Báo chí tài chính cần mang hơi thở của đời
sống, http://www. tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/
Bao-chi-tai-chinh-can-mang-hoi-tho-cua-doi-song/26792.
tctc);
10.https://baochinhphu.vn/nang-cao-chat-luong-thong-tin-
bao-chi-trong-tinh-hinh-hien-nay-10244091.htm;
11.https://phaply.net.vn/bao-chi-truyen-thong-voi-truyen-
thong-chinh-sach-kinh-te-tai-viet-nam-a256931.html;
12. Nguyễn Thành Lợi, Phạm Minh Sơn (2014), Thông tấn Báo
chí - Bí quyết và kĩ năng, Nxb Thông tin và Truyền thông;
13.Đinh Thị Thu Hằng (2014), Thể loại tin báo chí, Nxb Thông
tin và Truyền thông, Hà Nội;
14.https://tapchicongthuong.vn/mot-so-khuyen-nghi-giai-
phap-nham-hoan-thien-hoat-dong-bao-chi-ve-kinh-te-o-
viet-nam-hien-nay-113669.htm;
15/.https://vietnamnet.vn/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-
luong-truyen-thong-chinh-sach-kinh-te-2212623.html;
16/.https://dttc.sggp.org.vn/xu-huong-bao-chi-kinh-te-hien-
dai-post105619.html;
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)