Truyền thông

Làm thế nào để nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí?

Trường Thanh 14:55 25/10/2024

Các cơ quan báo cần ứng dụng công nghệ làm báo mới, đồ họa mới để thực hiện các nội dung tin bài, góp phần tăng trải nghiệm cho người dân cũng như các doanh nghiệp.

Báo chí thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển cộng đồng

Phát biểu tại phiên thảo luận "Báo chí và Doanh nghiệp (DN) với việc nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí" trong khuôn khổ Diễn đàn “Báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 ngày 24/10, TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết: Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chính thức được thành lập từ ngày 6/6/2021 và từ đó đến nay, Hiệp hội đã đón nhận và hỗ trợ hàng nghìn DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp (startup) trong quá trình thành lập cũng như phát triển.

ts.-dinh-viet-hoa.jpg
TS. Đinh Việt Hòa: Báo chí đang đóng vai trò thúc đẩy mạnh sự phát triển của DN.

Dù là tổ chức non trẻ, tuy nhiên trong quá trình vận động và hoạt động, Hiệp hội luôn nhận thức và xác định vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển cộng đồng các nhà sáng lập DN Việt Nam là rất lớn.

Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp đã tạo làn sóng mới mang lại số lượng kỷ lục DN được thành lập mới tại Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng COVID-19 cùng nhiều tác động khác, số lượng DN được thành lập tại Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng.

Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình này khi các kênh thông tin truyền thông đã tạo nên môi trường kinh doanh trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

“Có thể nói, báo chí và DN có tác động tương hỗ, cộng sinh. Và vai trò của báo chí đang ngày một thúc đẩy mạnh sự phát triển của DN”, TS. Đinh Việt Hoà nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, báo chí đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc hỗ trợ DN phát triển. “Chúng tôi ghi nhận rằng sự hỗ trợ từ phía các cơ quan báo chí, qua việc đưa tin, phân tích và phản biện đã giúp DN tiếp cận công chúng một cách hiệu quả, từ đó tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao uy tín”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thể, bên cạnh những lợi ích mà báo chí mang lại, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến các DN băn khoăn trong quá trình hợp tác với báo chí.

o.-pham-van-the.jpg
Ông Phạm Văn Thể: Mong muốn từ phía DN là có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí.

Một số DN cho biết, trong quá trình làm việc, họ thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều tờ báo không chính thống, đặc biệt là các cộng tác viên làm việc cho báo. Nhiều khi, việc liên hệ với các DN không chỉ dừng lại ở việc đưa tin hay chia sẻ thông tin mà kèm theo đó là những yêu cầu tài chính từ phía báo chí. Điều này khiến DN cảm thấy e ngại và phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định hợp tác.

“Vì vậy, mong muốn từ phía DN là có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí”, ông Phạm Văn Thể chia sẻ.

Cần thực hiện các sản phẩm báo chí sáng tạo và mang tính hiện đại

Cũng trao đổi tại phiên thảo luận, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện nay, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng đang “lên ngôi”. Các cơ quan báo chí cần tự thân vươn lên trước khó khăn, thách thức.

Việc tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn đang là xu hướng của báo chí nhằm thu hút bạn đọc. Đơn cử như tổ chức sản xuất các tập san riêng có ý nghĩa quan trọng với thị trường với cách khai thác, cách viết thu hút, độc đáo và độc giả có thể trả tiền mua thông tin.

o.-le-quoc-minh.jpg
Ông Lê Quốc Minh: Báo chí và DN cần hợp tác và phối hợp để tìm ra những phương thức kết nối thỏa đáng nhất.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần nghiên cứu, triển khai thông tin đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau để tăng tính hấp dẫn, sáng tạo.

Đặc biệt, các cơ quan báo cần ứng dụng công nghệ làm báo mới, đồ họa mới... để thực hiện các nội dung tin bài, góp phần tăng trải nghiệm cho người dân cũng như các DN.

Ông Lê Quốc Minh cho rằng, để phát triển báo chí trong thời kỳ mới, cần có tư duy thực hiện các sản phẩm sáng tạo và mang tính hiện đại nhằm tạo dấu ấn riêng.

Báo chí hiện đại đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo liên tục, do đó các cơ quan báo chí phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo liên tục, áp dụng cách thức làm báo chuyên nghiệp, đặc biệt phải ngày càng chú trọng chất lượng để có thể giữ độc giả quen thuộc, lôi kéo độc giả mới, thậm chí duy trì vai trò tiên phong trong cung cấp thông tin tri thức cho xã hội.

Với DN, cần chú trọng việc đưa các tin bài chuyên sâu, xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng để thuận lợi cho việc tìm kiếm, kết nối DN, mang lại cảm hứng cho xã hội.

“Báo chí và DN cần hợp tác và phối hợp để tìm ra những phương thức kết nối thỏa đáng nhất. Báo chí cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thuyết phục DN dành một phần chi phí thỏa đáng đưa quảng cáo lên hệ thống. Đây cũng là một phần trách nhiệm để góp phần nuôi dưỡng, chung tay phát triển nền báo chí nước nhà”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet, tại các cơ quan báo chí nói chung và VietNamNet nói riêng, mối quan hệ giữa DN và báo chí luôn được thảo luận kỹ lưỡng, không chỉ dưới góc độ tin tức mà còn liên quan đến vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển của báo chí.

“VietNamNet thông qua mục “Tuần Việt Nam” đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các chuyên gia và DN, qua đó đóng góp các phân tích mang tính phản biện về chính sách kinh tế. Đây là cầu nối quan trọng giữa báo chí và môi trường kinh doanh, giúp DN nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến chính sách và phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi”.

Trong mối quan hệ này, báo chí tiếp cận DN từ hai góc độ khác nhau. Trước tiên, DN chính là những độc giả tinh hoa và khó tính của báo chí. Khi tờ báo đưa tin về các vấn đề kinh tế hay hoạt động của DN, họ coi phản hồi từ DN như thước đo về tính chính xác và giá trị của thông tin.

o.-nguyen-van-ba.jpg
Ông Nguyễn Văn Bá: Các đối tác DN hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính thông qua quảng cáo, góp phần không nhỏ vào sự vận hành của các tòa soạn.

Ở góc độ thứ hai, các DN là đối tác quan trọng của báo chí. Không chỉ cung cấp thông tin từ thực tiễn hoạt động kinh doanh cho báo chí, DN còn sử dụng các dịch vụ truyền thông của báo chí, trở thành “bạn hàng” trong mối quan hệ hợp tác kinh tế. Qua đó, DN có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, thương hiệu của mình đến với người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.

“Các đối tác DN hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính thông qua quảng cáo, góp phần không nhỏ vào sự vận hành của các tòa soạn”.

Theo ông Nguyễn Văn Bá, mặc dù mối quan hệ này mang tính tương hỗ, song việc đưa tin về DN trên báo không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong quá trình này, nhiều cuộc trao đổi căng thẳng giữa báo chí và DN đã xảy ra. Một mặt, báo chí cần phản ánh trung thực các thông tin tiêu cực nếu có, nhưng mặt khác, nếu việc đưa tin không chính xác, hậu quả có thể ảnh hưởng không chỉ đến DN mà còn đến niềm tin của độc giả và người dân.

“Chính vì vậy, chúng tôi luôn có sự cân nhắc thận trọng khi đưa các thông tin tiêu cực liên quan đến DN”, ông Nguyễn Văn Bá chia sẻ.

Trang bị kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ nhà báo chuyên trách

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, quan hệ báo chí và DN là mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời, vì vậy, cần đưa ra các giải pháp để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước.

ba-dang-thi-phuong-thao.jpg
Bà Đặng Thị Phương Thảo: Bộ TT&TT đã cung cấp trên hệ thống tôn chỉ của các tờ báo, quy chuẩn về giấy giới thiệu tác nghiệp…, DN có thế truy cập để có thể tham khảo.

Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, đối với các tòa soạn báo, muốn nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế, vấn đề cần quan tâm là nhân lực, bởi theo số liệu thông kê, trong 21.000 nhà báo được cấp thẻ, có khoảng 39% các nhà báo có bằng đào tạo về báo chí, còn lại là các chuyên ngành khác, trong đó có các ngành về kinh tế. Tuy nhiên, các phóng viên viết về kinh tế giỏi thì không nhiều.

“Thực tế, báo chí là nghề đặc biệt, nhưng phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức về kinh tế, viết về chứng khoán có kiến thức về chứng khoán… Tất cả các lĩnh vực khác nhau đều phải có kiến thức nền để phục vụ cho chuyên môn của mình, đặc biệt thông tin về kinh tế cần phải có kiến thức chuyên sâu hơn”.

Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các phóng viên của mình, các tòa soạn báo nên sử dụng các chuyên gia thẩm định, phản biện, cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho DN.

Đối với DN, cần được trang bị kiến thức trong việc tiếp xúc với báo chí, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác với báo chí, cung cấp các thông tin chính thống, chính xác.

“Bộ TT&TT đã cung cấp trên hệ thống tôn chỉ của các tờ báo, quy chuẩn về giấy giới thiệu tác nghiệp…, DN có thế truy cập để có thể tham khảo. Bộ TT&TT cũng xây dựng danh sách Blacklist và Whitelist để các DN có thể lựa chọn, hợp tác”, bà Đặng Thị Phương Thảo chia sẻ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO