Theo số liệu trong báo cáo của Digital TV Research, nếu năm 2010, doanh thu từ dịch vụ truyền hình trả tiền (pay TV) của khu vực châu Phi – hạ Sahara chỉ đạt 1,92 tỷ USD và 3,54 tỷ USD năm 2014 thì đến năm 2020, con số được dự đoán sẽ là 6,22 tỷ USD. Tổng doanh thu trong lĩnh vực này của toàn khu vực (trừ Nam Phi) sẽ tăng từ 0,83 tỷ USD năm 2010 lên 1,73 tỷ USD năm 2014 và khoảng 4,12 tỷ USD vào năm 2020.
Dự đoán doanh thu truyền hình trả tiền của các quốc gia trong khu vực châu Phi –hạ Sahara
năm 2020 (Nguồn Digital TV Research).
Nam Phi và Nigeria là 2 quốc gia sẽ đóng góp hơn một nửa doanh thu toàn khu vực vào năm 2020. Trong đó, Nigeria không những chiếm vị trí thứ 2 mà còn là quốc gia có mức tăng trưởng doanh thu truyền hình trả tiền khá ấn tượng khi được dự đoán mức tăng doanh thu là hơn 2 lần, tức là từ 499 triệu USD năm 2014 lên 1.148 triệu USD vào năm 2020.
Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2014, truyền hình vệ tinh chiếm tới 92% doanh thu truyền hình trả tiền của toàn khu vực. Tuy nhiên, số thuê bao sử dụng truyền hình số mặt đất DTT cũng đang gia tăng và đến năm 2020, ước tính doanh thu truyền hình DTT sẽ đạt 802 triệu USD (gấp 4 lần tổng doanh thu truyền hình trả tiền của năm 2014). Sự cạnh tranh giữa các nền tảng cung cấp truyền hình trả tiền và việc áp dụng các gói DTT có giá rẻ hơn sẽ khiến cho doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) giảm ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Về số lượng thuê bao truyền hình trả tiền trong khu vực, tính đến cuối năm 2014, châu Phi –hạ Sahara đã có 12,92 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Trong đó, truyền hình vệ tinh có 9,65 triệu thuê bao và số thuê bao truyền hình DTT là 2,81 triệu. Ước tính, đến năm 2020, số thuê bao truyền hình trả tiền sẽ tăng lên gấp đôi đạt 27,95 triệu, với 16,21 triệu thuê bao truyền hình vệ tinh và truyền hình DTT là 9,44 triệu.
Simon Murray, chuyên gia phân tích của Digital TV Researcho cho biết: "Ba công ty là Multichoice, Canal Plus và StarTimes hiện đang chiếm hơn 90% số thuê bao truyền hình trả tiền ở châu Phi – hạ Sahara. Tuy nhiên, theo những số liệu khảo sát, dự đoán sẽ có ít nhất 30 nhà khai thác sẽ khai trương cung cấp truyền hình trong năm 2015. Số lượng này tăng gấp hai lần so với năm 2014. Điều này cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực cung cấp truyền hình trả tiền của khu vực này”.
Ngoài ra, Simon Murray cũng nhấn mạnh, Kenya đang và sẽ tiếp tục là “điểm nóng” phát triển truyền hình số. Quốc gia này hiện có 1 nhà khai thác truyền hình cáp và 4 nhà khai thác truyền hình vệ tinh. Nhưng đối với quốc gia chỉ có 2,87 triệu hộ gia đình xem truyền hình thì số lượng nhà khai thác như vậy liệu có là quá nhiều?.
(http://www.digitaltvnews.net)