Truyền thông

Cháy nổ karaoke, vũ trường: Quy định pháp luật PCCC chưa theo kịp thực tiễn

Hà Linh 20/12/2023 14:25

Ngày 19/12/2023, Hội đồng lý luận Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường” tại Trường Đại học PCCC. Trung tướng, PGS, TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Những vụ cháy karaoke kinh hoàng

Khoảng 13h30 ngày 1/8/2022, quán karaoke số 231 phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra cháy lớn. Khu vực xuất phát cháy tại tầng 3, cháy lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng bên dưới của tòa nhà.

Hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC ngay sau đó đã có mặt, với tinh thần dũng cảm không quản ngại khó khăn nguy hiểm để dập tắt đám cháy.

Không may, 3 cán bộ, chiến sĩ gồm Trung tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng Đội PCCC&CNCH, Trung úy Đỗ Đức Việt, Binh nhì Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an quận Cầu Giấy khi lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ sập xuống đè vào người khiến các anh hy sinh.

Trước đó, 3 cán bộ, chiến sĩ đã triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn.

Cách đó mấy năm, vụ cháy xảy ra ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào cuối năm 2016 từng gây xôn xao dư luận, khi vụ cháy làm 13 người thiệt mạng.

Cụ thể vụ việc xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 1/11/2016, Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, quê Nghệ An) và một công nhân được thuê đến để hàn sắt cắt bản lề, tháo cửa tại quán.

Tuấn lấy máy hàn, cắm điện, dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để dùng nhiệt cắt bản lề (mặc dù không có các dụng cụ che chắn, dụng cụ bảo đảm an toàn về PCCC) khiến vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bà Lê Thị Thì (SN 1962, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người thuê Hoàng Văn Tuấn. Bà Thì đã sử dụng lao động không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các qui định an toàn phòng chống cháy nổ và để anh Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa dẫn đến cháy.

Tháng 3/2018, phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, chủ quán karaoke), Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Ngày 12/9/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông và 2 bị cáo còn lại.

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên các quyết định bản án sơ thẩm và chủ quán karaoke chịu mức án 9 năm tù, hai bị cáo còn lại cùng mức án 7 năm tù.

Vụ cháy quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) cách đây 9 năm khiến 5 người tử vong cũng trở thành nỗi ám ảnh.

Quán karaoke An Phú. Ảnh: Thanh Tùng
Vụ cháy quán karaoke An Phú làm 32 người chết.

Vụ cháy xảy khi quán này đang hoạt động vào trưa 3/5/2014. Ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có 4 tầng và một tum nằm trên diện tích đất rộng khoảng 100m2. Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi.

Đến khoảng 15h, đám cháy cơ bản được khống chế, không còn khói bốc ra từ tòa nhà. Lực lượng phòng chữa cháy cấp cứu các nạn nhân ngay trên tầng thượng.

Có 5 người đã tử vong gồm 2 nạn nhân tử vong tại tầng 2 và 3 nạn nhân tử vong tại tầng 3. Trong số này, có một phụ nữ chết ngạt trong phòng vệ sinh.

Cũng trong năm 2014, quán karaoke ở phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng xảy ra cháy khiến 4 người tử vong. Theo đó, khoảng 16h ngày 6/11, đám cháy bùng phát từ tầng 2 tại quán karaoke NonStop, sau đó lan lên tầng 3.

Hậu quả khiến 4 người thiệt mạng do bị ngạt, trong đó có 2 vợ chồng và con nhỏ 4 tháng tuổi.

Kinh khủng nhất là vụ cháy quán karaoke An Phú tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương vào tháng 9/2022 gây rúng động dư luận khi đã làm 32 người chết. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở này.

Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về công tác PCCC&CNCH đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Tại Hội thảo “Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường” vừa diễn ra ngày 19/12, Đại tá, TS Lã Xuân Lực – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng: Trong thời gian gần đây, sự cố tai nạn cháy, nổ diễn biến phức tạp, trong đó có các vụ cháy xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường… làm chết nhiều người, gây tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.

Tuy nhiên, đến nay chưa có đánh giá toàn diện, đầy đủ về công tác PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Do vậy, cần phải hoàn thiện luận cứ khoa học để tham mưu xây dựng, hoàn thiện nội dung công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp.

Đó là lý do để Hội đồng lý luận Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường” nhằm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã được nghe các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND, các nhà lãnh đạo, quản lý, đại diện các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an một số địa phương trao đổi thảo luận, phân tích làm rõ về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích một số vấn đề trọng tâm theo chức năng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH như công tác tham mưu, công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, công kiểm tra an toàn PCCC, công tác xử lý vi phạm quy định về PCCC, công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH, công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời nêu bật những kết quả trong việc phối hợp giữa các chủ thể quản lý trong và ngoài ngành Công an trong thời gian vừa qua trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo chuyên ngành.

Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn phát biểu tại Hội thảo.
Trung tướng, PGS, TS Lê Quang Bốn phát biểu tại Hội thảo.

Các ý kiến tham luận cũng nêu rõ kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường ở nhiều địa phương trên cả nước, thông qua việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm giữa các chủ thể, các địa phương nhằm nâng cao hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Theo Trung tướng, PGS, TS Lê Quang Bốn, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường ở Việt Nam trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH các cấp chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các chủ thể kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường cũng như mọi tầng lớp nhân dân về công tác PCCC.

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về công tác PCCC&CNCH đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho các các chủ thể kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường.

Thực hiện nghiêm túc đề án sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy theo quy định của Bộ Công an; nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo tình hình, cảnh báo về cháy, nổ, tai nạn, sự cố đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành và lãnh đạo, chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời và hiệu quả trong mọi tình huống xảy ra.

Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, đặc biệt là quan hệ phối hợp giữa ngành Công an với ngành Văn hóa, Công an các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương với Sở Văn hóa thể thao và du lịch.

Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện kỹ thuật, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, chú trọng công tác tổ chức diễn tập nhằm tăng cường tính chủ động của các lực lượng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong thực tế.
Trường Đại học PCCC cần rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tập trung đầu tư, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập, xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố đối với các loại hình cơ sở, trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực mà nhu cầu thực tiễn đặt ra./.

Bài liên quan
  • Nan giải an toàn PCCC ở các khu tập thể cũ
    Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)... đang tồn tại những bất cập trong PCCC.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cháy nổ karaoke, vũ trường: Quy định pháp luật PCCC chưa theo kịp thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO