Nan giải an toàn PCCC ở các khu tập thể cũ
Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)... đang tồn tại những bất cập trong PCCC.
Toàn thành phố Hà Nội hiện cũng có mấy nghìn công trình cao tầng, gồm các loại hình nhà chung cư, nhà hỗn hợp, trụ sở cơ quan, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học. Trong đó có 94 công trình cao trên 100m. Điển hình như: toà nhà Lotte (Ba Đình); toà Keangnam (Nam Từ Liêm), khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai), khu đô thị Times City (Hai Bà Trung), khu đô thị Royal City (Thanh Xuân)...
Trong khi đó, với tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá và mật độ dân số tăng nhanh, các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình hiện đại, đa năng, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… tiếp tục được xây dựng và phát triển. Kèm theo đó là nhu cầu sử dụng điện, xăng, dầu, khí đốt, hoá chất ngày càng lớn.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp, có thể vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, bao gồm: khu dân cư tại các phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Hòm… (Hoàn Kiếm); Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống, gồm: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)...
Năm 2022, vụ cháy xảy ra tại phòng 116 B9 tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa có quy mô không lớn. Đám cháy được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt trong vòng 13 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin, nhưng đã để lại hậu quả nặng nề khiến năm người chết.
Thời điểm xảy ra đám cháy trong nhà có bảy người. Ngôi nhà xảy ra cháy gồm hai tầng và một tum, tổng diện tích khoảng 41m2, có lối thoát hiểm trên nóc nhà.
Do căn nhà dạng ống, diện tích nhỏ hẹp, không có đường thoát nhiệt cho nên khi đám cháy xuất phát từ tầng một đã làm nhiệt độ trong nhà tăng cao, khói đặc kín, khiến năm người mắc kẹt tại tầng hai, chỉ có hai người kịp thoát nạn qua lối thoát hiểm. Đó là vụ cháy thêm một lần nữa báo động về nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư, khu tập thể cũ.
Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ.
Nhằm khắc phục các hạn chế, trong thời gian qua nhiều quận, huyện, cơ sở đã bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy... nhưng vẫn còn 1.316 cơ sở, phần lớn là chung cư, tập thể cũ chưa xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này do việc phân loại, xác định chủ sở hữu các chung cư, nhà tập thể cũ để bố trí nguồn kinh phí gặp rất nhiều khó khăn vì các khu nhà này tồn tại từ lâu.
Hồ sơ quản lý, theo dõi không đầy đủ và phần lớn các căn hộ chung cư, tập thể cũ đã bán cho người dân, trong khi theo Luật Nhà ở, trách nhiệm cải tạo, sửa chữa, khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy thuộc về người dân.
Không ít người dân vẫn bất chấp hiểm họa cháy nổ khi tự ý bịt kín cửa sổ, ban công, lô gia, dựng chuồng cọp để tăng diện tích sử dụng, để vật dụng cá nhân tại hành lang, cầu thang và nhất là lấn chiếm không gian chung để cơi nới, xây dựng công trình, gây cản trở lối thoát nạn. Nguy cơ cháy nổ tại các chung cư, tập thể cũ luôn rình rập.
Khu tập thể trên phố Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay có hơn 700 hộ dân đang sinh sống trong điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Những đường điện chằng chịt, có nguy cơ xảy ra chập cháy cao là một trong những mối nguy treo lơ lửng trên đầu những người dân sống tại đây.
Khu dân cư số 5, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) – nơi tập trung khá nhiều khu nhà tập thể cũ, xây dựng từ những năm 1960. Đa phần với các hộ dân sinh sống ở đây, việc cơi nới không gian sống, mở rộng diện tích bằng những lồng sắt đã trở thành thực trạng phổ biến và điều này vô hình trung trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Mặc dù hệ thống báo cháy đã cũ kỹ, thậm chí không còn hoạt động nhưng tại khu vực hành lang của khu tập thể này không hề thấy sự xuất hiện của phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, hộp cứu hỏa và vòi nước. Thậm chí, người dân còn "tận dụng" góc cầu thang, hành lang làm nơi... đốt vàng mã.
Hiểm hoạ cháy nổ tiềm ẩn tại các nhà tập thể cũ trên địa bàn rất rõ bởi sự xuống cấp trầm trọng của loại nhà xây dựng từ những năm 1980 của Thế kỷ trước. Sự xuống cấp của nhà tập thể cũ, chung cư cũ kéo theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân đã càng làm cho “bà hoả” có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Khu tập thể cũ Xe lửa Gia Lâm là một trong nhiều tập thể - chung cư cũ trên địa bàn đã sử dụng gần 40 năm và đến nay chưa một lần được cải tạo, nhưng nhu cầu sử dụng của người dân đã tăng lên gấp nhiều lần. Do đó công năng và diện tích, hạ tầng của nó đã không còn khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hiện nay của người dân. Thế nhưng, nó vẫn phải gánh chịu những nhu cầu hiện tại của con người, vì thế trở nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao bởi sự chắp vá...
Qua rà soát, thống kê, hiện tại trên địa bàn quận Long Biên có khoảng 30 chung cư, tập thể cũ. Phần lớn các chung cư này đều xuống cấp, hư hỏng nặng sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng; do sự gia tăng dân số cùng với thiếu quan tâm trong công tác quản lý dẫn đến quy hoạch, kiến trúc và chất lượng công trình nhà ở các khu chung cư cũ đã bị biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng.
Cấu trúc và hình thức kiến trúc của toàn bộ các khu nhà tập thể cũ trên toàn thành phố hiện nay đã bị thay đổi do tình trạng xây dựng lấn chiếm, cơi nới tự do, tùy tiện. Hệ thống hạ tầng đã bị quá tải và xuống cấp trầm trọng.
Các nhà tập thể cũ đều được xây dựng trước khi Luật PCCC ra đời, nên không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC, không có đủ các trang thiết bị về PCCC; các khu vực người dân sinh sống tự ý cơi nới, lấn chiếm, làm gia tăng nguy cơ cháy lan, gây cháy lớn.
Hầu hết các chung - tập thể cũ đều rơi vào tình trạng không lối thoát nạn thứ 2, chuồng cọp được hàn chặt, đường điện cũ kỹ, đồ đạc chất đống khắp hành lang… đó là nguyên nhân làm hại những người đang sinh sống tại các chung cư - tập thể cũ, khi có hoả hoạn xảy ra.
Thế nhưng, đối với người dân đã gắn bó lâu dài ở những nơi này thì không có thay đổi gì khác, bởi điều kiện kinh tế eo hẹp. Điều bất cập nhất tại các khu chung cư, tập thể cũ hiện nay là không đủ điều kiện PCCC nhưng cũng không thể cải tạo, khắc phục để cho cuộc sống sinh hoạt của người dân được an toàn hơn.
Bởi vì, đây là tập thể cũ, kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC lấy từ đâu, người dân đóng góp thì kinh tế khó khăn, còn chủ đầu tư, ban quản lý nhà đã không còn tồn tại... Chính vì những lý do này đã làm cho các biện pháp an toàn PCCC tại đây chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn từ lực lượng Cảnh sát PCCC cơ sở.
Để ngăn chặn cháy, nổ tại các chung cư, tập thể cũ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành các quy định về PCCC.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo tại các khu tập thể cũ, mỗi thành viên cần tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC), tuân thủ quy định về PCCC tại nơi cư trú.
Thực tế, để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình chung cư, tập thể cũ, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Đặc biệt, sau khi Nghị định 136/2020 của Chính phủ có hiệu lực (từ đầu năm 2021) đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Thực tế cho thấy, công tác PCCC ở các chung cư cũ, nhà tập thể còn nhiều tồn tại, bất cập. Để tránh những tai nạn, sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp ở cơ sở cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp PCCC hiệu quả.
Thời gian qua, các khu chung cư, khu tập thể san sát nhau được các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC thuộc Công an TP Hà Nội hướng dẫn tận tình các biện pháp xử lý khi gặp trường cháy nổ xảy ra. Thông qua trực tiếp khảo sát từng hộ dân cư, Cảnh sát PCCC có thể phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng thiết kế nhà trong khu vực. Công cuộc tuyên truyền lan tỏa tích cực từ cá nhân đến từng khu tập thể nơi người dân sinh sống./.