Chiến lược chuyển đổi số "4 không 1 có" của Thừa Thiên Huế

Bảo Bình| 12/05/2021 14:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) "4 không 1 có" của Thừa Thiên Huế là làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.

Tư duy đột phá, quyết tâm trong triển khai CĐS

Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, CNTT là đột phát, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Những năm vừa qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước ban hành các chính sách phát triển và ứng dụng CNTT. Năm 2014, Thừa Thiên Huế triển khai 5 phần mềm dùng chung theo định hướng hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung. Năm 2016, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế được khai trương. Năm 2019, Quyết định số 1779/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM). Tháng 7/2020, Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 1957/QĐ-UBND phê duyệt chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chính Quyết định số 1957/QĐ-UBND về chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra phương châm CĐS "4 không 1 có" của tỉnh, bao gồm: Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung nhiều; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu đã được số hóa chưa.

Chương trình CĐS Thừa Thiên Huế cũng mục tiêu đến năm 2025, 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (Ngoại trừ các văn bản Mật theo quy định). Đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế đều tham gia hệ thống chính quyền điện tử (CQĐT). Dịch vụ ĐTTM được xác thực định danh điện tử thông suốt hợp nhất từ hệ thống Trung ương.

Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu trong 4 năm tới, 100% người dân đảm bảo điều kiện được phổ cập điện thoại thông minh (smartphone); 50% người dùng smartphone tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 50% người dùng smartphone được tiếp cận với các dịch vụ CQĐT, dịch vụ ĐTTM.

Trong tuần lễ CĐS - Huế 2021 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng Tuần lễ CĐS đã thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu và một tư duy đột phá, quyết tâm trong triển khai CĐS.

"Tỉnh Thừa Thiên Huế không phải tỉnh đầu tiên trên cả nước lựa chọn và công bố ngày CĐS của tỉnh, nhưng là địa phương đầu tiên tổ chức, không chỉ một ngày mà tổ chức thành một sự kiện tuần lễ. Thông thường, những sự kiện tuần lễ chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa, du lịch hay thương mại", Thứ trưởng Dũng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng gợi ý UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hãy lựa chọn mục tiêu đột phá của năm 2021 để tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả, như cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển của CPĐT trong năm 2021 với chỉ tiêu đặc trưng nhất là tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Năm 2021, Thừa Thiên Huế hãy đưa 100% DVCTT lên mức độ 4, đưa tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ lên trên 50%, đưa tỷ lệ hồ sơ xử lý hoàn toàn trực tuyến lên trên 50%. Tỉnh kết nối thử nghiệm và tiến tới khai thác hiệu quả 02 CSDL quốc gia lớn là dân cư và đất đai.

Chiến lược chuyển đổi số

Hội thảo về chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025, một sự kiện của Tuần lễ CĐS - Huế 2021

Hỗ trợ DN CĐS

"Thừa Thiên Huế hãy triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh với mục tiêu kép vừa phục hồi kinh tế sau COVID-19", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện Tuần lễ CĐS - Huế 2021.

Theo Thứ trưởng, Thừa Thiên Huế nên duy trì sự kiện Tuần lễ CĐS tổ chức hàng năm. Năm sau tốt hơn năm trước và hàng năm công bố bài toán của tỉnh và đặt hàng DN giải quyết với mức trao thưởng xứng đáng.

Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5.437 DN đang hoạt động, trong đó 4.620 DN nhỏ và vừa, chiếm 86,4%. Theo TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 1/3 DN đã chuẩn bị tốt cho CĐS , tuy nhiên, số DN còn lại trong tỉnh vẫn đang được chèo lái một cách "bấp bênh", chậm chạp, còn đang rất mơ hồ về khái niệm "CĐS". Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch với lượng khách giảm 60%, doanh thu giảm 64%.

Tương tự, Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế cho biết tỷ lệ các DN triển khai CĐS chưa đến 50% số DN được khảo sát, nhiều DN chưa nắm rõ về CĐS. Nhiều DN chưa quan tâm đến cơ sở dữ liệu khách hàng. Về thanh toán, DN vẫn sử dụng song song hai hệ thống qua chuyển khoản, và tiền mặt. Các xu hướng thanh toán bằng e-banking và Mobile-banking có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, hình thức văn bản giấy và trực tiếp vẫn chiếm đa số.

Các DN tại Thừa Thiên Huế đang đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT để cho phép CĐS (16,7%, thiếu tư duy CĐS (15,7%)....

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh đang có các chương trình nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trên địa bàn triển khai CĐS. Cụ thể, tỉnh đang có chính sách hỗ trợ DN mới trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế như hỗ trợ miễn phí 01 năm sử dụng chữ ký số; hỗ trợ miễn phí chi phí hóa đơn điện tử; Hỗ trợ chi phí thuê kế toán.

Hạ tầng thông tin và truyền thông của Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng cho CĐS, trong đó sóng di động công nghệ 4G đã phủ đến 90% dân cư, hiện Huế đang tiến hành triển khai mạng 5G. Hệ thống cáp quang đã tiếp cận đến tận cấp xã, hệ thống WiFi công cộng rộng khắp.

Ngoài ra, Huế cũng có hệ thống camera giám sát an ninh thành phố. Về hệ thống camera giám sát này, Trung tâm điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế đã áp dụng tại các đơn vị hành chính và các tổ chức chuyên môn của tỉnh. Là thành phố du lịch, đón nhiều du khách trong và ngoài nước nên tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai lắp đặt camera cảm biến ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong và ngoài các di tích lịch sử, để đảm bảo tính an toàn cho du khách và nhằm mục đích phục vụ giám sát. Tình hình giao thông, trật tự công cộng và an ninh tại Thừa Thiên Huế cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Chiến lược chuyển đổi số

Là thành phố du lịch, đón nhiều du khách trong và ngoài nước nên tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai lắp đặt camera cảm biến ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong và ngoài các di tích lịch sử

Hiện tại, Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu đầu tư các dự án trọng điểm như nâng cấp hạ tầng đảm bảo nền tảng CĐS; Đề án phát triển dịch vụ ĐTTM giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030; Phát triển hạ tầng IoT phục vụ CĐS và phát triển dịch vụ ĐTTM; Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ hoàn thiện phát triển chính quyền số.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược chuyển đổi số "4 không 1 có" của Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO