Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT

04/08/2016 14:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong chuyến thăm và làm việc với VNPT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong một khoảng thời gian ngắn, VNPT đã thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện và bước đầu đạt những kết quả khả quan.

Sáng nay (4/8), Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ  đã tới thăm và làm việc với Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại trụ sở 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Cùng dự buổi làm việc  có lãnh đạo các Bộ, Ngành: Ông Trương Minh Tuấn - Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TTTT;  ông Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện một số Bộ Ngành và Văn phòng Chính phủ…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tập đoàn VNPT

Tăng trưởng vượt bậc sau tái cấu trúc

Đại diện Tập đoàn VNPT, Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã báo cáo Thủ tướng các kết quả triển khai triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015. Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết,  trong 2 năm qua, Tập đoàn VNPT đã quyết liệt triển khai và đã triển khai được một khối lượng công việc khá lớn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra trong Đề án tái cơ cấu.

Theo đó, VNPT đã tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh” và phân công công đoạn từng đơn vị thành viên với nguyên tắc “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả” theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ 01/4/2014 đến 31/12/2014): Thành lập 63 5 Trung Tâm kinh doanh tại 63 Viễn thông tỉnh, thành phố và 5 Công ty dọc nhằm chia tách và chuyên biệt hóa giữa hoạt động kinh doanh và kỹ thuật tại 63 Viễn thông tỉnh, thành phố và 5 Công ty dọc và hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt toàn quốc đến tận phường xã. Giảm tỷ lệ lao động quản lý tại các đơn vị kinh tế trực thuộc từ trên 20% xuống còn gần 10%; lao động làm công tác kinh doanh đã được tăng cường từ 4.000 người lên 15.000 người.

Giai đoạn 2 (từ 01/01/2015 đến 30/9/2015): Thành lập 03 Tổng công ty: VNPT-Net (hạ tầng), VNPT-Vinaphone (kinh doanh), VNPT-Media (dịch vụ/truyền thông) đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2015 theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh”. Trong giai đoạn này hoàn thành bước đầu việc dịch chuyển và sắp xếp vị trí làm việc của gần 6.000 lao động của 5 công ty dọc.

 Giai đoạn 3 (từ ngày 01/10/2015): Tái cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành Tập đoàn: tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tham mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc theo hướng tách bạch chức năng tư vấn, xây dựng chiến lược dài hạn giúp việc cho Hội đồng thành viên (đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp) với chức năng tham mưu giúp việc cho Tổng giám đốc (quản trị xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giám sát, kiểm tra triển khai chiến lược của doanh nghiệp). Bộ máy quản lý của Công ty mẹ - Tập đoàn đã được tổ chức, sắp xếp lại, giảm từ 15 đầu mối với hơn 500 lao động còn 11 đầu mối với 300 lao động và chỉ tập trung vào công tác quản lý chiến lược, điều phối hoạt động và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên.Bên cạnh đó, Tập đoàn đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin. Việc đưa vào áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…), thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân đã giúp VNPT tạo bước thay đổi trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT, loại bỏ tình trạng lao động ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương; thu nhập bình quân người lao động giai đoạn 2014-2015 đã tăng trưởng được hơn 30% so với thời kỳ 2012-2013.

Trong bối cảnh vừa phải tập trung nhân lực để triển khai tái cơ cấu một cách toàn diện, sắp xếp lại nguồn nhân lực, tổ chức lại SXKD trong toàn Tập đoàn, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp... song Tập đoàn VNPT cũng vẫn đảm bảo tốt hoạt động SXKD, duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, với doanh thu.

Tổng doanh thu giai đoạn 2011-2015 đạt 562.653 tỷ đồng, bằng 100,9% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân bằng 3,9%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 6%/năm). Tổng lợi nhuận giai đoạn 2011-2015 đạt 34.091 tỷ đồng, bằng 92,1% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm). Tổng nộp NSNN toàn VNPT giai đoạn 2011-2015 đạt 34.232 tỷ đồng, bằng 110,8% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4%/năm(riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,6%/năm). Tổng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 đạt 52.907 tỷ đồng, bằng 78,8% kế hoạch, bình quân giảm 16,7%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của toàn VNPT giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 10,3%/năm. Tổng số thuê bao điện thoại của Tập đoàn đến hết năm 2015 đạt 32,7 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động Vinaphone là 28,7 triệu thuê bao, tăng 3,5 triệu thuê bao so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,4%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 5,5%/năm). Tổng số thuê bao Internet băng rộng của Tập đoàn đến hết năm 2015 đạt 3,6 triệu thuê bao, tăng 1,95 triệu thuê bao so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng quân đạt 16,5%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 18,2%/năm).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn khẳng định hiện VNPT đã cơ bản hoàn thành các nội dung của đề án tái cơ cấu và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Hiện VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL,WiFi, set top box, điện thoại di động…, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng. Bộ đánh giá cao nỗ lực của VNPT và đề nghị VNPT tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương đánh giá cao việc VNPT thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện mà vẫn ổn định tư tưởng CBCNV. Trước tái cơ cấu VNPT nằm trong nhóm chịu rủi ro lớn, có nguy cơ giảm thị phần mạnh song những kết quả đạt được đã vượt sự mong đợi.

Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT

Sau khi nghe báo cáo của VNPT và ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành quả đạt được trong quá trình tái cấu trúc của VNPT. Trong một khoảng thời gian ngắn song VNPT đã thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện và bước đầu đạt những kết quả khả quan. VNPT nhìn chung đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung đề ra theo Quyết định tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Tập đoàn VNPT đã có bước thay đổi toàn diện về tổ chức hoạt động theo đúng mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin hiện đại; Tổ chức quản lý tập trung, thống nhất, chất lượng dịch vụ được cải thiện. VNPT đã có sự đổi mới quyết liệt trong công tác quản trị điều hành, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công tác cán bộ. Chất lượng nguồn nhân lực của Tập đoàn được nâng cao, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.  Tập đoàn đã bước đầu cho ra mắt sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, VNPT đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào VNPT.

Thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả này là nhờ sự quyết tâm của các cơ quan Đảng, của lãnh đạo và của toàn bộ CBCVN VNPT. Thủ tướng đánh giá cao VNPT  trong việc áp dụng CNTT vào quá trình tái cấu trúc, như việc đưa vào triển khai mô hình quản trị doanh nghiệp ETOM hay công cụ Thẻ điểm cân bằng (BSC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Tập đoàn VNPT cần triển khai một số việc trong thời gian tới. Đó là:

- Phát triển mạng viễn thông di động, phát huy thương hiệu Vinaphone đạt tầm quốc tế, giữ vững vị trí thứ hai và phấn đấu đưa Vinaphone vươn lên vị trí hàng đầu trong kinh doanh viễn thông di động; nghiên cứu để phát triển thị trường ngoài nước.

- Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin. Tham gia tích cực vào xây dựng chính phủ điện tử do VPCP chủ trì, tập trung vào truyền đưa văn bản điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, y tế từ xa, giáo dục, giao thông.

- Nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền của Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước đến cấp xã. Bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh cho mạng truyền dữ liệu quan trọng này.

- Sử dụng mạng truyền dữ liệu chuyên dùng để kết nối, liên thông văn bản điện tử, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến, tỉnh, huyện, xã.

Như vậy, VNPT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung đề ra theo Quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ. VNPT sẽ tiếp tục hoàn thành các nội dung còn lại trong thời gian sớm nhất : Ban hành Quy chế tài chính Tập đoàn, Điều lệ tổ chức và hoạt động của các công ty con trong tập đoàn. Hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch SXKD, kế hoạch đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020; trong đó chú trọng lựa chọn công nghệ hiện đại, đầu tư có trọng điểm vào lĩnh vực có hiệu quả cao; phấn đấu để có các sản phẩm công nghiệp viễn thông của VNPT. Ngoài ra, VNPT cần nỗ lực cao hơn nữa để tăng lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách,.. trong giai đoạn 2016-2020, Nghiên cứu, xây dựng phương án cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 nhằm thu hút nguồn lực để đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế và vai trò là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu về cung cấp hạ tầng mạng trục viễn thông, mạng cố định, hệ thống vệ tinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng khai trương dịch vụ vệ tinh Vinaphone S

Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và khai trương dịch vụ vệ tinh di động của Vinaphone-S.

Với thiết bị di động vệ tinh và SIM Vinaphone trả sau đã đăng ký dịch vụ Vinaphone-S, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ thoại, nhắn tin SMS, định vị vệ tinh (GPS), đảm bảo thông tin liên lạc tại bất cứ nơi đâu, không giới hạn không gian và khoảng cách, không bị phụ thuộc vào các điều kiện cơ sở hạ tầng, thời tiết, địa lý. Với thao tác đăng ký và sử dụng đơn giản, Vinaphone-S đáp ứng được nhu cầu sử dụng và mang lại lợi cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đối với các cơ quan nhà nước, dịch vụ Vinaphone-S là một giải pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát của lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải cảnh, hỗ trợ người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc xuyên suốt cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, ngư nghiệp, vận tải quốc tế, xây dựng, du lịch. Đối với cá nhân, dịch vụ Vinaphone-s sẽ là bước tiến đột phá đối với những khách hàng thường xuyên di chuyển, làm việc tại các vùng không có sóng di động như ngư dân, cán bộ giàn khoan, cán bộ kiểm lâm, lực lượng tuần tra duyên hải…

Lan Phương

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO