Chính phủ kiến tạo và sức mạnh của báo chí

Hà Chính| 21/06/2016 12:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếng nói phản biện chính sách, phản ánh thực tế của báo chí cũng là tiếng nói của nhân dân. Không thể thiếu tiếng nói ấy trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Ảnh TTO

Không lâu sau khi Chính phủ được kiện toàn và chỉ vài ngày trước hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước (ngày 29/4 tại TP. Hồ Chí Minh), dư luận “nổi sóng” khi báo chí liên tục đề cập vụ quán cà phê Xin Chào ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà kể lại, khi đang báo cáo về Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp thì Thủ tướng đưa ra bài báo về vụ quán Xin Chào. Và ông có ngay ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc chứ không chờ cơ quan chức năng tham mưu.

Vụ quán cà phê Xin Chào khép lại với kết thúc có hậu, có lý, có tình cho ông chủ quán, nhưng với những người chèo lái con thuyền kinh tế quốc gia, thì vấn đề không dừng lại ở đó. Tại hội nghị với hàng nghìn doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4, trong số nhiều thông điệp quan trọng, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm môi trường an toàn cho doanh nghiệp hoạt động. Thông điệp này tiếp tục được ông nhắc lại nhiều lần tại các cuộc họp và sau đó, được Chính phủ khẳng định tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Từ khi nhận trọng trách mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất nhiều lần nhấn mạnh những quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. Đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính. Và câu chuyện của ông chủ quán cà phê - từ chỗ được báo chí phản ánh cho tới khi trở thành chủ trương trong Nghị quyết của Chính phủ - chỉ là một ví dụ cho thấy vai trò rất quan trọng của báo chí trong việc góp phần thực thi những quan điểm đó của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần khẳng định xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế. Trong xây dựng thể chế, thì việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh được coi là nhiệm vụ “trọng tâm của trọng tâm” hiện nay. Bản thân những trường hợp như quán cà phê Xin Chào hay gần đây là vụ Viet Foods bị tịch thu “oan” hàng tấn xúc xích và chịu thiệt hại nặng cho thấy nếu không thiết lập được một nền tảng thể chế tốt, thì những vụ việc như vậy hoàn toàn có thể lặp lại trong tương lai.

Tại cuộc gặp mới đây với các nhà báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và báo chí là một kênh thông tin quan trọng để Chính phủ tham khảo. “Nếu chỉ căn cứ vào công văn, hành chính không thì chưa chắc thông tin đã đầy đủ. Lãnh đạo cũng cần có báo chí để có thông tin chính xác, trung thực, kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đây chính là lý do mà tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống kê, tổng hợp các tin, bài báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai kết quả xử lý. Từ những vụ việc cụ thể trên báo chí, các nhà hoạch định chính sách có thêm dữ liệu để phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách và thực thi chính sách, từ đó hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Rõ ràng là muốn xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển, Nhà nước phục vụ nhân dân, thì phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Có nhiều kênh khác nhau để tiếng nói của người dân đến được với các cấp chính quyền, trong đó có kênh rất quan trọng qua báo chí. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, đất nước càng dân chủ bao nhiêu, thì tính công khai, minh bạch và tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Theo Thủ tướng, “tiếng nói của báo chí là tiếng nói của công luận, cũng là sức mạnh của chính chúng ta”.

Chính phủ và nhân dân ngày càng đánh giá cao và cũng mong đợi nhiều hơn vào sức mạnh chân chính ấy của báo chí.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ kiến tạo và sức mạnh của báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO