Chính phủ quyết liệt hiện thực hóa cam kết COP26 về phát thải ròng bằng 0

Trần Cao| 13/10/2022 08:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại COP26, có gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các cam kết này.

Tại Hội thảo về “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 11/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.

Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết lớn như đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040. Việt Nam cũng đưa ra những tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Tại COP26, có gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các cam kết này. Vì thế, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Việt Nam là một trong những nước đã tham gia vào các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ rất sớm. Chẳng hạn, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) vào năm 1994. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, chính sách mới về tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu, như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết, Chính phủ cũng đã đưa ra lộ trình tổng thể trong đó có việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, triển khai thực hiện kịp thời các cam kết tại COP26 sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho Việt Nam. Thực tế, cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và hầu hết các quốc gia đều nỗ lực thực hiện. Với những cam kết này, Việt Nam cần tận dụng cơ hội để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát thải carbon thấp.

Vị lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cũng cho rằng để thực hiện từng bước mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, cần có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng các loại năng lượng ít phát thải, giảm dần việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch. Một vấn đề rất quan trọng nữa là sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, đồng lòng quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu bằng các hành động quyết liệt, hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt trong việc thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng 0. Chúng ta là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất về phát thải bằng 0. 

Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0, ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp được xác định rất quan trọng. Bởi vì doanh nghiệp không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn góp phần trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất xanh, phát triển bền vững. Chính doanh nghiệp sẽ là những đối tượng sẽ chuyển thách thức thành cơ hội trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nguồn lực doanh nghiệp sẽ thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Chính phủ quyết liệt hiện thực hóa cam kết COP26 về phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp là động lực chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiệm vụ hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng mở ra cho các doanh nghiệp những cơ hội nghiên cứu phát triển mới, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sáng tạo và tiếp cận với các nguồn tài chính xanh, đầu tư vào các hoạt động giúp giảm thiểu hậu quả phát thải khí nhà kính, từ đó thích ứng dần và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, mở ra con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Hiện nay, theo khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và báo điện tử VnExpress với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về các chính sách, cơ chế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, có đến 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. 

Ngoài ra, về nội dung nắm rõ chính sách liên quan đến giảm phát thải, có chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ những chính sách này. Điều đó nghĩa là có hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt, hiểu hết các chính sách liên quan đến giảm phát thải.

Thực tế này đặt ra những cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, về việc thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 và chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để khai thác cơ hội từ nền “kinh tế xanh”, đặc biệt là các lĩnh vực như tiện ích (năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải…), vật liệu, công nghiệp….

Để cộng đồng doanh nghiệp chung tay và phát huy vai trò quan trọng trong mục tiêu hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0, hoạt động truyền thông tới các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh, các thông tin về chính sách liên quan đến giảm phát thải, cũng như các cam kết của Chính phủ tại COP26 cần được các doanh nghiệp nắm rõ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.

Trong khi đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác, đặc biệt là chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong tình hình mới.

Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” được đánh giá góp phần giúp các chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0 được lan rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, các bên liên quan. Đặc biệt, Hội thảo cũng giúp các doanh nghiệp nhận diện cơ hội và thách thức trong bối cảnh yêu cầu kinh doanh mới của nền kinh tế bền vững. Nhiều kiến nghị, giải pháp cũng đã được đưa ra tại Hội thảo, giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, doanh nghiệp là động lực chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp cũng chính là lực lượng sẽ triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 khác biệt trong đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Tập đoàn Phenikaa
    Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa) cùng các đối tác cam kết đào tạo tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
  • Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói về 6 nhà lãnh đạo kiệt xuất “định hình thế giới”
    Bằng những kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ làm chính trị gia, Henry Kissinger trong cuốn sách cuối cùng của mình “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”, đã xem xét chiến lược của 6 nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX và đưa ra một lý thuyết về lãnh đạo và ngoại giao.
  • Xây dựng Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Một trong những bước đi của chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về nhân lực bán dẫn”.
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ quyết liệt hiện thực hóa cam kết COP26 về phát thải ròng bằng 0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO