Chính sách mới thêm sức mạnh cho doanh nghiệp phát triển
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15. Luật Tần số vô tuyến điện sẽ góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy Luật quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Luật Tần số vô tuyến điện là một hệ thống quy định quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và an toàn bức xạ vô tuyến điện. Đây là một cơ chế quan trọng để đảm bảo việc truyền thông vô tuyến diễn ra một cách hiệu quả và an toàn cho cả xã hội và môi trường. Luật này được sửa đổi và bổ sung để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và đảm bảo sự phù hợp với pháp luật hiện hành.
Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Tuấn: “Trong Luật Tần số vô tuyến điện lần này, đã bổ sung quy định làm rõ tiêu chí trường hợp nào tổ chức đấu giá, trường nào cấp trực tiếp. Điều này rất quan trọng để cơ quan thực thi rõ trong triển khai thực tế. Mặc dù đấu giá sẽ lựa chọn doanh nghiệp dựa trên mức trả giá của doanh nghiệp nhưng chúng ta vẫn đặt mục tiêu doanh nghiệp vẫn phải triển khai mạng để tạo ra một hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Luật lần này đã bổ sung quy định về các cam kết triển khai mạng lưới của doanh nghiệp kèm theo đó là các biện pháp xử lý nếu doanh nghiệp không thực hiện theo cam kết đó; Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong khi dùng các băng tần dành cho thông tin di động. Chính phủ sẽ tổ chức xác định giá khởi điểm như thế nào vấn đề khi đấu giá thì chỉ có một doanh nghiệp tham gia đủ thiếu những vấn đề đó sẽ được xử lý trong nghị định hướng dẫn. Thiết kế của Luật để làm sao chọn những doanh nghiệp có năng lực tốt nhất để sử dụng, để được cấp cấp quyền sử dụng; thiết kế để trao cho những doanh nghiệp tốt nhất và sẽ làm tốt nhất”.
Bên cạnh đó Nghị định số 63/NĐ-CP đã quy định chi tiết các nội dung Luật giao cho Chính phủ theo các khoản 4 Điều 16, khoản 5 Điều 18, khoản 5 Điều 18a, điểm b khoản 1 Điều 19, khoản 5 Điều 24, khoản 3 Điều 25, khoản 3 Điều 26, khoản 4 Điều 31 và khoản 2 Điều 32 Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15; Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Đối tượng áp dụng của Nghị định là các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) tại Việt Nam; Không áp dụng đối với việc sử dụng TSVTĐ chỉ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Kết cấu của Nghị định: Nghị định gồm 9 Chương 89 Điều quy định các vấn đề sau:
Chương I. Quy định chung
Chương II. Cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng TSVTĐ; đình chỉ một phần quyền sử dụng TSVTĐ.
Chương III. Cho thuê, cho mượn thiết bị VTĐ
Chương IV. Sử dụng chung TSVTĐ
Chương V. Chuyển nhượng quyền sử dụng TSVTĐ
Chương VI. Tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ
Chương VII. Chứng chỉ VTĐ viên
Chương VIII. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021
Chương IX. Hiệu lực thi hành
Các nội dung chính quy định tại Nghị định gồm: Các vấn đề cấp (Bao gồm cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp), cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện (VTĐ), sử dụng chung TSVTĐ, chuyển nhượng quyền sử dụng TSVTĐ và cấp chứng chỉ VTĐ viên được nâng thẩm quyền quy định từ Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) tại Luật số 42/2009/QH12 thành Chính phủ. Các quy định mới Chính phủ được giao hướng dẫn gồm: Đình chỉ một phần quyền sử dụng TSVTĐ; Cấp trực tiếp giấy phép sử dụng băng tần cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, cấp lại giấy phép sử dụng băng tần; Tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ; Thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện để cấp chứng chỉ VTĐ viên.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 2 Luật số 09/2022/QH15 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung lĩnh vực TSVTĐ được sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính nên cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ để hướng dẫn việc quản lý, sử dụng thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về TSVTĐ.
Hiệu lực thi hành của Nghị định: Nghị định 63/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/8/2023. Luật số 09/2022/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023, do vậy Nghị định ban hành có hiệu lực ngay để hướng dẫn các nội dung được giao khi Luật có hiệu lực và để đồng bộ các quy định đã có, bảo đảm hoạt động quản lý được thông suốt. Nghị định 88/2021/NĐ-CP, ngày 1/10/2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; Đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.