Chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Những năm qua, chính sách xã hội được xây dựng thực hiện khá hiệu quả, việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người chính là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng ta được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ. Cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
Chính sách xã hội là một trong những chính sách quan trọng ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chính sách xã hội nhằm trợ giúp các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương về mặt xã hội. Chính sách xã hội triển khai hiệu quả trong đời sống nhân dân sẽ là động lực thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững. Trong thế kỷ XXI chính sách xã hội không chỉ bao gồm chức năng quản lý xã hội, mà còn thể hiện mong muốn của Nhà nước hướng đến một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.
Trong đó nhiều văn kiện của Đảng và Hiến pháp đã đề cập chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” xác định “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hội nghị đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, trong đó tiếp tục khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người. Quan điểm này của Đảng đã mở rộng ra toàn bộ chính sách xã hội khác.
Việc giải quyết các vấn đề xã hội từ Nhà nước đóng vai trò nòng cốt và chủ yếu chuyển sang Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đi đôi phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thị trường, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân như lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”.
Quyền được bảo đảm an sinh xã hội được hiến định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp. Luật Bảo hiểm xã hội là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội và có tác động trực tiếp tới mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cũng cần được đề cập, như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp...
Thời gian qua, chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội được triển khai và đi vào cuộc sống. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới cấp xã (tương ứng với 10.595 xã đã thành lập ban chỉ đạo); 46/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, 60/63 tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 62/63 tỉnh, thành phố trích ngân sách hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Kết quả cho thấy, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng cao. Tập trung xử lý các vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp hơn mục tiêu đề ra.
Hiện nay tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngày 6/1/2023: Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023). Trong đó, khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (với gần 1,83 triệu người) - vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025.
Chính sách an sinh xã hội giúp con người, vì con người
Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,7 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35%, vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với trên 93,3 triệu người tham gia, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15, ngày 10/11/2022, của Quốc hội “Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng. Trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trích Quỹ “Vì người nghèo” và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc vận động đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số trên 8,84 triệu suất quà, trị giá trên 5.055 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 vận động được 5,37 triệu suất quà trị giá khoảng 2.389 tỷ đồng). Các cấp hội chữ thập đỏ đã trợ giúp trên 1,52 triệu lượt người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 1.036 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trao 274.206 thẻ bảo hiểm y tế, 18.353 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Nhận thấy hiện nay, một số chính sách, quy định về bảo hiểm xã hội đang được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện, cải thiện hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, giúp đỡ người lao động tiếp cận tốt hơn với việc làm, đặc biệt là trong thời kỳ có biến chuyển vĩ mô về năng lượng, dân số, công nghệ cũng như khủng hoảng toàn cầu thường xuyên, như đại dịch và chiến tranh...
Chương trình nghị sự phát triển quốc tế hiện nay nhấn mạnh sự cần thiết chuyển trọng tâm từ tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng bao trùm, trong đó nhấn mạnh đến sự phân phối và khả năng các nhóm dễ bị tổn thương tham gia vào quá trình tăng trưởng. Vì thế, chính sách an sinh xã hội cần được thúc đẩy để bảo đảm các nhóm dễ bị tổn thương người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người nghèo được hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội khác nhau, cũng như có cơ hội được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhìn chung chính sách quản lý xã hội đã giúp tăng cường sự ổn định chính trị - xã hội, từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó giúp cho con người, vì con người, có vị trí, vai trò quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội là tiền đề cho phát triển con người của quốc gia để thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có nhiều tác động tới người nghèo, đối tượng yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo./.