Chính thức ra mắt “Liên minh Chuyển đổi số” tại Việt Nam

Lan Phương| 08/08/2019 12:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sứ mệnh chung tay thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, một liên minh gồm các doanh nghiệp (DN) “rường cột” của nền CNTT - truyền thông Việt Nam đã chính thức được thành lập và công bố trong chương trình nghị sự của Vietnam ICT Summit 2019 diễn ra ngày 8/8.

Đến thời điểm này đã có các DN và tổ chức như Viettel, VNPT, Misa, FPT, CMC, VNG, Mobifone, BKAV, Hài Hoà xác nhận tham gia Liên minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra mắt của Liên minh

Liên minh Chuyển đổi số là sáng kiến do Hiệp hội Phần mềm và Công nghiệp nội dung số (VINASA) đề xuất, nhằm "hiệu triệu", kêu gọi các DN ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và DN tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Việt Nam), trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện… để hoàn thiện hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2019

Phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.

“Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới, theo Bộ trưởng, thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. “Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó là văn hoá người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới”.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, đơn vi thường trực Đề án Chuyển đổi số Việt Nam cho biết tầm nhìn chiến lược của Chuyển đổi số là Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; Mọi người có thể tham gia, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số; Giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.

Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện.

Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2030, Việt Nam thuộc Top 20 thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; Top 50 về Chỉ số chính phủ điện tử. Đền năm 2030, 100% người dùng di động sử dụng dịch vụ tiền di động; 100% người dân có Internet băng rộng, điện thoại thông minh.

Đề án đặt mục tiêu phát triển DN công nghệ số theo định hướng “Make in Viet Nam” (Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); 10 - 20 DN công nghệ lớn, làm chủ R&D. Hàng ngàn DN ICT làm các nền tảng; 50.000 DN khởi nghiệp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong mọi mặt kinh tế - xã hội; Phát triển hàng trăm các DN khởi nghiệp số.

Bên cạnh đó là mục tiêu phát triển chuyên gia công nghệ số; Tạo môi trường học tập suốt đời cho người Việt Nam (Lifelong Learning); Chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số (reskill, upskill); Đổi mới chương trình đào tạo ICT từ phổ thông.

Theo các nhà quản lý cũng như các chuyên gia trong ngành, để có được một Chiến lược số Quốc gia bài bản cũng như những mục tiêu đặt ra kể trên, rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung tay của tất cả Bộ, Ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và toàn xã hội. Mà trong đó không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, những người gánh sứ mệnh lớn lao để tiên phong chuyển đổi cũng như chia sẻ, nhân rộng những mô hình ưu việt đến các doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình cho biết chuyển đổi số là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, thời cơ để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, một "Liên minh Chuyển đổi số" ra đời được đánh giá là vô cùng cần thiết, để tập hợp những nguồn lực của ngành vì mục tiêu chung phát triển Việt Nam hùng cường, hiện đại.

Phát biểu tại Lễ ra mắt liên minh, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Chủ tịch liên minh, cho biết việc thành lập liên minh là kết quả làm việc tích cực và sự ủng hộ của cơ quan nhà nước, Bộ TTTT nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.

Việt Nam lần đầu tiên song hành cùng một cuộc cách mạng thế giới – cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, sáng tạo đổi mới, nâng cao năng lực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số.

Liên minh là nơi tập hợp DN viễn thông - CNTT để truyền cảm hứng trong toàn xã hội về chuyển đổi số”, ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính thức ra mắt “Liên minh Chuyển đổi số” tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO