Chơi Pokémon Go - vật ảo, tác hại thật

Nhật Minh| 12/08/2016 09:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính thức có mặt tại Việt Nam vào ngày 6-8, trò chơi Pokémon Go nhanh chóng trở thành trào lưu mới của giới trẻ. Nhiều tình huống bi, hài đã xảy ra với người chơi, khi đi tìm, bắt các loại Pokémon hiếm, tại những vị trí khó có thể đến được. Do ứng dụng này có tính năng thu thập thông tin, cho nên khi sử dụng, người chơi vô tình đồng ý việc mọi thông tin sẽ được “ghi” lại, gửi cho nhà sản xuất.

"Bắt" Pokémon tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Trưa 10-8, chúng tôi có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đi được một quãng lại gặp một nhóm các bạn trẻ tay cầm điện thoại, mắt “dán” vào màn hình để bắt các con vật “ảo”. Lúc 12 giờ 30 phút, có hơn 50 bạn trẻ tụ tập tại bờ hồ, khu vực phố Hàng Khay để “bắt” Pokémon. Đây là trò chơi tương tác ảo trên điện thoại thông minh, mang tên Pokémon Go, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để vẽ bản đồ giống như ngoài đời thực, xây dựng các hoạt động tương tác trên đó theo không gian và thời gian thực. Cách chơi khá đơn giản, người chơi chỉ cần di chuyển liên tục trên đường, đến vị trí được thông báo có Pokémon sẽ dừng lại và “bắt” bằng cách hướng ca-mê-ra lia quả bóng về phía trước. Sau khi thu thập đủ số lượng Pokémon, người chơi có thể tham gia các chương trình huấn luyện, thi đấu với nhau. Bạn Nguyễn Minh Hồng (Học viện Ngân hàng) cho biết, có những khu vực sẽ xuất hiện các Pokémon hiếm vào một thời điểm nhất định, cho nên lúc đó sẽ có rất nhiều người đến, ai nhanh tay hơn sẽ “bắt” được. Sức hấp dẫn của trò chơi ở chỗ tính tương tác giữa các con vật “ảo” và “đời thật” rất cao, nhất là với tâm lý cạnh tranh, người chơi luôn muốn có những con Pokémon mới, hiếm, đã liên tục đi tìm, bắt để ganh đua với bạn bè.

Dễ dàng nhận thấy, khi đi trên đường, rất nhiều bạn đi xe máy bằng một tay, tay kia cầm điện thoại “dò” Pokémon, mắt vừa nhìn màn hình, vừa nhìn đường, cho nên khó bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Việc giơ điện thoại ra ngoài đường như vậy cũng tạo nguy cơ dễ bị cướp, giật, gây tai nạn nghiêm trọng. Chúng tôi từng thấy một bạn đang di chuyển trên đường để tìm, bắt Pokémon, bỗng nhiên dừng đột ngột khi có thông báo xuất hiện một con Pokémon, khiến xe ta-xi phía sau đâm vào, may chỉ xây xước nhẹ. Mặc dù trò chơi Pokémon Go mới vào Việt Nam được sáu ngày, nhưng đã có không ít những sự cố khi vừa tham gia giao thông vừa chơi Pokémon Go. Trên thế giới, cũng đã có nhiều tai nạn khi chơi Pokémon, khiến nhiều nước phải ra cảnh báo về các tác hại của trò chơi này. Mặt khác, nhiều chuyên gia về an ninh, bảo mật rất e ngại với tính năng thu thập thông tin qua việc chơi Pokémon Go, việc tải và sử dụng ứng dụng không rõ nguồn gốc trên mạng, có thể khiến người dùng nhiễm các mã độc do tin tặc đính kèm. Tải Pokémon Go trên các trang mạng không rõ ràng có thể khiến dữ liệu bị đánh cắp, mất thông tin về tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, thẻ tín dụng… đã sử dụng trên điện thoại. Nhất là hiện nay, vệ tinh của nước ngoài mới chỉ có thể có những hình ảnh từ trên không xuống một số cơ sở quan trọng, với thông tin chưa đầy đủ. Nhưng với trò chơi Pokémon Go, các dữ liệu khi người chơi tham gia đã vô tình “ghi” lại những thông tin chi tiết về khu vực, thậm chí toàn bộ cấu trúc tòa nhà, nếu được vào bên trong để tìm, bắt Pokémon. Nhiều diễn đàn trên mạng bắt đầu nghi ngại về vấn đề này, khi nhận thấy một điểm chung, đó là những khu vực “nhạy cảm” được “thả” nhiều Pokémon nhất, thường xuất hiện những loại hiếm. Mặt khác, hiện có nhiều người chơi gian lận, không muốn di chuyển đã sử dụng công cụ chỉnh sửa bản đồ của Google, tạo ra các vị trí không có thật, thay đổi các địa điểm như trụ sở cơ quan, trường học… về gần nhà để bắt Pokémon. Việc liên tục gửi các thông tin được chỉnh sửa tùy tiện, thiếu chính xác, khiến những người sử dụng bản đồ bị nhầm lẫn. Theo ý kiến từ các chuyên gia, việc tạo các địa điểm không có thật để gian lận về mặt kỹ thuật, sẽ được google kiểm duyệt chặt, cho nên trước mắt sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, việc liên tục tạo ra các thông tin giả như vậy sẽ gây khó khăn cho đội ngũ kiểm duyệt của google, có thể khiến việc thiết lập các thông tin về vị trí chính xác trên bản đồ bị ảnh hưởng.

Ngày 11-8, Phó Chủ tịch An ninh mạng Bkav Ngô Tuấn Anh cho chúng tôi biết: Khi chưa có bản Pokémon Go chính thức, người chơi phải cài các bản được phát tán trên mạng. Đây là nguy cơ khiến người chơi có thể cài ứng dụng có chứa mã độc của tin tặc. Tại Bkav đã phân tích một số ứng dụng Pokémon Go giả mạo, tìm thấy mã độc, cho phép tin tặc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị của người dùng. Bởi vậy, hiện nay để an toàn, người dùng chỉ nên cài đặt các phiên bản chính thức trên App Store và Google Play, không tải các phiên bản từ các nguồn bất kỳ trên mạng. Ngoài ra, để chơi Pokémon Go, người chơi phải bật tính năng định vị và ca-mê-ra. Về mặt kỹ thuật, từ việc tập hợp các vị trí, hình ảnh chung quanh, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác. Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokémon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. Tại nhiều địa điểm quan trọng không được phép quay phim, chụp ảnh, nhưng qua việc chơi Pokémon Go sẽ khiến các thông tin bị lộ. Với các lý do nói trên, hiện nay I-ran là nước đầu tiên trên thế giới cấm trò chơi Pokémon Go. Chiều 11-8, chúng tôi trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do, về định hướng của Cục đối với việc quản lý trò chơi Pokémon Go. Tuy nhiên, đồng chí cho biết, hiện nay Cục vẫn trong quá trình nghiên cứu, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để quản lý hiệu quả trò chơi này.

Ý kiến của các chuyên gia cho rằng, để chơi Pokémon Go, người dùng phải đăng nhập bằng một tài khoản thư điện tử và chấp nhận một số điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, người dùng cần cân nhắc khi quyết định chơi game, bởi khi đó, các thông tin dữ liệu sẽ mặc nhiên được thu thập, “ghi” lại, gửi về cho hệ thống của nhà sản xuất. Và rất có thể, những dữ liệu, thông tin bí mật không muốn chia sẻ cũng sẽ bị gửi, mà người sử dụng không hề hay biết.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Chơi Pokémon Go - vật ảo, tác hại thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO