Chuyển đổi số

Chủ động ứng dụng công nghệ, TMĐT: Hướng đi mới cho vải thiều Thanh Hà

PV 10:36 25/03/2023

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp thông minh đang là xu hướng tất yếu, giúp nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về thời gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Công nghệ mới trong quy trình tiêu thụ sản phẩm đúng thời điểm là cần thiết để đẩy mạnh giá trị và tiết kiệm chi phí cho sản phẩm.

Vải thiều Thanh Hà đi trước một bước

Vừa qua UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều, sớm hơn những năm trước khoảng 1 tháng.

Theo UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện sẽ in 1.000 thư mời tiêu thụ vải thiều gửi đến các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị; 1.000 tờ rơi, tờ gấp; 20.000 tem truy xuất nguồn gốc… Đầu tháng 4, địa phương sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, kết nối DN, siêu thị, hợp tác để bàn biện pháp tiêu thụ. Cuối tháng 5 sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội. Đầu tháng 6 phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các điểm bán giới thiệu, quảng bá vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An...

Bên cạnh đó huyện cũng tiếp tục phối hợp xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại một số thành phố, cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

vai-thieu-06052021.jpg
Vải Thanh Hà ứng ụng công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm

Đặc biệt trong năm 2023 huyện Thanh Hà tích cực đẩy mạnh ký kết hợp tác tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT): Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee; Tiếp tục tổ chức Hội thi hái vải thiều Thanh Hà - tinh hoa văn hóa xứ Đông; Lễ mở vườn vải và cắt băng xuất khẩu; quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu du lịch sinh thái miệt vườn Thanh Hà.

Thời gian thu hoạch vải u trứng trắng, trứng gai dự kiến bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, u hồng từ đầu tháng 6 và vải thiều chính vụ từ giữa tháng 6 hằng năm.

Bộ Công thương hỗ trợ đẩy nhanh hướng đi cho vải thiều

Bộ Công Thương nhiều năm đã nỗ lực hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, nhất là trong công tác xuất khẩu, xúc tiến sản phẩm vải thiều Thanh Hà lên các trang thương mại điện tử… Trong các năm 2021, 2022, tuy ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID nhưng sản phẩm vải thiều Thanh Hà vẫn tiêu thụ tốt nhờ được hỗ trợ bán trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều của Hải Dương cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác.

Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước.

Việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E…

ma.jpg
Thông tin truy xuất nguồn gốc cho vải xuất khẩu

Trong thời gian tới, nhằm giúp vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm của Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khuyến nghị, Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và TMĐT trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù để tập trung phát triển, tỉnh Hải Dương sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng, nhất là việc đưa lên sàn giao dịch TMĐT./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng dụng công nghệ, TMĐT: Hướng đi mới cho vải thiều Thanh Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO