Chưa thống nhất cơ quan quản lý mật mã dân sự

03/11/2015 20:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Cả Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Ban Cơ yếu Chính phủ đều cho rằng nên để cơ quan mình quản lý mật mã dân sự.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng (đứng) - Ảnh: H.Đ

Hội thảo khoa học về Dự án Luật An toàn thông tin (ATTT) do Ủy ban (UB) Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội khóa XIII) tổ chức đã diễn ra hôm 31/7/2015 tại TP.HCM. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo, cùng sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và nhiều Đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia lĩnh vực TT&TT, cơ yếu, an toàn thông tin...

Tiến sĩ Phan Xuân Dũng cho biết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật ATTT, và Dự thảo đã được điều chỉnh theo các ý kiến được đồng thuận. Hội thảo hôm 31/7 sẽ tiếp tục lấy các ý kiến từ đại biểu Quốc hội và chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật ATTT. Trong đó, theo ông Dũng, nổi bật là hai vấn đề nên giao mật mã dân sự cho Ban Cơ yếu Chính phủ (gọi tắt là Ban Cơ yếu – PV) hay giao Bộ TT&TT quản lý, và vấn đề có nên tách Ban Cơ yếu ra khỏi trách nhiệm của Bộ Quốc phòng hay không.

Cục trưởng cục ATTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Hải kiến nghị giao mật mã dân sự cho Bộ TT&TT quản lý. Ông Hải cho rằng Ban Cơ yếu dù không trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng trực thuộc trực tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tức thuộc quân đội nên nếu thực hiện quản lý xã hội dân sự thì sẽ có những bất cập nhất định. Người dân do không nắm được những quy định trong chức năng nhiệm vụ của Ban Cơ yếu nên việc xin cấp phép sản xuất, tiêu thụ mật mã dân sự từ Ban Cơ yếu sẽ có khó khăn, ông Hải nói thêm. Cục trưởng cho rằng đã xin ý kiến Thủ tướng và được Thủ tướng chấp nhận thông qua.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào – Phó Ban Cơ yếu chính phủ dẫn Luật Cơ yếu cho rằng Ban Cơ yếu là Cơ quan mật mã quốc gia chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ quốc phòng, và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã. Thiếu tướng Đào cho rằng Luật Cơ yếu không nói Ban Cơ yếu trực thuộc Bộ Quốc phòng, và Ban Cơ yếu không phải là một cơ quan như các đơn vị khác trong quân đội. “Quản lý nhà nước về mật mã”, theo thiếu tướng Đào, bao gồm quản lý mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và quản lý mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc bí mật nhà nước – tức mật mã dân sự.

Thiếu tướng Đào nói Luật Tổ chức Chính phủ vừa ký hơn một tháng khẳng định (giao Ban Cơ yếu) quản lý, kinh doanh, sản xuất sử dụng mật mã. Phó Ban Cơ yếu cho rằng, bảo vệ mật mã liên quan đến bảo đảm bảo an ninh quốc gia, và việc giao cho Ban Cơ yếu – Cơ quan mật mã quốc gia – quản lý mật mã dân sự là hợp lý.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều Đại biểu Quốc hội và chuyên gia được mời tới dự nêu nhiều ý kiến khác nhau, tựu trung lại là hai ý kiến: giao hết việc quản lý mật mã – bao gồm mật mã dân sự cho Ban Cơ yếu quản lý vì lý do quan trọng là bảo đảm an ninh quốc gia, nhóm ý kiến khác cho rằng nên giao mật mã dân sự cho Bộ Thông tin – Truyền thông quản lý để dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp xin cấp phép sản xuất, tiêu thụ; nhóm ý kiến này cho rằng Ban Cơ yếu chỉ nên quản lý mật mã liên quan đến bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng (đứng) - Ảnh: H.Đ

Đại diện ban soạn thảo Bộ TT&TT – cơ quan được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật ATTT – Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng các ý kiến nêu trong hội thảo đều sâu, xác thực về các nội dung của dự thảo dự án Luật ATTT. Thứ trưởng Hồng cam kết sẽ cùng ban soạn thảo Bộ TT-TT nghiên cứu kỹ các ý kiến để hoàn chỉnh, hoàn thiện Dự thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói sẽ trình lên UB Thường vụ Quốc hội về những ý kiến khác nhau (về việc giao cơ quan nào quản lý mật mã dân sự và các vấn đề khác) để UB này quyết định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chưa thống nhất cơ quan quản lý mật mã dân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO